Bệnh ’lạ’ chẳng qua do dân biết gạo mốc vẫn ăn

17:43, Thứ bảy 16/03/2013

( PHUNUTODAY ) - Bộ Y tế vừa có văn bản khẳng định các trường hợp mắc bệnh lạ ở Quảng Ngãi là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin, do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người thiếu vi chất dinh dưỡng.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến vừa ký văn bản khẳng định các trường hợp mắc hội chứng viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân ở Quảng Ngãi là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin, do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người thiếu vi chất dinh dưỡng.
[links()]
Theo công điện vừa được Bộ trưởng Bộ Y tế ký gửi Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi, từ ngày 15/2 đến nay có 16 bệnh nhân mắc bệnh “lạ” - viêm dày sừng da bàn tay, bàn chân tại hai huyện Ba Tơ và Sơn Hà, tỉnh Quảng Ngãi.

Trong văn bản này, Bộ Y tế tiếp tục nhận định các trường hợp mắc bệnh lạ là do nhiễm độc tố vi nấm, trong đó chủ yếu là Aflatoxin, do ăn gạo cũ bị mốc trên cơ địa người thiếu vi chất dinh dưỡng.

benh-la-o-Quang-Ngai-Phunutoday.vn
Bệnh lạ ở Quảng Ngãi do người dân biết gạo mốc vẫn ăn. Ảnh: NLĐ.

Theo công điện, Bộ trưởng Bộ Y tế đề nghị để phòng chống bệnh, tỉnh Quảng Ngãi cần hướng dẫn người dân không sử dụng gạo bị nấm mốc, thay gạo mới cho người dân. Đồng thời chỉ đạo ngành y tế cung cấp đủ vitamin, thuốc bổ gan, nâng cao thể trạng cho toàn bộ người dân sống trong vùng có nguy cơ cao, kịp thời phát hiện điều trị các trường hợp mắc bệnh, tăng cường tuyên truyền để người dân yên tâm điều trị.

Công điện trên được Bộ Y tế phát đi chỉ một ngày sau khi Bộ có đoàn công tác về lại làng Rêu, xã Ba Điền (huyện Ba Tơ, Quảng Ngãi) gặp một số bệnh nhân bị bệnh lạ, ngày 14/3.

Nguyên nhân bệnh lạ do ăn gạo mốc không có gì mới, khi nguyên nhân này đã được đề cập tới từ giữa năm 2012, nhưng trong thời gian một năm qua nó chỉ dừng lại ở mức độ “khả năng”, còn Bộ Y tế vẫn tiếp tục loay hoay tìm kiếm.

Còn giờ đây Bộ Y tế khẳng định bệnh lạ do người dân ăn gạo mốc thì cũng cứ mặc định vậy thôi, Bộ nói cơ mà, sai sao được. Dù những trường hợp bị bệnh tới thời điểm này chỉ là 16, trong khi ở các địa phương này có hàng ngàn người cùng ăn, cùng ở như họ, thậm chí cùng một gia đình…

Mà nếu do ăn gạo mốc thật, thì Bộ Y tế cũng nên khuyến cáo các tỉnh kiểm tra, theo dõi thường xuyên trên địa bàn, vì những vùng dân cư phải ăn gạo mốc như ở Quảng Ngãi sẽ không phải là hiếm gặp ở các tỉnh. Đặc biệt các địa phương vùng sâu, vùng xa, những nơi xem việc có gạo mốc để ăn đã là một sự may mắn. Nếu không kiểm tra sớm để có biện pháp phòng trừ, thì chỉ thời gian tới đây thôi sẽ còn nhiều nữa những người mắc bệnh lạ, ở hầu hết các tỉnh.

Có lẽ các tỉnh nên nhìn Quảng Ngãi để rút kinh nghiệm, chủ động kiểm tra, chứ không nên qua trông chờ vào Bộ Y tế, vì Bộ còn trăm công nghìn việc phải lo, còn nhiều việc mang tầm vĩ mô cần phải tính. Như tình trạng bệnh viện quá tải, bệnh 'kinh niên' bao năm nay khiến Bộ đau đầu hơn là vài chục người bị bệnh ở một tỉnh. Ngay đến như chuyện vắc xin làm trẻ tử vong Bộ còn phải xếp lại xử lý sau đủ thấy Bộ đang vô cùng bận rộn.

Đấy là chưa kể Bộ còn phải lo cho bữa ăn hàng ngày của hàng triệu người sống các thành phố lớn, từ hướng dẫn cách chọn măng, rau, củ, quả, đến thịt, cá, hạt hướng dương, bánh kẹo... an toàn trước thực tế đâu đâu cũng thấy thực phẩm bẩn, độc. Rồi Quốc hội lại sắp họp nữa chứ, các đại biểu lại đòi “trả nợ” lời hứa nữa...

Người xưa có câu "Tiên trách kỷ, hậu trách nhân". Hàng ngàn người dân khác sống trong vùng chẳng hề hấn gì, bệnh lạ có chăng là do những người dân kia có kiểu ăn ở kỳ lạ, đến gạo nấm mốc cũng không phân biệt được. Thiết nghĩ, các bệnh nhân nên nhìn người dân khác sinh hoạt, ăn uống, ngủ nghỉ ra sao để làm theo, cớ gì phải tách mình khỏi cộng đồng, sống không giống ai để bị dính bệnh lạ.

Nếu có trách, có lẽ chỉ nên trách loại nấm kỳ lạ đó, không biết từ đâu lại mọc lên giữa đống gạo ít ỏi của người dân vùng núi nghèo, đã phải ăn đói giờ lại chịu khổ. Để rồi, từng người, từng người một bị buộc phải rời bỏ cuộc đời, ra đi trong cô đơn, lạnh lẽo, để lại sự sợ hãi, nỗi lo lắng cho những người ở lại.

Theo ngu ý của người viết, Bộ Y tế có thể nghiên cứu những người trong cộng đồng khỏe mạnh, để xem tại sao họ có thể kháng bệnh. Nếu tìm ra được kháng thể tốt, có thể dùng kháng thể đó tiêm cho những người bị bệnh. Hiệu quả chữa trị có khi còn tốt và nhanh hơn là chúng ta cứ quay cuồng tìm kiếm trong vô vọng như hiện nay. Từ việc nghiên cứu nhóm người khỏe mạnh đó, chúng ta có thể lập một phác đồ từ phòng tới chữa bệnh lạ phổ biến khắp các vùng quê nghèo cả nước, có như vậy mới hy vọng bệnh lạ như ở Quảng Ngãi sẽ không còn xuất hiện nữa. Nhìn xa hơn, ta có thể chiết xuất biệt dược đặc trị bệnh này để xuất khẩu ra thế giới, thu ngoại tệ về cho nước nhà.

  • Phạm Thanh
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc