Nên ăn gừng cả vỏ hay bỏ vỏ?
Gừng là loại gia vị mà hầu như nhà nào cũng có sẵn. Gừng được dùng để khử mùi thực phẩm, làm gia vị cho nhiều món ăn. Khi sơ chế, nhiều người có thói quen gọt vỏ gừng rồi đem chế biến, có người lại để nguyên vỏ gừng và đem đi nấu luôn. Vậy cách làm nào mới đúng? Ăn gừng cả vỏ hay bỏ vỏ sẽ tốt hơn?
Thực chất, vỏ gừng là thứ có thể ăn được. Nó không có độc. Trong đa số các trường hợp, chúng ta có thể ăn vỏ gừng. Vỏ gừng chứa nhiều chất xơ khi đem ra so sánh với các phần còn lại của củ gừng.
Theo Đông y, phần thịt của củ gừng có tính ấm, vị hăng trong khi đó phần vỏ gừng có tính mát tự nhiên, vị cay nồng, giúp lợi tiểu, tiêu sưng. Vỏ và phần thịt của củ gừng được coi là hai phần có tác dụng bổ trợ cho nhau như một cặp âm dương, có tác dụng cân bằng dược tính. Do đó, việc ăn gừng cả vỏ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe, nhất là với những người bị phù nề, táo bón, hôi miệng.
Trong hầu hết các trường hợp, ăn gừng cả vỏ sẽ mang lại tác dụng tốt đối với sức khỏe. Tuy nhiên, y học cổ truyền vẫn khuyến cáo một số người nên cạo sạch vỏ gừng trước khi ăn. Các trường hợp đó là:
- Người bị cảm lạnh: Khi bị cảm lạnh, bạn nên ăn gừng bỏ vỏ để giữ nguyên tính ấm của gừng, giúp giải cảm nhanh.
- Người bị bệnh lá lách, dạ dày: Do vỏ gừng có tính mát, ăn vào sẽ gây ra khó chịu cho tỳ vị, dạ dày nên những người này ăn gừng bỏ vỏ sẽ tốt hơn.
- Người âm hư hỏa vượng, lao phổi, viêm loét dạ dày, viêm túi mật, tiểu đường, trĩ, mụn nhọt... không nên dùng gừng quá thường xuyên.
- Khi nấu hải sản nên dùng gừng bỏ vỏ vì phần vỏ có vị cay nồng có thể làm ảnh hưởng đến hương vị của món ăn.
Một số lưu ý khác khi ăn gừng
- Không ăn gừng nẫu
Bạn nên chọn những củ gừng còn nguyên vẹn, tránh ăn gừng bị dập nát, thối nẫu. Một nghiên cứu của FDA Hoa Kỳ cho thấy gừng bị thối nẫu có chứa chất safrole có thể gây ra K gan. Khi thấy gừng bị mềm nhũn, chảy nước thì không nên ăn.
- Không nên ăn gừng vào ban đêm
Bạn có thể uống trà gừng, ngậm một lát gừng vào buối sáng để tăng cường sức khỏe, thúc đẩy việc lưu thông máu, cải thiện tiêu hóa, tăng sức đề kháng. Tuy nhiên, nên hạn chế sử dụng gừng vào ban đêm vì loại gia vị này có thể khiến cơ thể bị nóng, làm ảnh hưởng đến giấc ngủ.
- Không nên sử dụng gừng mọc mầm
Khi thấy gừng bị mọc mầm, bạn không nên tiếp tục sử dụng chúng. Chế biến gừng mọc mầm có thể sinh ra chất lưu huỳnh có khả năng gây tổn thương gan.