Bất động sản mở quá dễ nên chết cũng nhiều

07:25, Chủ nhật 08/09/2013

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - "Điều kiện kinh doanh quá dễ dãi nên mới có chuyện nhà nhà kinh doanh. Có lẽ trên thế giới không có nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam".

VNE dẫn lời TS Trần Du Lịch phát biểu tại buổi giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội TP HCM về tình hình thực hiện Luật kinh doanh bất động sản và Luật nhà ở trên địa bàn thành phố, sáng 6/9.

"Điều kiện kinh doanh quá dễ dãi nên mới có chuyện nhà nhà kinh doanh. Có lẽ trên thế giới không có nước nào kinh doanh bất động sản dễ như Việt Nam".

Theo ông Lịch, đây là một loại hình kinh doanh đặc biệt. Bí quyết kinh doanh bất động sản gói gọn trong 2 điều, thứ nhất là chọn địa điểm đúng và thứ hai là biết sử dụng đồng tiền của người khác để đầu tư. "Yếu tố thứ hai được ràng buộc bởi sự quản lý của Nhà nước có chặt chẽ về năng lực tài chính hay không. Nếu không, người ta sẽ tận dụng điều này để gây thiệt hại cho khách hàng là đối tượng yếu thế", ông Lịch phân tích.

Bàn về Luật nhà ở hiện nay, Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM cho biết đang có 3 loại là nhà ở thương mại, xã hội và công vụ nhưng không có định nghĩa rõ ràng để xác định nhà nào thuộc loại nào mà chỉ mặc nhiên hiểu. Vì vậy, vừa qua khi triển khai gói hỗ trợ 30.000 tỷ của Chính phủ, các địa phương đã gặp vướng ở khái niệm thế nào là nhà ở xã hội.

"Tôi muốn hỏi ý kiến các đồng chí là nên chăng, sắp tới chúng ta có định nghĩa cụ thể từng loại nhà ở xã hội và thương mại không. Quan điểm của tôi, cái nào cũng là nhà ở thương mại cả vì với chủ đầu tư thì dự án nào cũng mang tính thương mại, không ai làm từ thiện hết, còn chính sách xã hội là chuyện của Nhà nước. Tôi có cảm tưởng Luật hiện nay cứ dàn đều cả mâm món chay có món mặn có, ăn thế nào cũng được", ông Lịch nêu quan điểm.

Kinh doanh dễ nên nhiều doanh nghiệp bất động sản chết sặc

Cũng theo ông Lịch, hiện có tình trang nhiều Nghị định, thông tư đang đứng trên Luật, bổ sung Luật chứ không phải cụ thể Luật. Như khoản 4, điều 9 Nghị định 71 quy định chủ đầu tư phải sử dụng vốn huy động vào đúng mục đích, nếu sai thì hợp đồng không có giá trị và xử lý theo quy định hiện hành. "Như thế này thì khỏe quá, giao tiền cho anh 3 năm xong anh bảo làm sai rồi thông báo hủy hợp đồng. Nếu là tôi, tôi xin sẵn sàng hủy liền", ông Lịch nói và cho biết đây là ví dụ rõ nét nhất cho việc Nghị định đang đứng trên Luật khiến cho Luật của Quốc hội trở nên vô nghĩa.

Phát biểu trên của ông Lịch khiến dư luận cảm thấy thoải mái hơn. Từ năm 2011 tới nay, câu chuyện bong bóng BĐS tốn biết bao giấy mực của báo giới, biết bao cuộc hội thảo tìm nguyên nhân giải cứu bất động sản. Từ một đỉnh cao khi giá bất động sản Việt cán đích cao nhất nhì thế giới, chỉ kém Tokyo của Nhật Bản và gấp 25 lần so với mức thu nhập bình quân đầu người của người dân, giờ đang ngắc ngoải chờ chết.

Hơn nữa, chính sách mở đối với bất động sản những năm trước khiến nhà nhà, người người đổ xô vào đầu cơ bất động sản. Doanh nghiệp ngoài luồng cũng nhảy vào tham gia đầu tư bất động sản, người góp đất, kẻ góp tiền khiến thị trường BĐS Việt Nam những năm trước được nhận xét phát triển nhất khu vực. Doanh nghiệp kinh doanh bất động sản lãi 300 %.

Chính vì được đẩy lên giá quá cao, công ty có vốn điều lệ chỉ 150 tỷ cũng được cơ quan quản lý cấp phép xây dựng dự án hàng chục nghìn tỷ đồng. Khi tính thanh khoản từ ngân hàng bị co bóp lại, bong bóng BĐS đã vỡ ngay. Kết quả, hàng trăm công ty phá sản. Hàng loạt công ty chuyên đầu tư kinh doanh BĐS cũng điêu đứng theo. Chỉ trong năm 2012, Tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam với hàng chục dự án lớn nhỏ khắp cả nước cũng tuyên bố lỗ hơn 1000 tỷ đồng. Tập đoàn Quốc Cường Gia Lai cũng điêu đứng vì bất động sản.

Khổ nhất vẫn là một vài công ty ngoài ngành, thấy BĐS dễ kiếm lời quá cũng nhào vào xin dự án, xin đất để làm nhà bán cho người dân. Kết quả, hàng chục công ty, tập đoàn sa lầy với nợ xấu. Ông Nguyễn Văn Bình - Tổng Giám đốc Công ty Cơ điện Việt Nam - Meco từng than thở trong cuộc họp cổ đông rằng tôi gầy đi và mất ngủ vì dự án bất động sản.

Có lẽ thê thảm nhất vẫn là Tập đoàn dầu khí Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty lắp máy Việt Nam (Lilama). Vì sa lầy vào vũng bùn BĐS khiến doanh nghiệp thua lỗ. Chính vì vậy Thủ tướng đã ra quyết định yêu cầu PVN phải thoái vốn khỏi BĐS và chứng khoán, Lilama cũng bị Bộ Xây dựng yêu cầu thoái vốn khỏi BĐS tập trung vào sản xuất đúng chuyên môn và nhiệm vụ.

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc