Bé gái 18 tháng tuổi bỏng hai chân
Vụ việc trên xảy ra tại cơ sở mầm non Anh Nguyên, xã Đông Thạnh, huyện Hóc Môn, TP. HCM.
Chiều 6/11, chị T., mẹ bé Ngọc A. cho biết chiều tối 29/10, bố đón A. về nhà thì phát hiện hai bàn chân bé bị bỏng. Bé liên tục khóc khi được bố để xuống đất. Anh quay trở lại lớp hỏi, cô giáo cho biết không biết vì sao bé lại bị như vậy.
Sau đó, gia đình đã đưa bé A. đến bệnh viện điều trị. Vì chưa tìm hiểu rõ nguyên nhân gây bỏng cho con mình, gia đình chị T. đã làm đơn gửi đến Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP. HCM nhờ can thiệp.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ – Chi hội trưởng Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM, cho biết hội đã nhận được đơn của gia đình bé A. nhờ can thiệp đến các cơ quan chức năng liên quan để làm rõ nghi vấn con gái bị bỏng tại cơ sở mầm non đóng trên địa bàn xã.
Bà Nữ cũng cho biết trước mắt hội sẽ liên hệ với Phòng Giáo dục huyện Hóc Môn và chính quyền địa phương để tìm hiểu sự việc.
Chiều 11/6, lãnh đạo cơ sở Mầm non Anh Nguyên thừa nhận bé A. bị bỏng do sơ suất của bảo mẫu và đây chỉ là tai nạn nghề nghiệp.
Theo lời vị này, ngày 29/10, A. đi vệ sinh, bảo mẫu dẫn bé đi rửa. Thay vì rửa bằng nước lạnh, bảo mẫu gạt nhầm sang chế độ nước nóng. Lúc đó, lớp có trẻ khác xảy ra vấn đề nên bảo mẫu ra ngoài và bỏ quên A. trong nhà vệ sinh với vòi nước nóng. Vài phút sau, bảo mẫu quay lại, thấy trẻ khóc nhiều nhưng không biết lý do.
Vị này cũng cho biết bảo mẫu gây ra sự việc cho bé A. chưa có bằng cấp. Cơ sở mầm non được thành lập vào năm 2016, gồm hai giáo viên, hai bảo mẫu, mở hai lớp dạy với gần 50 trẻ. “Sau khi sự việc xảy ra cơ sở sẽ tạm ngừng hoạt động một thời gian”, vị này nói.
Lãnh đạo phòng GD&ĐT huyện Hóc Môn cho biết đã nắm được sự việc trên và đang chờ báo cáo từ cơ sở mầm non để xử lý.
Các mẹ nên làm gì khi gửi con đến trường mầm non?
- Hãy tìm hiểu thật kỹ về ngôi trường trước khi quyết định gửi con, phải tương đối đầy đủ tiện nghi, có camera theo dõi và số lượng trẻ mỗi lớp không quá đông.
- Thay vì tìm trường giá rẻ, phụ huynh cố gắng làm việc nhiều hơn để bù chi phí gửi con. Đặc biệt, bạn chú ý đến trình độ chuyên môn và kinh nghiệm của các cô giáo trực tiếp chăm con, không phải trình độ của cô Hiệu trưởng.
- Đừng than phiền về cân nặng của bé. Nên nhớ rằng điều này là áp lớn nhất ở các trường mầm non và là nguyên nhân của mọi clip cho trẻ ăn liên tục không có thời gian nghỉ để nhai, nuốt và thậm chí phải đè ra để đổ thức ăn vào miệng… nguy hiểm biết chừng nào. Đừng trông chờ vào trình độ sơ cấp cứu của các cô.
- Đừng quên nói với các cô: “Cô ơi bé ăn được bao nhiêu cũng được, cô không cần ép cháu, chỉ cần cho mẹ biết ngày đó bé ăn ít để tối về mẹ cho bé uống thêm sữa”. Câu này cô giáo mầm non nào cũng thích nghe đó các mẹ ạ! Có như vậy con bạn cả ngày không những sẽ được ăn, được chơi đúng nghĩa mà còn được các cô yêu.
- Lỡ bé bị những “sơ suất” nhỏ không ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe như cào nhau, cụng tường,… hãy thông cảm. Bạn đừng quá nóng ruột mà xúc phạm đến các cô và làm lớn chuyện. Những bức xúc đó vô tình đẩy con bạn từ hôm sau vào diện “chăm sóc đặc biệt”, không cho chơi chung với bạn hoặc là bị “nhốt”.
- Đừng tạo bất kỳ áp lực nào cho trường cũng như cho các cô, chắc chắn con bạn sẽ được học trong một môi trường đầy tình yêu thương, chăm sóc chu đáo mà bạn cũng không bị “làm hài lòng” một cách miễn cưỡng.