Bí ẩn pho tượng Bà Chúa Xứ núi Sam

15:08, Thứ sáu 27/07/2012

( PHUNUTODAY ) - Phải chăng tượng Bà Chúa Xứ là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo thời vương quốc Phú Nam (thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công Nguyên), hay còn lùi xa hơn thế nữa?

Mỗi năm có hơn 2 triệu người dân khắp đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ hành hương về núi Sam (thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang) để viếng Bà Chúa Xứ trong 1 ngôi miếu dưới chân núi.
[links()]
Dù mọi người dân đồng bằng đều muốn đến viếng và ngắm tượng Bà Chúa Xứ, nhưng bà là ai, pho tượng của Bà có nguồn gốc từ đâu, không ai có thể trả lời chắc chắn. Câu chuyện về Bà Chúa Xứ mãi mãi là bí ẩn.

Dù chưa xác định được chính xác nguồn gốc của pho tượng cũng như lai lịch Bà Chúa Xứ núi Sam, nhưng các sử liệu đều nhìn nhận rằng pho tượng Bà Chúa Xứ đã ngự trị trên đỉnh núi Sam từ rất lâu, trước khi những lưu dân người Việt từ miền Trung đặt chân đến vùng đất này.

 Phải chăng tượng Bà Chúa Xứ là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo thời vương quốc Phú Nam (thế kỷ I đến thế kỷ VII sau Công Nguyên), hay còn lùi xa hơn thế nữa?
         
 An Tiêm của vương quốc Phù Nam

Huyền sử của nước ta có câu chuyện về phò mã An Tiêm gắn liền với sự tích trái dưa hấu. Chàng phò mã “lắm tài nhiều tật” vì xúc phạm đến triều đình mà bị Vua Hùng Vương thứ 17 đày ra hoang đảo.

Trên hoang đảo không một bóng người, An Tiêm và vợ đã bằng sức mình sản xuất để tồn tại. Họ đã gây được giống dưa hấu rất ngon, ngọt từ mấy hạt dưa do chim trời thả xuống. Những quả dưa của An Tiêm được khắc dấu thả trôi ra biển...

Tượng Bà Chúa Xứ ngày nay.
Tượng Bà Chúa Xứ ngày nay.


Từ đó mà hòn đảo hoang của họ trở nên tấp nập ghe thuyền đến mua bán, hai vợ chồng đã từ đôi bàn tay trắng gây dựng nên sự nghiệp. Vua cha biết chuyện, đã tha thứ cho vợ chồng An Tiêm, từ đó giống dưa hấu này trở nên nổi tiếng khắp nơi, lưu truyền đến ngày nay.

Thật thú vị, khi cũng gần với thời điểm ra đời huyền sử An Tiêm (đời Hùng Vương thứ 17), ở vùng đất phương Nam xa xôi cũng xảy ra 1 câu chuyện gần giống với An Tiêm, đưa đến sự ra đời của vương quốc Phù Nam hùng mạnh.

 Theo huyền sử của vương quốc Phù Nam, nguồn gốc hình thành vương quốc này bắt đầu từ chuyến du hành của 1 hoàng tử từ phương xa đến, có thể là Ấn Độ hoặc Ba Tư.

Vị hoàng tử tên là Hỗn Điền (Kaundinia) vì chán cảnh gò bó, khuôn thước trong triều nội mà bỏ hoàng thành, dẫn 1 đoàn tùy tùng cả trăm người lên thuyền lênh đênh trên đại dương, rong thuyền về hướng mặt trời mọc để thỏa chí tang bồng.

Chiếc thuyền của vị hoàng tử đi lạc tới một vùng đất lạ, có nhiều hòn đảo trồi lên mặt, nhận thấy đây là chỗ tốt, nên hoàng tử dừng thuyền lập lãnh thổ riêng cho mình. Để đánh dấu sự hiện diện của mình, vị hoàng tử đã cho đoàn tùy tùng đưa pho tượng đá đem theo trên thuyền đem đặt lên bờ, đó là tượng Bà Chúa Xứ và ngọn núi Sam sau này.

