(Đời sống ) - Dư luận cả nước được phen giật mình khi phòng khám của Bệnh viện Nhi Trung ương chấn đoán một bé gái 7 tháng tuổi bị "phù nề bao quy đầu". Trong khi người dân còn chưa hiểu vì sao có sự nhầm lẫn này thì lãnh đạo bệnh viện lại cho rằng đó là lỗi chủ quan của bác sĩ và người nhà bệnh nhi.
Trước đó, vào 10/8 một bà mẹ ở Từ Liêm, Hà Nội đưa con vào Bệnh viện Nhi Trung ương khám. Sau khi khám xong, bác sĩ đã kê đơn thuốc - với chẩn đoán bệnh "phù nề bao quy đầu" chỉ có ở bé trai - bác sĩ kê cho bé gái 7 tháng tuổi gồm 5 loại thuốc điều trị. Phía dưới của chẩn đoán là bệnh sốt virus kèm theo. Người nhà bệnh nhi này đã không biết các thuốc này để chữa sốt virus hay dành cho bệnh "phù nề bao quy đầu" nên không dám cho con uống. Thông tin trên báo VnExpress cho biết phía người nhà bệnh nhân búc xúc vì bác sĩ ở một bệnh viện lớn, đầu ngành về y khoa của cả nước mà vẫn có sự nhầm lẫn chết người như vậy.
Trả lời trên báo VnExpress, Tiến sĩ Trần Minh Điển, Phó giám đốc bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết, nhầm lẫn này là sự cố liên quan đến công tác hành chính. Trong đó một phần do lỗi khách quan vì hệ thống mạng tại bệnh viện quá tải, phần khác, bác sĩ đã không kiểm tra lại đơn thuốc sau khi in.
Theo bác sĩ Điển, thông thường sau khi khám và chẩn đoán bệnh, bác sĩ sẽ kê đơn thuốc cho bệnh nhi. Trong đơn này, tên, tuổi bệnh nhi và các loại thuốc sẽ được đánh máy, còn phần tên bệnh chẩn đoán là nhập mã bệnh. "Do có sự cố về mạng nội bộ, các chỉ số liên quan đến công nghệ thông tin tại bệnh viện bị nhảy nên mới xảy ra sai sót này", ông Điển nói.
Bác sĩ cho hay, tuần này bệnh viện đã chuyển mọi dữ liệu sang một máy chủ mới để tránh tình trạng quá tải trên.
Đơn thuốc bác sỹ cấp |
Phó giám đốc Bệnh viện Nhi trung ương cũng thừa nhận, lỗi một phần do nhân viên bệnh viện không kiểm tra lại kỹ đơn thuốc. "Thông thường, sau khi bác sĩ kê đơn, điều dưỡng sẽ hướng dẫn thêm người nhà về việc cho trẻ uống các loại thuốc, và bố mẹ bệnh nhi có thể hỏi lại ngay khi có các thắc mắc. Trường hợp này, không rõ vì người nhà quá tin tưởng bác sĩ, hay vì lý do gì điều đưỡng không xem kỹ, mà để xảy ra sự cố", ông nói.
Bác sĩ Điển cũng cho rằng, một bà mẹ cẩn thận, kỹ càng thì nên trao đổi lại ngay với bác sĩ về đơn thuốc, cách sử dụng. “Các ông bố bà mẹ cần phải có ý thức đó nữa. Việc này cũng giống như kiểm tra hàng hóa trước khi ra, chứ không phải việc gì cũng tuyệt đối theo bác sĩ”, phó giám đốc bệnh viện nhấn mạnh.
Trước thắc mắc nhiều phụ huynh đưa con đi khám, sau đó rất muốn xin số điện thoại của bác sĩ để có thể tư vấn trong quá trình điều trị cho con hay thắc mắc về đơn thuốc, ông Điển cho rằng, cách này không thể thực hiện vì sẽ rất phiền cho thầy thuốc, trong khi mỗi ngày có khoảng 2.500-3.000 trẻ tới khám, và mỗi bác sĩ phải khám cho 40-50 bé.
Câu chuyện này khiến dư luận lại nhớ về trường hợp của cụ ông Nguyễn Văn Tính (73 tuổi, ngụ ấp Hòa Bình 1, xã Hiệp Hòa, H.Đức Hòa, Long An). Vào tháng 1/2013, ông Tính bị ốm nên được người nhà đưa vào điều trị tại BN Đa khoa Củ Chi, TP.HCM. Sau năm ngày điều trị, ông Tính được các bác sĩ cho ra viện. Khi ra viện, ông Tính và người nhà ngỡ ngàng với chẩn đoán của bác sĩ Nguyễn Minh Cang - trưởng khoa điều trị với bệnh "chấn thương cột sống thắt lưng/thai 16 tuần".
- Thanh Trúc (Tổng hợp)