Liên tiếp 5 trẻ tử vong do mắc bệnh ho gà và cách phòng tránh bệnh mẹ nhất định phải biết

( PHUNUTODAY ) - Từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Tính đến chiều ngày 8/3, đã có 5 trường hợp bệnh nhân tử vong.

Sáng ngày 9/3, TS Trần Đắc Phu- Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng- Bộ Y tế cho hay, báo cáo của Bệnh viện Nhi Trung ương gửi về Bộ Y tế cho thấy, từ đầu năm đến nay tại bệnh viện đã ghi nhận 55 trường hợp nhập viện do mắc ho gà. Tính đến chiều ngày 8/3, đã có 5 trường hợp bệnh nhân tử vong.

“Do điều kiện thời tiết chuyển lạnh, độ ẩm cao nên các bệnh đường hô hấp gia tăng, trong đó có bệnh ho gà, số trường hợp mắc tập trung chủ yếu lứa tuổi nhỏ từ 2 - 3 tháng tuổi do chưa được tiêm chủng hoặc tiêm chủng không đầy đủ”, PGS.TS Trần Đắc Phu lý giải về xu hướng gia tăng.

mac benh ho ga 1

Số lượng bệnh nhân mắc bệnh ho gà tăng cao. Ảnh: CAND.

Các bệnh nhân mắc bệnh rải rác ở các tỉnh và thành phố như: Hà Nội, Cao Bằng, Nam Định, Nghệ An, Bắc Ninh, Lạng Sơn, Thái Bình, Hải Dương, Hưng Yên, Phú Thọ, Hà Nam. Đáng lưu ý, số ca mắc bệnh ho gà nhiều nhất là Hà Nội (10 ca), tiếp sau đó là Nam Định (5 ca).

Các trường hợp tử vong gồm: 1 trường hợp ở Hà Nội, 1 trường hợp ở Nam Định, 1 trường ở Cao Bằng, có 2 trường hợp xin về ở Nam Định và Nghệ An. Đáng lưu ý, hầu hết các trường hợp mắc bệnh ho gà đều là trẻ em dưới ba tháng tuổi (chiếm tỷ lệ 80%). Đây là các đối tượng chưa được tiêm chủng hoặc mới chỉ được tiêm một mũi vắcxin phòng bệnh ho gà. Hiện số ca mắc chỉ ghi nhận rải rác.

Dù vậy, điều đáng nói là trong vài năm gần đây, nhiều trẻ dưới 2 tháng tuổi (chưa đến tuổi chỉ định tiêm mũi 1) cũng mắc bệnh ho gà. Trong khi về nguyên tắc, trong 2 tháng đầu trẻ được bảo vệ nhờ miễn dịch từ mẹ truyền sang. Có nghĩa, các bà mẹ đó không được tiêm phòng, hoặc chưa mắc ho gà nên không có miễn dịch, vì thế trẻ sinh ra không có miễn dịch.

Báo TTXVN đưa tin, Hiện nay, tuy số ca mắc chỉ ghi nhận rải rác tại các địa phương, song các chuyên gia y tế vẫn rất lo ngại về nguy cơ lây lan, khuyến cáo các địa phương và người dân cần chủ động phòng chống vì đây là bệnh truyền nhiễm, lây lan nhanh qua đường hô hấp, dễ dẫn đến tử vong.

Trước số trẻ mắc và tử vong do ho gà tăng cao nhất trong 3 năm qua, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi các Sở Y tế địa phương, yêu cầu rà soát, tiêm chủng bổ sung ngay cho trẻ tiêm thiếu mũi vaccine ngừa ho gà, tối thiểu đạt tỷ lệ trẻ được tiêm chủng từ 95% ở quy mô xã phường. Bên cạnh việc tiêm chủng cho trẻ, Bộ Y tế cũng khuyến cáo các bà mẹ mang thai nên tiêm phòng để phòng bệnh ho gà cho trẻ sơ sinh và giai đoạn trước tuổi tiêm chủng.

mac benh ho ga 2

Nhân viên y tế điều trị cho trẻ mắc bệnh ho gà tại Bệnh viện Nhi Trung ương.Ảnh: SK&ĐS.

Hậu quả của bệnh ho gà

Bệnh ho gà khiến trẻ phải ho gắng sức , dần dần dẫn tới việc cơ thể bị kiệt sức, nhất là ở trẻ sơ sinh bệnh ho gà thường rất nặng nề , do sức đề kháng và sức khỏe còn yếu, chưa đủ sức để chống lại bệnh.

Bệnh gây ra tình trạng thiết oxy cho cơ thể dẫn tới nhiều biến chứng như viêm phổi, xuất huyết kết mạc, thiếu oxy não, viêm não …

Cách phòng bệnh ho gà

Tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ, tiêm đủ 3 mũi theo quy định và lịch tiêm chủng quốc gia để đạt hiệu quả phòng bệnh cao nhất lên tới 90%.

Tránh xa những người có dấu hiệu bị ho gà, nếu trong gia đình có người bị ho gà thì cần phải điều trị dứt điểm, các thành viên khác cần đeo khẩu trang khi tiếp xúc gần người bệnh và có hướng điều trị, kiểm tra cho cả gia đình xem có bị lây truyền bệnh không vì bệnh rất dễ lây lan qua đường không khí.

mac benh ho ga 3

Một trường hợp mắc ho gà phải vào thở máy tại BV Nhi Trung ương. Ảnh: Dân Trí.

Cách điều trị bệnh ho gà ở trẻ

Đối với trẻ lớn bị ho gà và chưa có biến chứng sẽ được điều trị bằng kháng sinh đặc hiệu trong vòng 10-14 ngày theo chỉ định, tránh sử dụng các loại thuốc an thần, long đàm, kháng histamine vì những thuốc này không những không có hiệu quả mà còn gây nguy hiểm cho người bệnh ho gà.

Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi cần phải nằm điều trị nội trú trong bệnh viện, các bà mẹ cần cung cấp dưỡng chất cho trẻ để trẻ tăng sức đề kháng , nên cho trẻ ăn các loại thức ăn lỏng, và bú nhiều lần trong ngày, từng ít một, bú cả ngày lẫn đêm, bất cứ khi nào trẻ muốn.

Trong quá trình điều trị cần cho trẻ uống nhiều nước, ăn nhiều rau xanh và hoa quả tươi, có thể ép nước hoa quả tươi cho trẻ uống, ăn các thức ăn dễ tiêu như cháo, sữa …

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn