Những ngày này, dư luận đang hết sức xôn xao vụ một ca sĩ Việt nọ có tài năng nhưng ngoại hình "xấu" đã lột xác nhờ phẫu thuật thẩm mỹ, có người ủng hộ, có người khinh miệt nhưng cái chúng ta nhận ra ở đây là vì sức ép dư luận, chàng ca sĩ đó buộc phải chi một số tiền lớn để làm mình đẹp lên.
Điều đó cũng cho thấy, đại đa số dân tình bây giờ đều đang đánh giá con người qua vẻ bề ngoài. Nhưng liệu với hình hài mới, chàng ca sĩ ấy có được đón nhận?. Ba bài học sâu sắc dưới đây sẽ giúp tự bản thân chúng ta nhận định, chúng ta có đang nhìn người qua vẻ bề ngoài hay không?.
Câu chuyện 1: Hai đứa trẻ rách rưới
Tại một cửa tiệm lớn nơi thị trấn, có 2 đứa trẻ đang run rẩy trình diện với cảnh sát vì bị coi là kẻ đã ăn cắp tiền của bà chủ tiệm.
Bà chủ tiệm lớn tiếng phản ánh với viên sĩ quan cảnh sát: “Tuy tôi không tận mắt nhìn thấy thằng bé này lấy trộm, nhưng tôi để 2 tờ 100 USD trên bàn chưa được một lúc, tiền đã ở trong tay thằng ăn trộm này!“.
Viên cảnh sát nhìn hai đứa trẻ đang có mặt tại cửa tiệm, một trai và một gái, cô bé có cặp mắt long lanh chăm chăm quan sát mọi việc đang diễn ra, còn cậu bé giữ thái độ im lặng.
Viên sĩ quan cảnh sát hỏi cậu bé: “Tiền có phải cháu lấy không?”.
Cậu bé gật gật đầu, im lặng không nói gì.
“Nói cho chú biết cháu đã mấy tuổi rồi!“.
“Dạ, 6 tuổi“.
“Thế em gái cháu?“.
“Dạ, 4 tuổi“.
Viên cảnh sát không khỏi đồng cảm với hai đứa trẻ này: “Chúng ta hãy cùng đến hiện trường xem thử nhé!“.
Viên cảnh sát để ý thấy phía sau cái tủ bày hàng có một chiếc quạt gió rất lớn, trong tiết trời oi bức như vậy khiến cho khách hàng cảm thấy mát mẻ.
“Tiền lúc đầu được để ở chỗ nào?“, viên cảnh sát hỏi.
“Chính để ở đây!” – Bà chủ đem tiền để lên trên cái tủ bày hàng.
Sau đó, viên cảnh sát để một viên kẹo ở trên mặt của tờ tiền, rồi bảo bé gái đến lấy.
Bé gái dù có cố gắng thế nào cũng không sao lấy được, bởi tuổi cô bé thật sự vẫn còn quá nhỏ, không với đến được món đồ để trên quầy.
“Anh thấy nên phải làm sao đây! Đối phó với loại trộm vặt này, nhất định cần phải trừng trị nghiêm khắc một phen” – Bà chủ tiệm lại hét tướng lên, ra điều có lý, quyết không chịu bỏ qua.
Bỗng nhiên! Tờ tiền để trên quầy hàng bị luồng gió mạnh từ chiếc quạt gió thổi bay xuống đất.
Bé gái trông thấy vậy lập tức cúi người xuống nhặt lấy tờ tiền đó đưa cho anh trai mình, sau đó chỉ thấy cậu bé lập tức đưa tờ tiền đó giao cho viên cảnh sát.
Viên cảnh sát nói: “Ồ! Thì ra mấy tờ tiền này chính là em gái cháu lượm đưa cho cháu?“.
Cậu bé khẽ gật gật đầu, những giọt nước mắt ấm ức trong mắt cậu lập tức chảy ra.
“Thế lúc nãy sao cháu lại phải nói là chính cháu đã lấy trộm?”.
Cậu bé sợ em gái bị bắt đi lại càng khóc lớn tiếng hơn: “Đó là em gái cháu, nó trước giờ vốn chưa từng biết ăn cắp“.
Viên sĩ quan cảnh sát quay đầu lại nhìn bà chủ tiệm, chỉ thấy bà cúi gầm mặt xuống không dám nói thêm câu nào nữa.
Trong lòng của bà chủ tiệm rốt cuộc chỉ nghĩ đến chuyện ai đã lấy trộm tiền của mình, người đã lấy trộm tiền phải trả một cái giá tương xứng. Trong mắt của bà chủ tiệm, cậu bé ăn mặc rách rưới này nhất định là đồ xấu xa! Nhất định là nó đã lấy trộm chứ không ai khác.
