Cho dù buổi biểu diễn là ở trên đường phố hay trong chương trình truyền hình, chắc chắn bạn cũng khó có thể rời mắt khỏi một vũ nữ với mái tóc nhuộm đỏ rực, cùng chiếc váy bó đỏ lấp lánh say mê thả hồn trong điệu múa cột. Và càng không thể khi vũ nữ đó lại là một bà lão năm nay đã 60 tuổi. Một bà lão như vậy vừa trở nên nổi tiếng trên khắp các phương tiện truyền thông Trung Quốc – bà Tôn Phượng Cầm, công dân thành phố Nam Kinh cổ kính.
[links()]
Qua tuổi 60 mới có niềm đam mê với môn múa cột
Múa cột không phải là bộ môn xa lạ gì với văn hóa Phương Tây, nhưng tại hầu hết các nước Phương Đông, nó vẫn phải hứng chịu nhiều sự kỳ thị của người đời.
Nghĩ đến múa cột, hình ảnh đầu tiên người ta thường liên tưởng đến vẫn là các cô nàng ăn mặc thiếu vải, thân hình nóng bỏng với những vũ điệu bốc lửa trong quán bar.
Mặc dù giờ đây môn múa cột thể hình ngày càng được nhiều người biết đến như một phương pháp luyện tập để tăng cường sức khỏe và giữ gìn sắc đẹp, nhưng điều đó không có nghĩa là múa cột đã được đối xử “bình đẳng” như các bộ môn thể thao và nghệ thuật khác.
Cho nên, khi có một bà lão 60 tuổi sống tại thành phố cổ kính từng là cố đô Trung Quốc – thành phố Nam Kinh – bỗng nhiên không chỉ say mê thưởng thức mà còn tự mình lao vào luyện tập và biểu diễn bộ môn này, dư luận được một phen xôn xao, và tất nhiên, giới truyền thông không đứng ngoài cuộc.
Bà Tôn Phượng Cầm trong một buổi biểu diễn đường phố |
Bà Tôn Phượng Cầm là một phụ nữ như nhiều phụ nữ khác sống tại Nam Kinh, có chồng và 1 con trai. 60 tuổi, vào cái tuổi tưởng chừng chỉ có thể nghỉ ngơi dưỡng sức, sống nốt những ngày bình yên của cuộc đời, thì bỗng nhiên bà khám phá ra một niềm đam mê mới mẻ: múa cột.
Niềm đam mê đến rất tình cờ. Một hôm, bà Tôn xem được trên truyền hình một màn biểu diễn múa cột, bà bị hấp dẫn ngay lập tức, đến nỗi không thể rời mắt khỏi những động tác múa điêu luyện và hấp dẫn của vũ công.
Sau đó, bà mong muốn được tự mình thực hiện màn biểu diễn đó. Mất một thời gian tìm kiếm hỏi han, cuối cùng, bà cũng tìm ra một trung tâm dạy múa cột và đăng ký vào học.
Từ những ấn tượng lạ lẫm ban đầu, mọi người dần dần bị chinh phục bởi sự chăm chỉ và lòng nhiệt huyết của bà lão 60 tuổi. Bà trở thành học trò cưng của lớp học, và cùng với thời gian luyện tập, kĩ năng của bà cũng tiến bộ nhanh chóng.
Câu chuyện về bà lão 60 tuổi đi học múa cột tất nhiên đã lập tức lan ra khắp thành phố Nam Kinh, sau đó là cả Trung Quốc. Bà Tôn bắt đầu nhận được các lời mời biểu diễn. Những màn biểu diễn của bà hấp dẫn và chuyên nghiệp đến nỗi khán giả không thể rời mắt được.
Chỉ trong vòng 4 tháng trở lại đây, bà Tôn Phượng Cầm đã trở thành tiêu điểm chú ý của giới truyền thông, liên tiếp nhận những lời mời biểu diễn của các đài truyền hình trong cả nước. Những chương trình văn nghệ nổi tiếng nhất đều muốn bà có mặt.
Điều đáng nói là, mặc dù nhận lời biểu diễn cho rất nhiều chương trình văn nghệ trên các kênh truyền hình, nhưng bà Tôn chưa chịu nhận một đồng tiền bồi dưỡng nào.
Có nhiều người tò mò cho rằng, bây giờ, bà đã nổi tiếng như vậy, các chương trình mời bà đến biểu diễn cũng thu hút được không ít sự chú ý của khán giả, vậy thì việc họ trả thù lao cho bà là hoàn toàn xứng đáng, bà nên nhận tiền thù lao.
Với bà, múa cột đã trở thành một niềm đam mê thực sự, không phải một sở thích nhất thời, cũng không phải vì mục đich kiếm tiền hay trở nên nổi tiếng. Bà sẽ theo đuổi đam mê đến khi sức khỏe không cho phép nữa. |
Tuy nhiên, bà Tôn có cách suy nghĩ riêng của mình, bà cho rằng những người sản xuất chương trình đã vì mình mà dàn dựng chương trình, chuẩn bị trang phục, đạo cụ... vô cùng vất vả. Hơn nữa, bà biểu diễn không phải để kiếm tiền, mà để thỏa nguyện sở thích cá nhân, cho nên bà không muốn nhận thù lao.
Bà Tôn Phượng Cầm cho biết, niềm đam mê yêu thích múa cột ở lứa tuổi 60 đối với nhiều người có lẽ là không thể giải thích nổi, thậm chí có thể gọi là kỳ quái hay điên khùng, nhất là ở một đất nước phương Đông truyền thống như Trung Quốc. Nhưng thực ra điều này chẳng có gì mâu thuẫn với tính cách sôi nổi, hướng ngoại của bà từ trước đến nay.
