Chỉ 1% công chức... không hoàn thành nhiệm vụ
Chiều 23/9 vừa qua, phiên họp thứ 21, Ủy ban Thường vụ Quốc khóa XIII đã bế mạc. Trong suốt 2 tuần diễn ra phiên họp, các Đại biểu đã thảo luận, chuẩn bị nhiều nội dung quan trọng cho Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII. Tuy nhiên, một điều đặc biệt khác của phiên họp thứ 21 khiến công chúng cảm thấy bất ngờ và hứng thú chính là những phát ngôn ấn tượng của các vị lãnh đạo
Chiều 23/9, Ủy ban TVQH đã cho ý kiến về Báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật trong công tác tuyển dụng, đào tạo, bổ nhiệm đối với đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức.
Trước khi bước vào phiên thảo luận, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đề nghị phải đánh giá đội ngũ cán bộ công chức (CBCC) hiện nay đạt trình độ, hiệu quả làm việc như thế nào. “Dư luận nói 30% không đạt yêu cầu thì có đúng không?”, ông hỏi.
Đại diện cơ quan chủ trì giám sát, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho hay các địa phương nói đến nay chưa có tiêu chí cụ thể đánh giá hiệu quả CBCC nên rất khó xác định được chính xác bao nhiêu phần trăm CBCC đáp ứng được yêu cầu công việc, bao nhiêu phần trăm không.
Bộ trưởng Nội vụ Nguyễn Thái Bình. Ảnh: VNE |
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình bổ sung: Vừa rồi chưa có đầy đủ dữ liệu để đánh giá đúng và trúng trình độ, chất lượng đội ngũ CBCC các cấp nên chưa thể phân loại được CBCC. Sau khi một số cán bộ T.Ư và địa phương phát biểu về vấn đề này, Ban Cán sự Đảng Chính phủ, Bộ Nội vụ cũng đã nêu vấn đề để tìm nguyên nhân. “Chúng tôi có đề nghị các bộ, địa phương có báo cáo phân tích chất lượng, số lượng CBCC tính đến 31/12/2012. Số liệu các địa phương tổng hợp gửi lên chưa đầy đủ nên chưa có số cuối cùng, nhưng qua tổng hợp sơ bộ, số không hoàn thành nhiệm vụ chỉ trên dưới 1%”, Bộ trưởng Bộ Nội vụ báo cáo.
Số liệu báo cáo chỉ 1% công chức không hoàn thành nhiệm vụ của Bộ Nội vụ đã khiến dư luận vô cùng bất ngờ, xôn xao. Người ta vẫn hay nói chất lượng công chức hiện nay ai cũng biết, chỉ là không mấy người dám thẳng thắn nói ra, chỉ khi Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thẳng thắn nói rằng: “Trong bộ máy chúng ta có tới 30% số công chức không có cũng được, bởi họ làm việc theo kiểu sáng cắp ô đi, tối cắp về, không mang lại bất cứ thứ hiệu quả công việc nào”.
Sau đó, kết luận này lại càng trở nên đáng tin khi Bộ Nội vụ công bố kết quả thi nâng ngạch chuyên viên chính lên chuyên viên cao cấp, với 30% công chức dự thi không đạt điểm để xét. Trong số này có nhiều người là lãnh đạo cấp Cục, Tổng cục. Ngay trong Bộ Nội vụ cũng có 9/22 công chức không đạt được số điểm yêu cầu.
Rõ ràng con số 30% người dân biết đến lâu nay với con số 1% mới được công bố có sự chênh lệch rất lớn, và vì vậy không ít người dân đã phải hoài nghi thắc mắc đâu mới là con số đáng tin?
Việt Nam có một luật rất lạ mà thế giới chưa có...
Phát biểu tại phiên họp sáng 20/9 về kết quả triển khai thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết đã được Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XIII thông qua, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân bình luận: “Ở VN có một luật rất hay, rất lạ mà thế giới chưa có là luật phổ biến giáo dục pháp luật. Có nghĩa, luật ban hành ra rồi vẫn không làm, đến khi ra thêm luật phổ biến giáo dục pháp luật cũng... chưa làm”.
Bà Kim Ngân tóm tắt 5 nguyên nhân chủ yếu là do: “Nợ; Chậm tiến độ; Chưa nghiêm túc; Chất lượng kém và Nội dung chưa phù hợp”. Bà cho biết, bình quân một luật có 6-7 văn bản luật mới thực hiện được.
Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân. (Ảnh: VOV) |
Một vấn đề đáng lo ngại và cũng thật lạ lùng của việc triển khai thi hành các Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết ở nước ta nữa đó chính là luật vừa ban hành đã kịp lạc hậu, toàn thạc sĩ, tiến sĩ luật mà tính thực tế của luật vẫn hạn chế.
Ông Ksor Phước - Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Quốc hội cho biết, khi ông đi giám sát, vấn đề bị kêu nhiều nhất là văn bản dưới luật để hướng dẫn rất chậm, mà nội dung thì khó hiểu. Khi ra được luật thì thực tiễn đã vượt qua luật rồi. “Khi luật được ban hành, Chủ tịch Quốc hội đã ký, Chủ tịch nước công bố thì bản thân luật đã lạc hậu. Nhưng nghị định và văn bản hướng dẫn lại còn chậm hơn nên ra đời xong thì đã phải sửa lại luật. Có những luật từ khi ban hành cho đến khi chưa có hiệu lực đã phải bổ sung, sửa đổi” – ông nói.
Ông Vương Đình Huệ: “Không biết GDP chạy đi đâu!”
Tại hội thảo khoa học quốc tế “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế - xã hội năm 2011-2013 và những điều chỉnh chiến lược” do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức đầu tuần ở Hà Nội, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ cũng đã có phát biểu gây xôn xao dư luận khi cho rằng các báo cáo về kinh tế có dấu hiệu sai lệch.
Trong phiên thảo luận diễn ra sau báo cáo “Nhìn lại nửa chặng đường phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2011-2015 và những điều chỉnh chiến lược”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nói: “Thú thật, tôi thấy các con số thống kê nó thế nào ấy, tôi không dám tin. Nợ xấu đố ai biết chính xác ra sao, tôi không dám tin con số nào vì hôm nay nói thế này mai lại nói thế khác… Nếu cứ căn cứ vào những con số này để phân tích thì đi đến đâu?”.
Nhiều hoài nghi quanh những con số báo cáo về kết quả kinh tế. |
Trong khi đó, TS Lưu Bích Hồ - nguyên Viện trưởng Viện chiến lược chính sách thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư phát biểu: “Tôi thuộc phái hoài nghi các con số”. Ông dẫn ví dụ về chỉ tiêu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nền kinh tế và thấy rằng, điều phi lý là tăng trưởng GRDP (GDP trên địa bàn) của tỉnh nào cũng cao hơn mức trung bình cả nước.
Do vậy, ông đề nghị, “Không nên coi trọng vấn đề này nữa, đặt ra không giải quyết vấn đề gì. Bàn câu chuyện khác chứ không bàn con số”.
Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Vương Đình Huệ lên tiếng, “GDP tỉnh nào cũng tăng cao mà chỉ tiêu cả nước chỉ 5,5% thì không biết GDP chạy đi đâu?”. Do vậy, ông đề nghị cần nghiên cứu việc phối hợp điều hành kinh tế giữa trung ương và địa phương.