Nhưng mà thông qua hỏi dò cẩn thận của viên cảnh sát này, không những đã biết được chân tướng sự thật không có giống như những gì bà chủ nghĩ, cậu bé đó vốn không có lấy cắp tiền. Cậu chẳng qua chỉ là không biết xử trí như thế nào hoặc là không kịp xử trí đối với mấy tờ tiền mà em gái mình nhặt được mà thôi.
Tuy vậy, sự che chở và tấm lòng của cậu dành cho em gái mình e rằng rất nhiều người lớn chúng ta và những người có tiền đều không làm được.
Có bao nhiêu người có thể trao gửi một tấm lòng yêu thương khiến người khác có thể cảm động?
Có bao nhiêu người có thể thật sự không lấy “cái vẻ bề ngoài” của người khác để đánh giá đo lường một con người?
Thiết nghĩ, ở bên cạnh chúng ta, dù là những người tầm thường nhất, trong sinh mệnh của họ cũng có những chỗ đáng để cho chúng ta kinh ngạc và đáng để chúng ta học tập.
Câu chuyện 2: Đáp án ‘tốt’ nhất
Một hôm, có người bạn hỏi tôi rằng: “Nếu anh biết một người phụ nữ đang mang thai, đã từng sinh ra 8 đứa con, trong đó 3 đứa bị điếc, 2 đứa mù, 1 đứa thiểu năng trí tuệ, mà người phụ nữ này chính mình lại mang bệnh giang mai, anh có đề nghị cô ấy phá thai không?”.
Tôi vừa định trả lời, thì người bạn lại ngăn lại, tiếp tục hỏi tôi vấn đề thứ 2.
“Bây giờ, giả sử như anh được bầu chọn lãnh đạo, và phiếu bầu của anh đóng vai trò rất then chốt. Anh sẽ chọn ai trong những ứng cử viên này:
Ứng cử viên thứ nhất: Người này thường qua lại với những chính trị gia gian xảo, luôn tin vào thuật chiêm tinh. Ông ta có tới 2 người tình, cũng là một người nghiện thuốc lá nặng, mỗi ngày thường uống 8 -10 ly rượu Martin.
Ứng cử viên thứ hai: Người này từng bị đuổi việc hai lần, thường ngủ nướng đến trưa. Hồi còn học đại học, ông ta đã từng hút thuốc phiện, và mỗi tối nhâm nhi ít nhất một lít rượu Whisky.
Ứng cử viên thứ ba: Người này là một anh hùng trong chiến đấu, thường có thói quen ăn chay, không bao giờ hút thuốc và thỉnh thoảng mới uống rượu, có uống bia nhưng uống không nhiều. Thời thanh niên chưa từng làm gì phạm pháp.
Trong 3 người này, anh sẽ chọn ai?”.
Tôi viết câu trả lời trên giấy, và sau đó người bạn cho biết: “Ứng viên thứ nhất là Franklin D. Roosevelt, vị Tổng thống Mỹ từng đảm nhận 4 nhiệm kỳ liên tiếp. Người thứ hai là Winston Churchill, vị Thủ tướng nổi tiếng và tài ba nhất trong lịch sử nước Anh. Còn người thứ ba là Adolf Hitler, lãnh tụ phát xít Đức đã cướp đi sinh mạng của hàng chục triệu người dân vô tội”.
Tôi nghe xong đáp án mà quá đỗi ngạc nhiên, đây quả là điều mà tôi chưa từng nghĩ đến. Người bạn hỏi tôi rằng có phải tôi đã lựa chọn phương án là Hitler không? Tôi nói rằng đúng như vậy.
Người bạn lại nói: “Vậy chắc rằng anh đã lựa chọn phương án khuyên người phụ nữ kia phá thai rồi đúng không?”.
Tôi nói: “Vấn đề này đâu cần phải nghĩ nhiều, chúng ta đều biết rằng đứa trẻ sinh ra nhất định sẽ mang theo dị tật. Tôi khuyên rằng nên phá bỏ cái thai đó”.
Người bạn nói cho tôi biết: “Nếu như làm như vậy, thì trên đời này sẽ không thể xuất hiện một Beethoven lừng lẫy. Bởi vì bà ấy chính là mẹ của thiên tài âm nhạc Beethoven”.
Cuộc đời chính là như vậy, có những điều rõ ràng ở trước mắt nhưng chưa chắc đã là sự thật, vẻ bề ngoài chính là thứ có thể khiến ta dễ mất đi phương hướng nhất. Cho nên, muốn nhìn thấu được sự đời, nhất định phải nhìn bằng con mắt khác.
Câu chuyện thứ 3: Người vô gia cư rách rưới
Sau khi chồng ra đi sau một tai nạn, vì quá đau buồn, Jasmine không muốn ở lại ngôi nhà có quá nhiều kỷ niệm nên cô quyết định bán nhà và cùng con gái Layla 5 tuổi chuyển đến một thị trấn khác.
