(Đời sống) - Nhiều bệnh nhân nghèo ở Ấn Độ bị lừa tham gia các chương trình thử thuốc trên người mà không hề hay biết. Họ bị đối xử không thua gì những con chuột bạch trong phòng thí nghiệm.
Thanh Niên dẫn nguồn AFP hôm qua 7/7: Cách đây 5 năm, gia đình ông Niranjan Lal Pathak (70 tuổi, bị bệnh tim) vui mừng không thể tả khi nghe bác sĩ nói ông sẽ được chữa trị hoàn toàn miễn phí ở Bệnh viện Maharaja Yashwantrao, thành phố Indore.
“Bác sĩ tư vấn với chúng tôi rằng chú của tôi sẽ được chữa trị miễn phí trong một dự án y khoa đặc biệt. Chúng tôi không phải trả bất kỳ chi phí nào”, Alok Pathak - cháu trai của ông Lal Pathak cho biết.
Khi ấy không một ai trong gia đình ông Lal Pathak biết mình bị "dụ dỗ" tham gia một chương trình thử nghiệm thuốc Atopaxar của hãng dược Eisai.
Hậu quả, sau một thời gian điều trị tại bệnh viện, ông Pathak mắc bệnh mất trí, vì những tác dụng phụ của thuốc Atopaxar.
Gia đình của ông Pathak, được sự hỗ trợ của tổ chức bảo vệ quyền cho bệnh nhân Ấn Độ Swasthya Adhikaar Manch, đã đâm đơn kiện Bệnh viện Maharaja Yashwantrao và hãng dược Eisai.
Ông Pathak chỉ là một trong số nhiều trường hợp bệnh nhân nghèo bị lừa với chiêu bài “chữa bệnh miễn phí 100%” để rồi ký vào các bản thỏa thuận thử nghiệm thuốc trên người trái phép.
Bệnh nhân Niranjan Lal Pathak (70 tuổi) đi chữa bệnh tim rồi bị mất trí vì những tác dụng phụ của thuốc Atopaxar |
Theo tổ chức Swasthya Adhikaar Manch, trong những trường hợp khác, các hãng dược cấu kết với bác sĩ Ấn Độ bí mật kê toa thuốc thử nghiệm cho bệnh nhân nghèo uống mà không hề báo cho họ biết.
Thử nghiệm thuốc trên người là một công đoạn bắt buộc đối với một sản phẩm dược trước khi được tung ra thị trường. Đây là một công đoạn đầy tốn kém đối với các hãng dược.
AFP dẫn một báo cáo của chính phủ Ấn Độ năm 2012 cho thấy các hãng dược tiết kiệm 60% chi phí cho công đoạn thử nghiệm thuốc trên người nếu thực hiện tại Ấn Độ, so với thực hiện tại các nước phát triển.
Theo Cơ quan kiểm soát dược phẩm, số tổ chức nghiên cứu hợp tác ở Ấn Độ có đăng ký với Cơ quan Quản lý thuốc và thực phẩm Mỹ (FDA) đã tăng lên gần gấp 3 lần, từ 60 tổ chức trong những năm 2000 lên đến 150 tổ chức hiện nay. Đã có hơn 1.000 cuộc thử nghiệm lâm sàng được đăng ký chính thức với Hội đồng nghiên cứu thuốc Ấn Độ.
Tất cả những tên tuổi hàng đầu trong ngành như Quintiles, Covance, Charles River hay PPD… đều bắt đầu triển khai hàng nghìn cơ sở nghiên cứu lâm sàng, không chỉ mọc lên như nấm tại nhiều thành phố lớn như Hydearbad và Ahmedabad mà cả những thị trấn nhỏ. Các công ty này khẳng định họ giữ được 99,5% người Ấn Độ tình nguyện gắn bó với cuộc thử nghiệm.
Theo An Ninh Thủ Đô: Có nhiều lý giải vì sao thị trường Ấn Độ được “ưu ái” nhất cho khâu nghiên cứu lâm sàng của các công ty dược phương Tây. Nhất là với dân số đông gần 1,2 tỷ nhưng các cơ sở y tế lại thiếu đến mức báo động. Cho nên, người dân ở đây, nhất là người dân nghèo khi ốm đau ít khi có cơ hội được “tiếp xúc” với thuốc. Sự khan hiếm thuốc, cộng với chiêu dụ “tài trợ” miễn phí, trình độ hạn chế, nên giảm được số lượng các yếu tố gây nhiễu trong nghiên cứu của thuốc, cũng như việc người dân dễ tiếp nhận.
Còn nhớ cuối năm ngoái (2011), dư luận Ấn Độ bàng hoàng khi thông tin các nhà khoa học tại Học viện Y học Delhi đã thử nghiệm một số loại thuốc mới trên cơ thể trẻ em gây ra những cái chết thương tâm. Trong buổi chất vấn của Hiệp hội Bảo vệ quyền trẻ em Uday (Ấn Độ), người phụ trách học viện thừa nhận đã tiến hành thử nghiệm lâm sàng các loại thuốc mới đối với 2.728 trẻ em dưới 1 tuổi. Hậu quả, 49 trẻ em trong số này (chiếm 1,8%) đã chết trong quá trình thử nghiệm thuốc. Có ít nhất 5 công ty nghiên cứu và sản xuất thuốc nổi tiếng của phương Tây tham gia vào việc thử nghiệm lâm sàng này.
- Nam Phong (Tổng hợp theo TNO, ANTĐ)