(Phunutoday) - Tôi vẫn luôn ám ảnh về những chuyến xe xuất phát từ bến xe gần chợ huyện Kim Bôi - Hòa Bình. Không chỉ vì những chiếc xe khách "già nua" nghiêng ngả trên con đường bằng phẳng mà bởi một điều nó nhấm nháp tâm trạng nhói buốt của người cầm bút.
Hình ảnh đặc tả những sơn nữ vùng cao ánh mắt ngáo ngơ, chân quần xắn xíu, dắt díu nhau ra thành phố để "làm ăn" rồi bất chợt đánh mất mình giữa chốn phồn hoa đô hội cứ nhưng nhức tâm can.
[links()]
Những cô gái làm nghề "không địa chỉ"
Bùi Thị Lệ - cô gái từng làm nghề "không địa chỉ" |
Như một ngọn lửa nóng bỏng đã có thời gian thổi bùng lên rồi cháy âm ỉ ở thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi (huyện Kim Bôi - tỉnh Hòa Bình). Những cô gái tuổi trăng tròn, trăng náu rồi cả những người đã thốc thếch con cái, hò hẹn nhau ra thành phố mỗi dịp hết Tết, cạn mùa màng để mưu sinh. Đằng đẵng cả năm trời những cô gái trên chiếc xe khách ngày nào bỗng trở về sang trọng khác thường. Tóc nhuộm vàng, môi son đỏ, quần là áo lượt, chân tay móng tím móng xanh, đánh dấu thành quả của cái nghề "không địa chỉ".
Hơn 1 giờ chiều tôi mới đặt chân đến thôn Bôi Câu, xã Kim Bôi. Trong gian phòng hội trường khang trang, trưởng thôn Bùi Văn Ngọc thoáng chút ngập ngừng khi tôi hỏi về "phong trào" của chị em phụ nữ đưa nhau ra phố. Anh Ngọc bảo: "Cái chuyện đó có lâu rồi nhưng đến nay vẫn còn nhức nhối lắm. Không biết nói thế nào cho đúng, cứ gọi đó là một phong trào đi". Dù khá dè dặt nhưng anh Ngọc vẫn cung cấp cho tôi một danh sách những tên tuổi của các sơn nữ lầm đường lạc lối.
Địa chỉ đầu tiên tôi tìm đến là ngôi nhà bề thế của chủ nhân Bùi Thị Khơi. Mới ở tuổi 36 nhưng trông Khơi già đi rất nhiều vì đã có nhiều năm “liễu dập hoa vùi”ở chốn đô thành. Chồng Khơi mới qua đời cách đây tròn 1 năm nhưng Khơi lại có gã tình nhân thường xuyên qua lại cặp kè từ khi chồng còn quằn quại trên giường bệnh. Chồng đau ốm, hai đứa con lớn ăn học, không có việc gì khác ngoài 3 sào ruộng khiến Khơi túng bấn nên mấy năm trước Khơi ra phố làm nghề… “dang chân, dang tay” như cách nói ở đây.
Vợ chồng ông Bùi Văn Thông và Bùi Thị Nhánh |
Bỏ qua nỗi nhục nhằn, khinh bỉ của người đời, Khơi lại cảm thấy yêu cái nghề nhàn hạ mà lại có dư dả tiền mua thuốc cho chồng, đóng học cho con, xây nhà khang trang, rộng rãi. Chỉ đến khi bị Công an bắt khi đang hành nghề ở đường Láng - Hà Nội và đưa đi trung tâm 9 tháng, Khơi mới chịu… giải nghệ về nhà. Gặp tôi Khơi bảo: "Tôi sẽ chẳng ra phố nữa, con nó lớn rồi, chồng cũng đã qua đời, đi nữa thì nhục lắm".
Cách nhà Bùi Thị Khơi chỉ vài bước chân là nhà của Bùi Thị Lệ, sinh năm 1990. Điều trùng hợp Lệ là cháu ruột gọi Khơi là dì. Trước khi tìm đến nhà Lệ, tôi đã được bà Bùi Thị Hiên, Chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn Bôi Câu rỉ tai: "Con Lệ xinh và trẻ lắm nhưng có con rồi, mới sinh 2 tháng nay thôi. Bồ của nó ở Hà Nội mới đi xe vào lúc sáng". Tôi vào nhà gọi mấy hồi, Lệ mới bước ra từ gian buồng với mảnh quần cụt lủn, cái áo hai dây lộ nửa mảng ngực trắng ngần.
