Bác sĩ, y tá Việt Nam nên học võ để phòng thân?

07:11, Thứ bảy 09/11/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Trước tình trạng ngày càng nhiều bác sĩ bị người nhà bệnh nhân tấn công, thiết nghĩ các bệnh viện nên cho bác sĩ, y tá đi học võ để phòng thân.

Tờ Oriental Daily tại Thượng Hải ngày 6/11 đưa tin hai bệnh viện Trung Sơn và Hoa Sơn tại Thượng Hải đã mời võ sư về dạy cho nhân viên các loại võ cổ truyền, taekwondo, các chiêu phòng vệ, cách sử dụng ghế và các vật dụng có sẵn khác để tự vệ trước những bệnh nhân có hành động mạnh những lúc quá khích.

Kể từ sau 3 vụ tấn công nhân viên y tế làm chấn động Bắc Kinh trung tuần tháng trước, bác sĩ Trang Nhất Cường - phó tổng thư ký Hiệp hội Bệnh viện Trung Quốc - đã viết trên trang mạng Sina Weibo: “Mọi nhân viên y tế đều cảm thấy bất an. Chúng ta cần cả xã hội và chính phủ phải đối mặt với vấn đề này. Nếu không, ngành y Trung Quốc sẽ không có tương lai”.

Cảnh sát giới thiệu các động tác võ phòng thân cho bác sỹ, y tá bệnh viện Hoa Sơn.

Một thực tế tại các bệnh viện của Trung Quốc theo khảo sát tổng số 316 bệnh viện của Hiệp hội Bệnh viện nước này cho thấy, có đến 60% trong số đó báo cáo về việc các bác sĩ của họ từng bị bệnh nhân đánh trọng thương.

Chính vì vậy mà các lớp học võ dành cho nhân viên y tế đã được mở ra để các y bác sĩ có thể tự vệ trước tình trạng bạo lực gia tăng tại các bệnh viện Trung Quốc.

Thông tin về các lớp học này ngay khi xuất hiện trên báo chí và các trang mạng xã hội đã nhận được sự quan tâm rất lớn từ phía công chúng. Bởi trên thực tế tình trạng bác sĩ bị bệnh nhân hay người nhà bệnh nhân tấn công không phải là hiếm ở nước ta. Và theo đó có không ít ý kiến cho rằng ngành y tế Việt Nam đã mở các lớp dạy cười, dạy ứng xử, thì chẳng có lý do gì không dậy võ cho các bác sĩ, y tá.

Trên thực tế ở Việt Nam hiện nay, các vụ tấn công bác sĩ diễn ra với số lượng ngày càng nhiều.

Đêm 22/9, vụ việc 30 "côn đồ" tấn công bệnh viện Gia Định đã gây xôn xao dư luận. Theo đó, vào lúc 23h đêm một bệnh nhân tên T. (SN 1990, ngụ ở phường 22 – quận Bình Thạnh, TP.HCM) được đưa vào cấp cứu trong tình trạng chấn thương phần mềm rất nặng do bị nhiều vết chém, chủ yếu vào tay và chân tại bệnh viện nhân dân Gia Định – TP.HCM.

Được vài phút sau, một bệnh nhân khác tên N.V.Đ (SN 1990) cũng được đưa vào cấp cứu, nhưng Đ. đã tử vong trước khi được các bác sĩ cứu chữa.

Khi thấy Đ. được đưa vào phòng cấp cứu, người nhà của bệnh nhân này cho rằng chính T. là người đã chém Đ. nên đã xông tới tát tới tấp em T. Một lúc sau, một nhóm gồm khoảng hơn 30 thanh niên xông vào phòng cấp cứu, đòi "xử" T. Lúc này, các y bác sĩ phải đưa T. trốn vào các phòng khám khác. Nhóm côn đồ lăm lăm dao, mã tấu xông vào tìm T., và hăm dọa nhóm y bác sĩ vì cho rằng họ bao che cho T.

Một nhóm nhân viên y tế bị dồn vào phòng trực, cố thủ để bảo toàn tính mạng. Một số bệnh nhân điều trị trong phòng cấp cứu hoảng loạn, bỏ chạy tán loạn ra ngoài. Bệnh nhân ở ngoài cũng không dám vào vì e ngại bị vạ lây. Đến tận 2h ngày 23/9, tình hình an ninh trật tự của phòng cấp cứu mới được vãn hồi do có sự can thiệp của phòng ban chuyên môn Công an quận Bình Thạnh.

Trước đó không lâu vào trưa ngày 12/8, tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện đa khoa Hà Tĩnh cũng đã xảy ra vụ việc người nhà bệnh nhân đập phá bệnh viện, đánh bác sỹ.

Hiện trường vụ tấn công bệnh viện, đập phá máy móc tại BV đa khoa Hà Tĩnh. 

Thời điểm trên, bệnh nhân Nguyễn Xuân Hồng (75 tuổi, trú xã Cẩm Thăng, Cẩm Xuyên) điều trị tại Khoa chấn thương, sau khi được tiêm thuốc đã xảy ra tai biến, nguy cơ tử vong. Bệnh nhân nhanh chóng được chuyển lên khoa hồi sức tích cực để cấp cứu. Lúc này bệnh nhân đã lâm vào tình trạng ngừng tuần hoàn, chết lâm sàng.

Bức xúc, khoảng chục người thân của bệnh nhân đã lao vào tấn công đội ngũ y, bác sĩ khoa Hồi sức tích cực, đập vỡ máy sốc tim, đập vỡ toàn bộ kính phòng điều trị của khoa.

Vụ tấn công khiến bác sỹ Mai Văn Lục (Trưởng khoa Hồi sức tích cực) đã bị đánh rách vùng trên mắt, bác sỹ Trung bị đánh rách giác mạc, đập vỡ kính cận, y tá Lê Anh Quang, y tá Thảo (khoa chấn thương) bị đánh sang chấn vùng đầu, bầm tím.

Cũng với hành vi tấn công bác sỹ, cách đây chưa lâu, tại Khoa Cấp cứu Bệnh viện đa khoa Việt Tiệp TP Hải Phòng, khi các nhân viên y tế đang cấp cứu cho bệnh nhân thì một thanh niên được đưa đến và đề nghị cấp cứu khẩn cấp vì đau ngực.

Kỹ thuật viên Nguyễn Quang Thảo bị người nhà bệnh nhân chém nhiều nhát làm đứt dây chằng, vỡ bao khớp gối.

Các bác sĩ chẩn đoán ban đầu là bệnh nhân có sử dụng rượu đồng thời lấy chỉ số sinh tồn, viết giấy cho làm điện tâm đồ, chụp tim phổi, sau đó bố trí nằm tại khu vực khám phân loại. Tiếp đó, điều dưỡng viên Nguyễn Quang Thảo đề nghị người nhà bệnh nhân Duyên đóng các khoản tiền theo quy định của bệnh viện tại phòng thu viện phí.

Khoảng một tiếng sau, người nhà bệnh nhân cho rằng các y bác sĩ cố tình chậm trễ cấp cứu chị Duyên để vòi vĩnh tiền lót tay nên đã chửi rủa các nhân viên y tế. Sau đó, có 3 nam nữ thanh niên mang theo kiếm xông thẳng vào buồng trực cấp cứu chém liên tiếp vào người anh Thảo. Anh Thảo bị thương nặng ở cánh tay phải, đứt dây chằng, vỡ bao khớp gối, xây xát vùng mặt.

Trên đây chỉ là 3 trong số rất nhiều các vụ ẩu đả, xô xát, bao vây bệnh viện của người nhà bệnh nhân. Trước tình trạng đáng lo ngại kể trên, thiết nghĩ các cơ bệnh viện nói riêng và cơ quan chức năng nói chung nên tổ chức các lớp học võ phòng thân cho y bác sĩ.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link