Cách đây 10 năm, bà Tôn đã bắt đầu chú ý đến việc làm đẹp. Theo bà, người già càng cần phải khỏe mạnh xinh đẹp. Mà muốn được như vậy, trước hết phải sống thật vui vẻ chân thật với sở thích của mình.
Thay đổi một kiểu tóc mới, tập một môn thể thao hay nghệ thuật mới, đi du lịch đến một địa điểm mới… tất cả đều là những phương pháp tốt để người cao tuổi sống khỏe sống vui hơn. Vậy tại sao lại không một lần thử những điều đó?
Theo đuổi được đam mê nhờ “ông lão” đứng sau cổ vũ
Bà Tôn cho biết, cảm giác khi đứng trên sân khấu, đối diện với máy quay phim thực sự rất tuyệt, đó là những khoảnh khắc tuyệt diệu nhất trong cuộc đời bà.
Với bà, múa cột đã trở thành một niềm đam mê thực sự, không phải một sở thích nhất thời, cũng không phải vì mục đich kiếm tiền hay trở nên nổi tiếng. Chắc chắn bà sẽ còn theo đuổi đam mê này cho đến khi điều kiện tuổi tác và sức khỏe không cho phép nữa.
Trong gần 100 chuyến đi phỏng vấn và biểu diễn mà bà đã thực hiện, bà nhớ nhất là chuyến đi biểu diển cho chương trình "Tôi có tài nhất" của đài truyền hình Hồ Bắc.
Nguyên nhân là vì, đài truyền hình không chỉ mời bà biểu diễn cho một chương trình, họ còn mời bà lưu lại nửa tháng, mời giáo viên của Học viện khiêu vũ Hồ Bắc trực tiếp kèm cặp bà luyện tập. Xem ra, bà vẫn rất chí thú với việc nâng cao kĩ năng biểu diễn của mình.
Mới đây, bà còn đi thực hiện một cuộc phẫu thuật thẩm mĩ, không phải để thay đổi cái gì lớn, mà để làn da được căng hơn, khiến cho người xem biểu diễn có thể cảm nhận tốt hơn vẻ đẹp thẩm mỹ của môn múa cột.
Bất ngờ nhất là ngay sau khi thực hiện phẫu thuật, bà đã “hứng chí” biểu diễn lập tức một màn múa cột trước cổng bệnh viện, và được các khán giả nhiệt tình cổ vũ.
Tuy nhiên, sự nổi tiếng không chỉ mang lại cho bà niềm vui, mà cũng kéo theo những nỗi phiền phức nhất định. Rất nhiều người tỏ ra thích thú và yêu mến bà lão múa cột. Nhưng trên thực tế, cũng có không ít người "dị ứng" với bà.
Một lần, sau khi xem chương trình bà biểu diễn trên tivi, một người bạn đã kết thân với bà hơn 20 năm lập tức gọi điện thoại đến nhà. Đúng lúc bà không có nhà nên chồng bà nhận điện thoại thay, bà bạn kia đã nói rất gay gắt rằng muốn đoạn tuyệt quan hệ với bà Tôn Phượng Cầm, còn nhắn bà Tôn từ nay đừng bao giờ đến nhà bà ta nữa, vì bà ta không muốn con cháu của mình noi theo tấm gương "hư hỏng" của bà Tôn.
Thậm chí đến con trai của bà, mặc dù không phản đối mẹ học múa cột, nhưng khi các đài truyền hình, các tờ báo đua nhau phát sóng, đưa tin về mẹ mình, có lúc anh cũng không chịu nổi, đã đến khuyên mẹ từ bỏ múa cột.
Song bà Tôn rất cương quyết nói với con rằng, đó là chuyện của mẹ, là niềm đam mê của mẹ, và bà sẽ không từ bỏ nó vì bất cứ lý do gì.
Bà Tôn nói, có thể theo đuổi được niềm đam mê tuổi già này, ngoài sự kiên trì của bản thân bà, thì công lao lớn nhất thuộc về “ông lão” của bà, người chồng tính cách hiền hòa bao dung luôn đứng sau cổ vũ cho mọi việc bà làm, chỉ cần việc đó khiến bà vui vẻ.
Bà múa cột nhưng ông lại là người phải gánh chịu nhiều áp lực nhất, bà trở nên nổi tiếng bao nhiêu thì chồng bà lại phải chịu nhiều tai tiếng bấy nhiêu.
Khi ảnh bà đăng trên báo, khi các chương trình phỏng vấn bà phát trên tivi, và hình ảnh bà rực lửa trong mái tóc đỏ và chiếc váy đỏ xuất hiện trong các chương trình văn nghệ, cũng là lúc thường xuyên ông nhận được những lời “hỏi thăm” của đủ kiểu người, thiện cảm có mà ác ý cũng có.
Nhưng trước sau như một, ông chỉ cười hiền lành mà nói rằng, ông bà đã sống bên nhau đến ngần này tuổi, trải qua biết bao ngọt bùi cay đắng cùng nhau, bà cũng đã chịu nhiều vất vả khổ đau để nuôi con, chăm sóc gia đình. Cho nên, giờ đây, bà muốn đi bất cứ đâu, làm bất cứ việc gì, ông cũng sẻ đứng sau ủng hộ, bởi “chỉ cần bà ấy vui” thì ông cũng sẽ vui.
- Hà Phong