Thế nhưng, vị hoàng tử và đoàn tuy tùng không hề ngờ rằng, vùng đất mà họ vừa đặt chân lên và định lấy làm lãnh thổ riêng cho mình, là vùng đất thuộc chủ quyền của 1 nữ vương xinh đẹp tên là Liễu Điệp (Lưu Yi). Một cuộc chạm trán đã diễn ra giữa đoàn tùy tùng của vị hoàng tử và những quân lính của nữ vương Lưu Yi, trước khi hoàng tử được phép yết kiến nữ vương.

Ngay trong lần yết kiến đầu tiên, vị hoàng tử từ phương xa đã làm trái tim của nữ vương Lưu Yi xinh đẹp phải rung động. Bao nhiêu vàng ngọc, báu vật đem theo trên thuyền đều được hoàng tử lấy làm sính lễ cầu hôn nữ vương.

Kết quả của cuộc hôn nhân lãng mạn này là sự ra đời của vương quốc Phù Nam, đặt thủ đô tại Lò Gò (cách thị xã Châu Đốc ngày nay khoảng 30 km về phía Tây Nam).

Vương quốc Phù Nam đã phát triển rực rỡ sau đó, trở thành quốc gia cổ đại đầu tiên ở Đông Nam Á đất liền với địa bàn phát triển chính là vùng đồng bằng sông Cửu Long của nước ta ngày nay. Vào lúc cực thịnh, vương quốc Phù Nam đã kiểm soát về phía Đông đến tận vùng đất phía Nam Trung bộ thuộc Việt Nam ngày nay, về phía Tây đến thung lũng sông Mê Nam của Thái Lan...

Phù Nam đã phát triển mạnh mẽ thương nghiệp, từ giữa thế kỷ thứ III đến thế kỷ thứ VI, vương quốc này khống chế hoạt động hàng hải ở Đông Nam Á, đem quân đi chinh phục hơn 10 vương quốc xung quanh, trong đó có cả vương quốc Chiêm Thành hùng mạnh.

Nhưng cũng chính đường lối coi nhẹ sản xuất, chỉ chú tâm mua bán và bành trướng lãnh thổ, đã tạo ra tình trạng phân hóa, chia rẻ và cát cứ, phân tán quyền lực, để rồi sau 13 đời vùa, vương quốc hùng mạnh Phù Nam đã yếu dần và suy vong vào thế kỷ thứ VII.

Bên cạnh giả thuyết cho rằng pho tượng Bà Chúa Xứ ngày nay là do vị hoàng tử Hỗn Điền chở bằng thuyền đến từ phương xa, cũng có giả thuyết cho rằng pho tượng chính là sản phẩm riêng của vương quốc Phù Nam với nền văn hóa Óc Eo nổi tiếng.

Văn hóa Óc Eo - Phù Nam được phát hiện từ cuộc khai vật đầu tiên của nhà khảo cổ học người Pháp Louis Malleret tại gò Óc Eo (xã Vọng Khê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang) vào năm 1944.

 Với những gì Luois Malleret phát hiện, cùng với những kết quả khảo cổ của các đồng nghiệp Việt Nam sau đó, đã vẽ nên một cách sống động một nền văn hóa cổ từng tồn tại và phát triển rực rỡ ở đồng bằng sông Cửu Long từ thế kỷ thứ I đến thế kỷ thứ VII sau Công Nguyên.

Nền văn hóa Óc Eo - Phù Nam đã từng biết sử dụng các công nghệ luyện kim, nấu thủy tinh, kim hoàn, chạm trổ trên đá và kim loại quý, tạc tượng…

Các di tích kiến trúc còn lại của văn hóa Óc Eo - Phù Nam là những đền thờ và mộ táng với kỹ thuật xây nền và tường gạch dày đặc theo những bình đồ còn bí ẩn. Và một trong những sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo còn lại chính là pho tượng Bà Chúa Xứ ngày nay.

Thế nhưng, các giả thuyết nói trên đã bị lung lay khi vào thập niên 1980, các nhà khảo cổ đã phát hiện ra rằng tượng Bà Chúa Xứ được tạc bằng một loại đá (có tên là sa thạch) rất lạ, không tìm thấy ở vùng Bảy Núi (Thất Sơn) cũng như cả vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Điều đó cho thấy, không có khả năng pho tượng được tạc tại chỗ (như là sản phẩm của nền văn hóa Óc Eo – Phù Nam), mà phải được đem từ phương xa tới. Điều này có vẽ hợp với giả thuyết cho rằng hoàng tử Hỗn Điền đã chở pho tượng theo tàu từ biển vào.

