3 đối tượng dễ bị tổn thương và tử vong nhất nếu nhiễm Covid-19
Tới thời điểm này, tại Việt Nam hiện đã ghi nhận 35 trường hợp dương tính với Covid-19. Trong đó, 16 trường hợp đã khỏi, 19 trường hợp đang điều trị hồi phục tốt.
Bệnh Covid-19 thường nhẹ, nhưng lại lây lan rất nhanh. Nhóm đối tượng dễ bị tổn thương và nguy cơ tử vong cao đó là: Nhân viên y tế, người trên 60 tuổi, người có bệnh lý nền như: tim phổi, đái tháo đường, suy giảm miễn dịch...
PGS.TS. Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết: "Những người có nguy cơ cao là những người tiếp xúc với nguồn bệnh mà không thực hiện các biện pháp phòng bệnh một cách nghiêm ngặt vì bệnh do COVID-19 rất dễ lây".
Ông cũng khẳng định: "Những người mắc bệnh phải là những người tiếp xúc gần với người trở về từ vùng dịch hoặc hải sản, động vật của vùng dịch. Do đó, để phòng bệnh mỗi người đều phải tuân thủ khuyến cáo cập nhật thường xuyên của Bộ Y tế, trong đó, cần lưu ý yếu tố vệ sinh cá nhân thường xuyên, đeo khẩu trang, rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho; tránh tiếp xúc gần với động vật nuôi và động vật hoang dã; chỉ sử dụng thực phẩm chín..."
Trẻ em và trẻ vị thành niên rất ít bị ảnh hưởng bởi Covid-19 và hầu hết các trường hợp mắc thuộc đối tượng này có triệu chứng nhẹ.
Để không bị nhiễm dịch bệnh Covid-19, cần lưu ý:
- Thường xuyên rửa tay kỹ bằng xà phòng và nước sạch, hoặc bằng dung dịch rửa tay có cồn để loại bỏ virus có thể đang bám trên tay bạn.
- Dùng khăn giấy hoặc khuỷu tay gập lại che miệng và mũi khi ho hoặc hắt hơi. Sau đó bỏ khăn giấy đã qua sử dụng vào thùng rác có nắp đậy và rửa sạch tay.
- Tránh chạm tay vào mắt, mũi và miệng vì có thể khiến virus xâm nhập vào cơ thể và làm bạn bị ốm.
- Tránh tiếp xúc với người đang bị sốt và ho. Nếu bạn không khỏe, hãy ở nhà để tránh lây bệnh sang người khác.
- Người mắc bệnh có triệu chứng viêm đường hô hấp cấp tính: sốt, ho, đau họng, khó thở, có trường hợp viêm phổi, viêm phổi nặng, có thể gây suy hô hấp cấp và nguy cơ tử vong, đặc biệt ở những người cao tuổi, người suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mạn tính kèm theo.
- Một số người nhiễm virus có thể có biểu hiện lâm sàng nhẹ không rõ triệu chứng nên gây khó khăn cho việc phát hiện.
- Trường hợp nghi ngờ mắc bệnh là trường hợp có ít nhất một trong các triệu chứng như: sốt hoặc ho hoặc khó thở hoặc viêm phổi và có một trong các yếu tố dịch tễ sau: đến Việt Nam từ các quốc gia đang có dịch bệnh trong vòng 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh; có tiếp xúc gần với trường hợp bệnh xác định hoặc trường hợp bệnh nghi ngờ trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh; có tiền sử đến/ở/về từ ổ dịch đang hoạt động trong vòng 14 ngày trước khi khởi phát bệnh.
- Trường hợp bệnh xác định là trường hợp bệnh nghi ngờ có xét nghiệm khẳng định nhiễm bệnh.