Ngày chuyển đến nhà mới, Jasmine phát hiện một người đàn ông vô gia cư rách rưới, hôi hám với đủ thứ túi, bị lỉnh kỉnh đã lấy cổng nhà cô làm nơi trú ngụ từ bao giờ. Jasmine thấy không thoải mái, nhưng khi gặp cô, người đàn ông vô gia cư cười với cô vẻ ái ngại, khua tay ra hiệu xin được ở lại và không làm phiền thì Jasmine mới biết anh ta bị câm và cô cũng thấy tội nghiệp nên đã đồng ý. Và người đàn ông vô gia cư bỗng nhiên trở thành người gác cổng bất đắc dĩ cho hai mẹ con Jasmine.
Hàng ngày khi chuẩn bị bữa ăn cho hai mẹ con, Jasmine cũng làm thêm một phần cho người đàn ông vô gia cư ngoài cổng. Đi đâu về cô bé Layla cũng chào “người gác cổng” và anh cũng luôn rối rít vẫy tay lại và mỉm cười chào cô bé, Jasmine cũng thấy trong lòng vui vẻ, nhẹ nhõm.
Một ngày nọ, lớp mẫu giáo của Layla nghỉ mà Jasmine lại không thể đưa con gái đến nơi mình làm việc, cô đành để con gái ở nhà một mình sau khi dặn dò cô bé không được ra khỏi nhà và cô cũng không quên nhờ người đàn ông vô gia cư ở cổng để mắt đến cô bé, anh ta gật đầu lia lịa và ra hiệu cô cứ yên tâm đi làm.
Chiều đến, Jasmine vội vàng về nhà, cô tá hỏa khi phát hiện cửa nhà mở toang, phòng khách bàn ghế xô lệch và có cả vết máu trên sàn nhà, dấu vết của một vụ ẩu đả giằng co. Layla không thấy đâu, Jasmine chạy ra cổng, người đàn ông vô gia cư cũng biến mất. Jasmine run rẩy òa khóc, cô nghĩ người đàn ông vô gia cư đã bắt cóc con gái mình, lòng cô trào lên niềm ân hận vì lòng tốt của mình đã hại con.
Lập cập rút điện thoại ra để báo cảnh sát thì Jasmine nhận được cuộc gọi từ cảnh sát trưởng của thi trấn, ông nói con gái cô đang ở đồn cảnh sát, cô bé đang rất hoảng sợ vì vậy cô hãy đến ngay để đón con gái về. Jasmine lập tức lái xe như bay đến đồn cảnh sát, cô bé Layla nhìn thấy mẹ chạy tới vừa khóc vừa nói: “Mẹ ơi, chú câm…chú ấy…”.
Jasmine tức điên lên khi nghe con gái nhắc đến người đàn ông vô gia cư ở cổng, cô vỗ về con: “Không sao rồi con, mẹ ở đây rồi, từ nay mẹ sẽ không bao giờ để con một mình nữa, tên khố rách áo ôm đó sẽ không bao giờ làm hại con được nữa đâu”.
Cảnh sát trưởng đứng cạnh nghe thấy Jasmine nói liền lên tiếng: “Tên khố rách áo ôm mà cô nói đã lĩnh trọn một nhát dao vào người khi cố gắng cứu con gái cô khỏi bọn bắt cóc trẻ con đấy, cô nên đến bệnh viện và cảm ơn anh ta, không có anh ta thì con gái cô không biết giờ sẽ ra sao đâu”.
Layla khóc nấc lên gật đầu còn Jasmine thì trào nước mắt, cô một lần nữa thấy hối hận bởi cô đã vội vàng đổ tội và nghĩ xấu về người khác.
Đằng sau sự rách rưới, tồi tàn và hôi hám không phải lúc nào cũng là những thứ xấu xí đáng bỏ đi mà có thể lại ẩn chứa một tâm hồn cao quý và đẹp đẽ, vì thế đừng bao giờ đánh giá người khác ở vẻ bề ngoài, bạn có thể sẽ đánh mất đi rất nhiều cơ duyên gặp được người tốt trong đời.
Cảm ngộ
Có một số người chỉ nhìn thấy một phía của sự việc liền vội vàng đưa ra kết luận, rồi mau chóng đưa ra thưởng phạt, dường như chỉ có như vậy mới có thể cho thấy họ thông minh sáng suốt hơn người, không ai rõ ràng như họ vậy.
Nhưng người thông minh, phân rõ phải trái trắng đen, khi gặp phải chuyện đều hiểu được rằng những gì chính mắt trông thấy vốn không nhất định là thật, phàm là chuyện gì cũng không nên đưa ra kết luận quá sớm, nghĩ nhiều một chút, quan sát kỹ hơn một chút, hỏi nhiều một chút, dù cho có tội chứng xác thật cũng phải thẩm tra cẩn thận rồi sau mới đưa ra kết luận, để tránh nhất thời sai sót mà khiến người chịu oan.
Dù sao kẻ phạm tội thật sự cũng sẽ không bởi thẩm tra cẩn thận hơn mà bị thả nhầm, còn người bị oan khuất lại có thể vì vậy mà được minh oan.