Thấy tôi hỏi về mình Bùi Thị Lệ mặt lầm lì, câng câng: "Ngày trước em làm ở công ty cắt tóc, gội đầu dưới Ứng Hòa - Hà Nội nhưng nghỉ về nuôi con". Tôi lân la hỏi: "Thế sao bảo em ra Hà Nội làm nghề “dang chân"? Lệ bặm môi rồi bật cười: "Ai bảo thế, em chỉ có bồ thôi". “Bồ à? Thế có mấy bồ?” - Tôi hỏi tiếp. Lệ giật một câu cộc lốc: “Nhiều bồ”.
Mấy năm làm ở "Công ty cắt tóc gội đầu" Lệ về quê xây được nhà riêng. Ngôi nhà kiên cố nằm sát nách mấy gian nhà xập xệ, liêu xiêu của bố mẹ. Theo như bà Hiên kể, thì gần đây, Lệ đem một người đàn ông dưới xuôi về tổ chức ăn uống rồi giới thiệu là chồng. Bữa nay tôi hỏi đến thì Lệ mới nói: "Anh ấy đang ở với vợ ở dưới quê, nói là chồng thì không đúng mà em chỉ xin một đứa con thôi. Giấy khai sinh của con em chỉ có tên mẹ. Không muốn lấy chồng thì xin một đứa con có sao đâu".
Phần lớn những phụ nữ ở Bôi Câu và cả những thôn khác đi làm nghề "không địa chỉ" vài năm gần đây rủ nhau về xây nhà, mua xe và… sinh con. Sự hào nhoáng, tính nổi trội của cách ăn mặc và hiện thực vật chất đã nhồi nhét vào tâm lý những cô gái trẻ ở nơi đây một khao khát lệch lạc. Nhiều cô gái mới lớn coi những chị đi trước như một "thần tượng" và sẵn sàng lên đường khi có lời rủ rê mật ngọt. Đáng buồn là có cả những đức ông chồng chủ động tiếp tay cho vợ đi “làm gái” để nuôi chồng, nuôi con. Sự tiếp nối như một hệ quả tất yếu…
Khó hiểu cách quản lý của gia đình
Quá chiều tôi mới lần tìm được đến nhà ông Bùi Văn Thông ở đội 3 thôn Bôi Câu. Gian nhà trống hoác chỉ còn có hai vợ chồng già và đứa cháu ngoại. Bùi Thị Huyền, sinh năm 1976, đứa con gái của ông Thông và bà Nhánh vừa bị bắt vào trại cách đây hơn hai tháng. Ngồi nói chuyện mà hai vợ chồng ông Thông cứ nhìn nhau tịnh chẳng nói lời nào. Chỉ đến khi tôi nhắc đến tên cô con gái thì ông bà mới tỉ mẩn tâm sự với khách. Theo như ông Thông kể thì Huyền cô con gái thứ 3 đi ra Hà Nội làm cái nghề "không địa chỉ" hay gọi nôm na là gái điếm hay cave từ khi còn rất trẻ. Gần chục năm trời, cả gia đình ông tuyệt nhiên không biết con gái làm cái nghề gì, ở đâu.
Chỉ đến khi thấy con mang về "tặng" một đứa cháu mà không thấy đem theo chồng và rồi sau đó là cái giấy thông báo của địa phương nói là Huyền bị bắt thì cả nhà mới biết. Nhưng khi nghe ông thuật lại sự việc thì tôi mới nói với ông Thông và bà Nhánh ngồi bên cạnh rằng:“Thế thì hai bác phải biết lâu rồi chứ!”.
Nghe chuyện của hai vợ chồng già tôi mới ngộ ra rằng cái khái niệm về quản lý con cái ở đây chỉ là con số không. Và, cái cách mà họ giải thích thế nào là vợ chồng cũng ngây ngô, hài hước đến phát…khóc. Tôi hỏi ông Thông:
- Bác có biết Huyền đi ra thành phố làm gì không?
- Nó đi làm gái nhưng mãi sau tôi mới biết.
