Có 3 chỉ số quan trọng mà chúng ta cần phải theo dõi thường xuyên để nắm bắt được thể trạng sức khỏe của bé đó là: Chỉ số chiều cao, chỉ số cân nặng và chu vi vòng đầu:
Chỉ số chiều cao
Ngoài chỉ số cân nặng, thì chiều cao cũng là một chỉ số quan trọng thể hiện sự tăng trưởng và phát triển của trẻ. Khác với cân nặng, chỉ số chiều cao phản ánh tình trạng dinh dưỡng, tăng trưởng và phát triển lâu dài chứ không theo từng giai đoạn ngắn. Các mẹ cũng biết, chiều cao của trẻ phát triển nhanh nhất trong năm đầu tiên sau khi sinh. Tính trung bình một em bé bình thường năm đầu tăng tăng 25 cm, năm thứ 2 tăng 10 cm, năm thứ 3 tăng từ 4-7,5 cm. Như vậy có nghĩa là mỗi bé khi sinh có chiều dài 50 thì 1 tuổi tối thiểu phải cao 75cm, qua 2 tuổi tối thiểu bé phải cao 85cm, từ 3 tuổi trở lên bé sẽ cao 90cm trở lên.Có những bé tăng trưởng chiều cao rất tốt do chế độ dinh dưỡng, do gen cha mẹ... nhưng cũng có bé không đạt được các chỉ số chiều cao này, điều đó cho thấy bé có dấu hiệu của việc chậm phát triển thể chất.
Chu vi vòng đầu
Thường thì cha mẹ hay để ý đến cân nặng, chiều cao hơn là chỉ số chu vi vòng đầu. Tuy nhiên, chu vi vòng đầu là một chỉ số quan trọng thể hiện mức độ phát triển não bộ của trẻ. Cũng như cân nặng và chiều cao, chu vi vòng đầu trong năm đầu tiên của bé sau khi sinh phát triển nhanh nhất. Trung bình khi sinh chu vi đầu của trẻ sẽ là 34cm, 1 tuổi đạt trung bình 46cm; năm thứ 2 tăng 2cm, năm thứ 3 tăng 1 ~ 2cm. Chu vi vòng đầu khi trẻ đạt 3 tuổi trung bình sẽ là 48cm, và từ đó đến khi trưởng thành sẽ không có nhiều sự khác biệt.Dĩ nhiên không phải cứ đầu to là bé sẽ thông minh, thậm chí đầu to quá mức còn là biểu hiện của trường hợp u não, não úng thủy. Nhưng nếu trẻ không đạt chu vi vòng đầu theo những chỉ số trên cần được cân nhắc về tình trạng suy dinh dưỡng. Tốt nhất, chu vi vòng đầu của trẻ nên ở trong phạm vi bình thường, không nên quá nhỏ, cũng không nên to bất thường.
Chỉ số cân nặng
Cân nặng là một trong những là chỉ số tăng trưởng của trẻ rất quan trọng phản ánh rõ sự tăng trưởng ở trẻ em ở mỗi giai đoạn, đồng thời phản ánh tình trạng dinh dưỡng của trẻ. Việc theo dõi cân nặng của trẻ sẽ giúp bố mẹ phát hiện sớm tình trạng suy dinh dưỡng hay thừa cân ở trẻ để có biện pháp xử lý kịp thời.
Nếu cân nặng của bé tăng đều đặn chứng tỏ bé phát triển bình thường, còn tăng quá nhanh hoặc không tăng cân là báo động về tình hình sức khỏe, các mẹ cần biết cách điều chỉnh chế độ dinh dưỡng sao cho phù hợp.
Theo dõi những chỉ số này giúp bố mẹ nắm bắt được tình trạng sức khỏe và sự phát triển của trẻ một cách khoa học nhất.