Thế nhưng, cũng vào thập niên 1980, các nhà khảo cổ cũng đã phát hiện một bệ đá sa thạch trên lưng chừng núi Sam (cao khoảng 100 mét) vừa khít với tư thế ngồi của pho tượng. Điều đó cho thấy pho tượng Bà Chúa Xứ từng “ngự” trên núi Sam trước khi được chuyển xuống chân núi thờ trong miếu cho đến ngày nay.

Thế nhưng, bằng cách nào mà những người “cổ đại” thời ấy có thể chuyển pho tượng nặng gần 3 tấn lên đỉnh núi? Một câu hỏi không dễ trả lời. Vì vậy mà xuất hiện giả thuyết mới về nguồn gốc pho tượng, lùi xa thêm hàng ngàn năm.

Miếu Bà Chúa Xứ.
Miếu Bà Chúa Xứ.


 Theo những nghiên cứu địa lý, phần lớn vùng đồng bằng sông Cửu Long mới được hình thành cách đây khoảng 8.000 năm. Do những biến đổi địa chất, mực nước biển đã hạ xuống vào cuối thời kỳ trầm tích Pleistocen, làm lộ ra vùng đồng bằng rộng lớn nằm 2 bên sông Mê Kông.

Thế nhưng, cho đến cách đây khoảng 5.500, mực nước biển dâng cao làm ngập hầu hết vùng đất này. Cho đến cách đây vào khoảng 5.000 năm, mực nước biển lại  hạ thấp và ổn định cho tới ngày này, làm hình thành vùng đồng bằng sông Cửu Long màu mỡ.

 Phải chăng, vào giai đoạn nước biển dâng cao ấy (cách đây khoảng 5.000 năm), núi Sam bị chìm một phần trong nước biển, chứ không cao như bây giờ. Và 1 vị hoàng tử nào đó ở phương xa đã ghé thuyền vào chân núi để đặt pho tượng nhằm đánh dấu sự hiện diện của mình. Về sau nước biển rút thấp, làm cho pho tượng nằm ở lưng chừng núi Sam.
          
Pho tượng cổ trên núi Sam

Truyền thuyết của người dân ở làng Vĩnh Tế kể rằng ngày xưa có 1một pho tượng đá lớn không ai biết từ đâu đến ngồi ngự trên lưng chừng núi Sam.

Người dân trong làng rất tin tưởng vào sự linh nghiệm của pho tượng. Họ thường xuyên đến đây đốt nhang để cầu nguyện cho cuộc sống trong làng được yên bình, không bị thú dữ tấn công, cho mưa thuận gió hòa, cho gia đình ấm êm, hạnh phúc...

Pho tượng đá trở thành chỗ dựa tinh thần của người dân ở cả một vùng rộng lớn chung quanh núi Sam. Một lần, có một cô gái trong làng “lên đồng”, đến bên pho tượng, tự xưng là Bà Chúa Xứ.

Cả làng kéo đến quỳ lạy pho tượng và cô gái “lên đồng”, từ đó mà trong tín ngưỡng dân gian đặt cho pho tượng ấy là Bà Chúa Xứ, mặc dù cho đến lúc ấy pho tượng bằng đá sa thạch này có hình dáng không thật rõ là nam hay nữ.

Cho đến cách đây khoảng 200 năm, lịch sử của pho tượng đã chuyển sang trang mới, khi tượng được chuyển từ lưng chừng núi xuống chân núi và được xây miếu thờ cúng.

Sự kiện trên gắn liền với công trình xây dựng 2 con kênh nổi tiếng nhất trong lịch sử khai khẩn đất Nam Bộ, đó là kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế, do Thoại Ngọc Hầu khởi xướng và chỉ huy thực hiện. Thoại Ngọc Hầu (1761 – 1829) tên thật là Nguyễn Văn Thoại, quê huyện Diên Phước, phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Vào cuối thời các Chúa Nguyễn, vì cuộc sống quá khó khăn, cha mẹ ông đã dắt díu đàn con rời quê hương vào làng Thới Bình, huyện Vũng Liêm, tỉnh Vĩnh Long để khai khẩn đất hoang, vốn là trào lưu đang khá thịnh hành thời bấy giờ.

