Cho trẻ ăn hải sản quá sớm
Từ 6 tháng tuổi trở đi, bé bắt đầu được cho ăn dặm. Lúc này, phụ huynh có thể cho con ăn cá ở dạng bột sệt hoặc nghiền nhuyễn.
Tuy nhiên, đạm trong các loại hải sản nói chung (bao gồm cả tôm, cá) dễ gây dị ứng cho trẻ. Do đó, cho bé ăn hải sản từ tháng thứ 7 trở đi là cách tốt nhất để đảm bảo an toàn.
Bố mẹ nên cho bé ăn từ từ từng ít một để thích nghi dần. Nếu bé có cơ địa dị ứng với hải sản, phụ huynh cần phải thận trọng hơn.
Cho trẻ ăn quá nhiều hải sản
Hải sản là nguồn cung cấp chất dinh dưỡng quý giá. Tuy nhiên, không phải cứ ăn nhiều là tốt. Các chuyên gia khuyên rằng, mẹ có thể cho bé ăn 1-2 bữa hải sản/ngày. Tùy theo tháng tuổi mà lượng ăn khác nhau.
Trẻ 7-12 tháng có thể ăn 20-30 gram cá, tôm (đã bỏ xương, vỏ, chỉ lấy phần thịt) và nấu với bột, cháo. Mỗi ngày có thể ăn 1 bữa, tối thiểu ăn 3-4 bữa/tuần.
Trẻ 1-3 tuổi: có thể ăn 30 - 40 g thịt hải sản/bữa, mỗi ngày 1 bữa nấu với cháo hoặc mỳ, bún, súp...
Trẻ 4 tuổi trở lên: mỗi bữa có thể ăn 50-60 g thịt của hải sản/bữa, ghẹ có thể ăn 1/2 con/bữa, tôm to có thể ăn 1-2 con (tương tương với 100g cả vỏ)/bữa. Có thể ăn 1-2 bữa/ngày.
Cho con ăn tất cả các loại hải sản
Hải sản chứa nhiều chất bổ dưỡng nhưng đối với trẻ nhỏ, mẹ nên tránh cho bé ăn một số loại nhất định. Đó là những loại cá có chứa hàm lượng thủy ngân cao và các chất ô nhiễm như cá mập, cá kình, cá lưỡi kiếm (cá cờ), cá thu lớn, cá ngừ lớn.
Các loại hải sản có vỏ như hàu, ngao, hến, trai... nên cho bé ăn khi được 1 tuổi. Đây là những loại hải sản giàu kẽm - một vi chất quan trọng đối với trẻ.
Trẻ từ 7 tháng tuổi trở đi mẹ có thể cho con ăn tôm biển.
Điều quan trọng khi cho bé ăn hải sản là mẹ phải lựa họn lọai còn tươi, không ăn hải sản đã chết vì dễ gây ngộ độc, nguy hiểm đến sức khỏe của bé.
Chế biến không đúng cách
Hải sản nếu không chế biến đúng cách có thể dễ gây ngộ độc cho trẻ. Trẻ cần ăn chín uống sôi. Do đó, các loại hải sản chế biến chưa chín hẳn như gỏi cá sống, hàu sống, sò, mực nướng… không nên cho bé ăn. Những loại này có thể chứa vi trùng và ký sinh trùng và sẽ dễ dẫn nhiễm trùng đường ruột, ngộ độc thực phẩm.
Đối với trẻ trong giai đoạn ăn bột, cháo, tốt nhất phụ huynh nên nghiền nhỏ cá, tôm để nấu chung. Cha mẹ nên chú ý việc lựa xương, tránh để trẻ bị hóc.
Cua đồng thì giã lọc lấy nước để nấu cháo.
Tôm to cần bóc vỏ, xay hoặc giã nhuyễn; tôm nhỏ có thể xay và lọc lấy nước để nấu cháo.
Các loại hải sản như ngao, sò, hàu... thì luộc chín, lọc lấy nước nấu cháo, thịt băm nhỏ cho vào cháo.
Trẻ từ 3 tuổi trở lên cha mẹ có thể cho bé ăn hải sản dạng luộc, hấp.