Bệnh tay chân miệng mùa hè và cách phòng tránh
Mặc dù tay chân miệng là căn bệnh dễ lây lan, nhưng chúng ta hoàn toàn có thể ngăn ngừa nó nếu có các cách thức phòng và chống bệnh đúng đắn.
Nguyên nhân gây bệnh:
Bênh tay chân miệng là bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus thuộc nhóm Enterovirus gây ra. Loại virus gây bênh này có khả năng lây nhanh qua đường hô hấp. Người lành có thể mắc bệnh nếu tiếp xúc với chất tiết từ mũi, miệng, nước bọt của bệnh nhân. Qua nói chuyện hay việc sờ nắm tay chân người bệnh đều có thể là nguyên nhân lây lan bệnh dịch này.
Các biểu hiện thường thấy:
Bệnh nhân tay chân miệng có thể sốt cao lên tới 39 – 40 độ C, cơ thể suy nhược, mệt mỏi, đau họng, nôn ói liên tục. Ngoài ra, người bệnh sẽ bị loét miệng, xuất hiện các bóng nước có đường kính từ 2 – 3 mm. Những bóng nước này rất dễ vỡ trở thành những vết loét trong khoang miệng bệnh nhân.
Không chỉ ở vùng miệng, lòng bàn tay, lòng bàn chân, vùng mông người bệnh cũng sẽ có những ban đỏ, bọng nước từ 2 – 10 mm. Chính những mẩn đỏ này khiến người bệnh luôn cảm thấy khó chịu.
Biến chứng có thể gặp khi mắc bệnh tay chân miệng:
Đây là căn bệnh có nguy cơ để lại biến chứng nghiêm trọng nếu không được chữa trị một cách kịp thời và đúng cách. Một số biến chứng có thể xảy ra là viêm màng não, phù phổi cấp, viêm cơ tim. Thậm chí một số biến chứng có thể phối hợp với nhau.
Phát hiện sớm các biến chứng là điều cần thiết, vì nếu để quá 24 giờ, bệnh nhân dễ gặp phải tình trạng nguy hiểm dẫn tới tử vong.
Cách phòng bệnh tay chân miệng:
Để phòng bệnh tay chân miệng, cần phải vệ sinh cá nhân sạch sẽ, rửa kĩ tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh.
Đây là căn bệnh mà trẻ em có nguy cơ mắc phải với tỉ lệ cao, vì vậy, cần phòng bệnh cho trẻ bằng cách chăm sóc cơ thể bé tốt nhất, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn. Không cho trẻ ngậm mút tay, đồ chơi, luôn khử trùng các dụng cụ ăn uống và đồ vật mà trẻ hay tiếp xúc.
Ngoài ra cần vệ sinh không gian sống sạch sẽ, khi phát hiện có dịch bệnh, cần hạn chế tiếp xúc với các bệnh nhân. Nếu cần thiết, hãy sử dụng các đồ bảo hộ y tế.
Cách điều trị:
Đối với bệnh nhân tay chân miệng, cần có chế độ ăn uống dinh dưỡng, thường xuyên vệ sinh tay chân, khoang mũi, miệng, tránh làm nhiễm trùng các bọng nước và vùng bị loét.
Có thể dùng một số thuốc giảm đau, hạ sốt, bổ sung nước cho người bệnh. Ngoài ra, chú ý thức ăn của bệnh nhân phải lỏng, phải hạn chế vận động. Bệnh nhân cũng không được dùng tay, vật nhọn cạy các bọn nước, tránh bị nhiễm trùng.
Cần phải theo dõi sát sao tình trạng bệnh nhân để có sự can thiệp kịp thời của y tế.