Lớn lên trên vùng đất mới khẩn hoang, Nguyễn Văn Thoại như bị máu “phiêu lưu” nhiễm vào người, đã tìm thầy học võ, cùng trai làng “trừ gian diệt bạo”, đánh đuổi thú dữ để bảo vệ cuộc sống yên bình cho người dân.

Năm 1777 ông đầu quân phò tá chúa Nguyễn Ánh và lập được nhiều chiến công, được phong chức “Khâm sai Thượng đạo Bình Tây tướng quân”, tước “Thoại Ngọc Hầu”. Dưới thời vua Gia Long, ông được triều đình cử trấn nhận vùng Tây Nam Bộ.

Chính ông đã “tham mưu” lên triều đình và được chấp nhận cho thực hiện những công trình giao thông, thủy lợi vĩ đại, góp phần làm thay đổi vùng đất Nam Bộ.

Đó là 2 công trình kênh Thoại Hà và kênh Vĩnh Tế. Kênh Thoại Hà được khởi công năm 1818, gồm hàng vạn dân công người tại chỗ và người từ xứ Quảng được chiêu mộ đưa vào. Đây là tuyến kênh thoát lũ đầu tiên ở đồng bằng sông Cửu Long, giúp thoát nước lũ từ sông Hậu ra biển Tây và xả phèn cải tạo đất, đồng thời trở thành tuyến đường giao thông quan trọng trong giai đoạn chủ yếu đi lại bằng đường thủy.

Đến năm 1820, Thoại Ngọc Hầu lại cho thi công công trình thủy lợi – giao thông lớn gấp nhiều lần, đó là con kênh dài gần 100km, rộng 50m, nối Châu Đốc với Hà Tiên.

Công trình vĩ đại này do chính Thoại Ngọc Hầu thiết kế, huy động đến 8 vạn dân công gồm người dân khắp đồng bằng và từ miền Trung vào, làm ròng rã trong 5 năm (1820 - 1824) mới hoàn thành. Con kênh này đã giúp thoát lũ, xả phèn, tưới tiêu cho hàng vạn hecta ruộng, đồng thời trở thành tuyến giao thông quan trọng nhất vùng.

Cho đến ngày nay, mặc dù đã có hàng trăm công trình thủy lợi – giao thông lớn được xây dựng ở đồng bằng sông Cửu Long, nhưng kênh Vĩnh Tế vẫn là vĩ đại hơn cả, xét cả về quy mô, tầm vóc và ý nghĩa lịch sử đối với vùng đất Nam bộ.
 
Vua Minh Mạng rất hài lòng về công trình thủy lợi vĩ đại này, nên đã ban cho con kênh mang tên của người vợ cả của Thoại Ngọc Hầu là Châu Thị Tế, con kênh ngay khi ra đời đã có tên là kênh Vĩnh Tế.

Vua Minh Mạng còn cho đúc cửu đỉnh (hiện còn lưu giữ ở Huế) làm quốc bảo, trên ấy có khắc hình kênh Vĩnh Tế. Thoại Ngọc Hầu mất năm 1829, thọ 68 tuổi, được triều đình cho an táng tại chân núi Sam, nơi ông đã gắn bó lâu dài nhất là làm nên sự nghiệp của mình.

Mộ của ông cách miếu Bà Chúa Xứ chừng 100 mét, lưng dựa vào núi, nên nhân dân gọi là “Sơn Lăng”, cùng với mộ của bà Châu Thị Tế và người vợ kế, hai bên là hai hàng mộ khuyết danh của những người tùy tùng thân cận với ông.

Sử sách ghi rằng, khi Thoại Ngọc Hầu khởi sự đào còn kênh Vĩnh Tế với hơn 8 vạn dân công, ban đầu cũng gặp nhiều trục trặc, nhất là những dân công từ miền Trung xa xôi vào không quen với thổ nhưỡng vùng đất lạ, làm phát sinh bệnh chết nhiều người.

Bà Châu Thị Tế đã noi theo dân làng, hàng ngày leo lên núi, đến bên tượng Bà Chúa Xứ đốt nhang khấn vái cho chồng gặp nhiều may mắn, cho công trình đào kênh được thuận lợi.

