(Đời sống) - Một công ty có vốn đầu tư của Mỹ và Hàn Quốc tại Honduras đang bị các cựu nhân viên và hiệp hội các lãnh đạo cáo buộc bắt công nhân phải mặc bỉm để nâng cao năng suất lao động.
Theo báo Vietnamnet dẫn nguồn từ từ Odditycentral cho biết chủ nhật tuần trước, Daniel Duron, Tổng thư ký Tổng Liên đoàn Lao động Honduras đã lên án hành vi vi phạm quyền lao động của Hệ thống Phân phối Điện tử Kyungshin-Lear, cáo buộc công ty này ép các nhân viên phải đeo bỉm người lớn để tránh đi vệ sinh nhiều lần trong giờ làm việc.
Ông cũng nói thêm rằng các lãnh đạo công ty đã không thực sự phát bỉm cho công nhân nhưng các nhân viên, đặc biệt là phụ nữ, đều phải tự mua để tránh bị mất chức và sa thải. Những cáo buộc của ông Duron dựa trên lời khai của các nhân viên Kyungshin-Lear và yêu cầu các nhà chức trách điều tra.
30 thanh sát viên hiện đang điều tra về vụ việc này, theo Bộ trưởng Lao động Honduras, Jorge Bográn.
Phát biểu trước báo giới, Edgardo Dumas, đại diện pháp lý của công ty Kyungshin-Lear cho rằng những những cáo buộc trên là sai trái và thiếu thận trọng, đồng thời quả quyết công ty không bao giờ vi phạm luật lao động.
Tuy nhiên, Maria Galeano, một công nhân bị sa thải vào tháng Tư vừa qua sau 7 năm làm việc tại Kyungshin-Lear đã xác nhận tuyên bố của Daniel Duron.
"Thật xấu hổ để nói một ai đó phải mặc bỉm bởi họ không có phép bạn ra nhà vệ sinh, nhưng có rất nhiều nhân viên có thể xác nhận điều này," bà nói với các phóng viên.
Ảnh minh họa |
Hệ thống Phân phối Điện tử Kyungshin-Lear bắt đầu hoạt động tại Honduras cách đây 10 năm và hiện có khoảng 3.500 nhân viên.
Việc ép nhân viên tăng ca bằng mọi giá cũng xảy ra ở nhiều doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam liên doanh. Vào tháng 6 vừa qua, gần 2.000 công nhân của Công ty TNHH PouYuen Việt Nam, quận Bình Tân, TP.HCM đã ngừng việc tập thể vì công ty tăng mục tiêu sản lượng lên quá cao khiến khiến thu nhập của công nhân giảm sút. Không những thế, trong công ty còn xuất hiện những nhóm người bặm trợn, xăm trổ đầy mình lượn vượn quanh công ty.
“Họ đứng canh liên tục cả nhà vệ sinh nữ, công nhân nào đi vệ sinh phải ghi lại số thẻ, “đi” lâu thì lập tức bị gõ cửa gọi ra hỏi thăm” - theo phản ánh của một số công nhân.
Công nhân của công ty này cũng cho biết họ làm đến kiệt sức, mỗi tháng thu nhập từ tiền thưởng sản lượng không quá 50.000 đồng, thậm chí nhiều người chỉ được 5.000 đồng một tháng.
- Tr. V (Tổng hợp)