- Thế trước đó Huyền nói với bác đi làm gì?
- Nó bảo đi làm ăn, công việc nhàn hạ lắm lại có nhiều tiền.
- Thế sao bác không hỏi làm gì ở đâu?
- Tôi có hỏi thì nó bảo làm quản lý ở công ty nhà nghỉ dưới Hà Nội. Làm bao nhiêu năm nó cũng không đưa cho tôi một đồng nào cả. Giờ nó bị bắt giam tôi cũng phải nuôi con gái thay nó.
Nói đến con gái Huyền, tôi mới biết đứa bé tên Bùi Thị Trang, sinh năm 2001. Cho đến nay thì danh tính của ông bố cũng chỉ có mình Huyền biết, thậm chí chính Huyền cũng không biết là ai. Bởi trước và sau khi sinh con Huyền đều dẫn vài người đàn ông về nhà giới thiệu là chồng sắp cưới. Trước ngày bị bắt vài tháng, Huyền đưa một người đàn ông lạ hoắc về nhà và bảo đó là chồng chính thức của mình. Tôi hỏi ông Thông chồng Huyền tên gì thì ông chỉ vò đầu, gãi tai:
"Tôi không nhớ lắm. Nó họ Nguyễn hay là Bạch gì đó nhưng cũng bị bắt đang đang giam giữ trong Nghệ An cơ". Thấy chồng luống cuống, bà Nhánh nãy giờ im lặng liền xen vào: "Chúng nó chỉ là vợ chồng công việc thôi". Ông Thông được thể: "Ừ đúng rồi, là vợ chồng công việc". Tôi thắc mắc: "Sao lại là vợ chồng công việc?". "Thì chính nó nói với tôi thế mà. Nó bảo chúng con yêu nhau thật lòng nhưng không cần phải đăng ký để tiện cho công việc làm ăn. Nó cũng có vợ ở dưới xuôi rồi".
Nghe hai vợ chồng già kể chuyện tôi buồn đến nao lòng. Dường như, những bậc sinh thành này coi cái chuyện con gái đi làm nghề "dang chân" kia là quá đỗi bình thường. Cảm giác ấy tôi đã thấy được qua cái điệu cười ngặt nghẽo của bà Bùi Thị Bơi mẹ đẻ của Bùi Thị Lệ khi tôi hỏi chuyện của con gái bà.
Nan giải một bài toán khó
Đời sống khó khăn, không có nghề phụ và đặc biệt là thiếu sự quan tâm giáo dục khi người dân dân trí thấp khiến nảy sinh tệ nạn. Không chỉ riêng Bôi Câu mà phong trào phụ nữ đi làm nghề "không địa chỉ" đã trải rộng ra cả một vùng làm phức tạp tình hình an ninh trật tự. Hiện nay, số lượng thanh thiếu niên đi lao động, phục vụ ở các quán cà phê đèn mờ, quán bia, quán ăn, nhà nghỉ còn rất lớn. Những nơi nhạy cảm này là môi trường thuận lợi đầu tiên khiến những sơn nữ vùng cao dễ dàng sảy chân sa ngã.
Bà Bùi Thị Phểu, cựu Bí thư chi bộ thôn Bôi Câu ngán ngẩm: "Hạn chế thì còn được chứ làm dứt điểm bây giờ thì khó hơn lên trời. Số lượng phụ nữ đi làm xa rất đông làm sao quản lý được họ.
Mấy năm gần đây, các ban ngành địa phương đặc biệt là Hội phụ nữ đã làm quyết liệt, kỷ luật, kiểm điểm những chị em phát hiện làm nghề "không địa chỉ" nhưng không hiệu quả là mấy".
Ông Bùi Văn Lâm, cán bộ Văn phòng -Thống kê xã Kim Bôi thở dài: "Để chấm dứt vấn nạn này thì điều quan trọng là phải tạo công ăn việc làm tại gia đình, tại địa phương. Công việc đó phải đảm bảo nuôi sống gia đình có thu nhập ổn định". Tuy nhiên, đến nay tại địa phương thì đây vẫn chỉ là một khái niệm trên giấy được phác thảo mơ hồ khi phía sau còn là một dấu hỏi lớn.
- Đoàn Biên Thùy - Công Lý (Theo VTC)