Không biết có phải nhờ những lời khấn vái của bà Châu Thị Tế hay do ông Thoại Ngọc Hầu chồng bà đã quen dần công việc, người dân công phương xa đã chịu đựng được khí hậu nơi đây, mà công trình đào kênh tiến triển thuận lợi hơn nhiều, dân công cũng không còn chết vì bệnh như ban đầu. Năm 1824, công trình hoàn tất trong niềm vui tột độ của người dân đồng bằng và hơn 8 vạn dân công.

Để tỏ lòng biết ơn Bà Chúa Xứ đã phù hộ giúp công trình đào kênh Vĩnh Tế được thuận lợi, suôn sẻ, bà Châu Thị Tế đã cúng và “thỉnh” tượng Bà xuống chân núi để làm miếu thờ cúng cho tươm tất. Thế nhưng, hàng trăm quân lính vẫn không có cách nào làm cho pho tượng nặng khoảng 3 tấn này lay chuyển. Một bô lão trong làng nằm mộng thấy Bà mách bảo phải nhờ 9 cô gái đồng trinh mới khiêng được pho tượng.

Vậy là chỉ với 9 cô gái tay yếu chân mềm (tất cả đều đồng trinh), pho tượng đá to đã được đưa xuống núi một cách gọn nhẹ.

Một hướng giải thích khác cho rằng, chuyện “9 cô gái đồng trinh” chỉ do người đời thêu dệt thêm để cho bức tượng Bà Chúa Xứ thêm huyền bí, chứ kỳ thực là quân lính đã đưa pho tượng xuống núi theo cái cách cho lăn chứ không phải khiêng (vì làm sao khiêng nổi). Vì vậy mà pho tượng ngày nay bị gãy mất 1 tay, có thể do bị cấn gãy khi lăn xuống núi.

Ban đầu, khoảng năm 1824, miếu Bà Chúa Xứ được làm bằng vật liệu đơn giản, chủ yếu là gỗ. Đến năm 1870, ngôi miếu được xây dựng lại bằng gạch hồ ô dước, mái lợp ngói âm dương.

Gần 100 năm sau, ngôi miếu bị xuống cấp nặng, nên đến năm 1962, ngôi miếu được dân làng sửa chữa lại khang trang, bắt đầu thu hút nhiều người đến viếng. Ba năm sau, nhờ sự đóng góp của các mạnh thường quân, ngôi miếu được xây rộng ra, có nhà khách, xây hàng rào.

Đến năm 1972, ngôi miếu được làm lại phần lớn, công trình kéo dài đến năm 1976, và giữ nguyên diện mạo cho tới ngày nay. Kiến trúc của miếu Bà Chúa Xứ có hình chữ "quốc", cách điệu bông sen nở, mái lợp ngói ống màu xanh.

Cũng kể từ năm 1972, pho tượng không còn ở dạng “thô” như đã từng, mà được “trang điểm” màu sắc, trông như một người đàn bà uy nghiêm mà phúc hậu.

Trong suốt mấy chục năm chiến tranh, ngôi miếu luôn được dân làng bảo vệ an toàn, bom đạn như cũng “tránh” ngôi miếu và tượng Bà, không bị tàn phá như những vùng lân cận.
       
Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ

Theo sử sách ghi lại, từ khi tượng Bà được 9 cô gái đồng trinh khiêng xuống núi và người dân làm thiếu thờ phụng, hàng năm dân làng đều tổ chức lễ cúng bà vào tháng Tư âm lịch, dần dà trở thành lễ hội dân gian.

 Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam từ là hoạt động tự phát trong dân gian đã trở thành lễ hội cấp quốc gia từ năm 2001. Đây là một trong những lễ hội kéo dài nhất cả nước, bắt đầu từ tháng Giêng cho đến hết tháng Tư âm lịch, kéo dài gần 4 tháng.

 Vào mùa lễ hội, hàng triệu người từ khắp các vùng miền cả nước, nhiều nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM, miền Đông Nam Bộ về đây viếng Bà.

Chính những bí ẩn về pho tượng Bà Chúa Xứ, những mẩu chuyện mang tính huyền bí, linh thiêng về bà được người dân hết đời này qua đời khác truyền tụng, đã ăn sâu vào tâm thức của hàng triệu người dân đồng bằng và các vùng lân cận, làm cho lễ hội Vía Bà và khu di tích núi Sam luôn có sức hấp dẫn nhiều người.

 Họ đến đây viếng Bà quanh năm, nhưng nhiều nhất là vào mùa Vía Bà, đặc biệt đông là vào cuối tháng Tư âm lịch, khi lễ hội lên đến cao trào và chuẩn bị kết thúc.

Đó là lúc diễn ra nghi thức rước bà từ trên núi Sam về miếu, nghi thức quan trọng nhất của lễ hội, diễn ra theo hình thức sân khấu hóa rất hoành tráng. Người dân nào cũng muốn tận mắt chứng kiến, thậm chí tham dự vào lễ rước Bà.

Vào đúng 16 giờ ngày 22/4 âm lịch hàng năm, khi các nẻo đường từ thị xã Châu Đốc đến núi Sam đã chật kín người với hàng trăm ngàn người tham dự, cuộc hành trình rước Bà bắt đầu.

Mấy chục đoàn lân – sư – rồng từ khắp các tỉnh đồng bằng và TP.HCM đã tề tựu sẵn trước lăng. Hàng trăm bô lão, nghệ sĩ được ban tổ chức phân công thủ vai ông Thoại Ngọc Hầu, bà Châu Thị Tế, các trưởng làng, bô lão... thời xưa để lên núi rước Bà.

Đoàn người chưa vội “thượng sơn”, mà tập trung đến nhà bia ghi danh các anh hùng liệt sĩ, cũng là nơi phát tích làng Vĩnh Tế xưa, trước khi bắt đầu các nghi thức rước tượng Bà. Một bô lão đọc lời khấn: “Nay chúng con hội tụ về đây xin thành tâm khấn bái: Trên có trời cao, dưới có các anh hùng liệt sĩ đồng chứng giám.

 Chúng con là các bô lão phường Núi Sam, thị xã Châu Đốc, tỉnh An Giang, xin chân thành khấn nguyện: Non nước thái bình, an cư lạc nghiệp...".

Rồi cả đoàn người hô to: “Khai thủy, đăng sơn, thỉnh Thánh mẫu hồi lai”. Các đoàn lân sư rồng khai múa, nhạc lễ nổi lên vang vọng cả vùng, đoàn người tiến lên đỉnh núi Sam nơi bà “ngự” năm xưa.

Tại nơi bà từng ngồi hàng ngàn năm ngày trước, giờ vẫn còn một phiến đá trùng khớp với thế ngồi của tượng Bà.

Đoàn rước tượng phục hiện lại cảnh thỉnh tượng Bà cách đây gần 200 năm. Một bô lão đến bên tượng quỳ khấn xin thỉnh tượng xuống chân núi, sau đó các chàng trai lực lưỡng trong làng kề vai vào khiêng tượng đá.

 Thế nhưng tượng đá vẫn không hề nhúch nhích. Người bô lão tiếp tục khấn, sau đó 9 cô gái đồng trinh vào thế chỗ các chàng trai, tức thì tượng đá được nhấc lên nhẹ nhàng.

Tượng đá được 9 cô gái khiêng đi trước, cả ngàn người rồng rắn theo sau, các đoàn lân – sư – rồng lại múa, nhạc lễ vang động cả khu vực núi Sam... Lễ rước tượng Bà kết thúc vào khoảng 20 giờ, khi 9 cô gái đã đưa tượng Bà “hạ sơn” và đưa vào an vị trong miếu.

Qua thời gian, lễ Vía Bà Chúa Xứ và nghi thức rước tượng Bà ngày càng ít yếu tố mê tín, nhẹ về tâm linh, mà trở thành một lễ hội văn hóa cộng đồng. Lễ hội ngày càng hiện đại, nhưng vẫn đậm nét văn hóa dân gian, qua đó giới thiệu và sự tích Bà Chúa Xứ, để người dân tỏ lòng biết ơn những vị công thần đã có công khai phá vùng đất này.

Trong những năm qua, các hãng du lịch lữ hành ở đồng bằng sông Cửu Long, TP.HCM đã tập trung khai thác khu di tích Bà Chúa Xứ, đặc biệt là vào mùa lễ hội đầu năm. Nhờ đó, núi Sam cùng với sự tích Bà Chúa Xứ đã và đang góp phần đáng kể phát triển du lịch tỉnh An Giang nói riêng, cả đồng bằng sông Cửu Long nói chung.
 

  • Hoàng Dũng
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc