Vương Chiêu Quân (chữ Hán: 王昭君, bính âm: Wang zhào jun) là một mỹ nhân thời nhà Hán, một trong Tứ đại mỹ nhân của lịch sử Trung Quốc. Về sau do kiêng húy của Tư Mã Chiêu, nàng được đổi gọi là Minh phi (明妃).
Với sắc đẹp được ví là Lạc nhạn (落雁), câu chuyện về nàng trở thành một đề tài sáng tác phổ biển của thi ca, nghệ thuật. Vương Chiêu Quân đi vào lịch sử Trung Quốc như một người đẹp hòa bình, sự quên mình của nàng góp phần mang lại hòa bình trong 60 năm giữa nhà Hán và Hung Nô.
Nàng là một trong Hai đại mỹ nhân của lịch sử nhà Hán cùng với một mỹ nhân khác tên Triệu Phi Yến.Gã họa sĩ hèn hạ
Nàng tên thật là Vương Tường (王牆), tự là Chiêu Quân (昭君). Nàng là con gái của một gia đình thường dân ở Tỉ Quy (秭归), Nam Quận (南郡), nay là huyện Hưng Sơn, tỉnh Hồ Bắc. Vương Chiêu Quân được trời phú nhan sắc tuyệt trần và trí thông minh. Nàng thông thạo đàn tỳ bà và tứ nghệ gồm: cầm, kì, thi, họa, được tuyển vào nội cung vào khoảng sau năm 40 TCN, đời Hán Nguyên Đế. Trong thời gian ở hậu cung, Chiêu Quân chưa bao giờ được gặp mặt hoàng đế và vẫn chỉ là một Cung nữ(宮女).
Vì số phi tần trong hậu cung của Hán Nguyên Đế quá đông, nên hoàng đế ra lệnh cho họa sĩ Mao Diên Thọ (毛延壽) phải vẽ hình các cung phi để hoàng đế chọn. Các cung phi thường lo lót tiền cho họa sĩ để được vẽ cho đẹp, mong hoàng đế để ý tới. Chiêu Quân từ chối đút lót cho Mao Diên Thọ, hậu quả bức chân dung nàng thật xấu xí nên nàng không được Hán Nguyên Đế để mắt tới.
Biết sự thật thì đã quá muộn
Năm 33 trước công nguyên, vua Hung Nô là Hồ Hàn Tà cử người sang Hán xin làm thông gia. Y muốn kết hôn với công chúa nhà Hán để tăng tình hòa hiếu hai nước. Lúc này, nhà Hán suy yếu nên không muốn làm mếch lòng Hung Nô chút nào. Quân Hung Nô cũng chỉ cần mượn cớ nhà Hán khinh bạc là xuất binh tấn công biên ải ngay.
Hán Nguyên đế cũng hỏi các công chúa xem ai xung phong sang Hung Nô không thì tất cả đều khóc lóc xin ở lại. Thậm chí có công chúa còn đòi tự sát chứ quyết không muốn sang Hung Nô. Ai cũng hiểu chẳng sung sướng gì khi phải sang sống nơi đất khách quê người và làm vợ một người dị tộc già nua.
Hán Nguyên đế vốn tính trí trá nên dùng kế nhận một cung nữ làm con gái rồi phong cho chức công chúa để gả cho Hồ Hàn Tà. Trước khi chỉ định, Hán Nguyên đế cho các cung nữ tự nguyện tiến cử. Mọi cung nữ khác đều sợ nhưng Chiêu Quân thì quyết chí đi vì cõi lòng cô đã tan nát suốt 3 năm ròng ở hậu cung lạnh lẽo. Chiêu Quân muốn mượn cớ này để được gặp mặt Hán Nguyên đế và hỏi xem sao ông không đoái hoài đến mình. Nguyên đế nghe tên Chiêu Quân ứng cử thì đồng ý ngay vì ông muốn dùng cô gái có tướng sát phu này ám luôn kẻ thù là vua Hung Nô.
Đến ngày kết bái cha con, Chiêu Quân trang điểm lộng lẫy ra gặp Hán Nguyên đế. Lúc này, vua Hán như chết đứng khi thấy dung nhan của nàng. Hán Nguyên đế tự trách mình tại sao lại để một người đẹp như thế này trong cung suốt mấy năm mà không hay biết. Miếng ngon tới miệng cũng không thể nuốt được thì cục hận còn mãi trong lòng.
Chiêu Quân trên danh nghĩa khi đó trở thành con gái của Hán Nguyên đế nên vua Hán không thể làm gì. Hơn nữa, nếu để người Hung Nô biết chuyện lừa dối họ thì hậu quả khó lường. Hán thư chép rằng: “Lúc vua Hán tiễn Chiêu Quân đi thì nước mắt đầy mặt còn Chiêu Quân lã chã tuôn châu”.
Có giai thoại kể rằng: khi đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân còn viết một bức thư cho Hán Nguyên đế nhưng không biết có đàn nhạn bay về phương Nam tránh rét nghe tiếng đàn ai oán của nàng mới sà xuống. Chiêu Quân nhờ nhạn chuyển thư gửi về cho vua Hán kể rõ chân tình, đầy lẽ oán trách. Vua Hán điều tra ra sự việc và trừng phạt Mao Diên Thọ rất nặng nhưng nỗi buồn, sự day dứt đã quật ngã ông và vua băng hà cùng năm Chiêu Quân sang Hung Nô.
Cô đơn và buồn bã nơi đất khách
Sang Hồ, Chiêu Quân phải sống với vua Hung Nô là Hồ Hàn Tà đã già. Tuy Hồ Hàn Tà rất si mê Chiêu Quân và chiều chuộng nàng đủ điều nhưng về cơ bản thì hai người không hòa hợp chuyện vợ chồng. Trước hết, Hồ Hàn Tà quá già nên phong độ không thể bằng với trai tráng được. Hơn nữa, người Hung Nô do điều kiện ở phương bắc quen sống du mục, chăn nuôi nên người không được thơm tho cho lắm.
Sách Chiêu Quân truyện viết: “Cuộc sống với một ông già lười tắm không phải là hạnh phúc của thiếu nữ mới 17 như Chiêu Quân khi đó. Tuy nhiên, nàng vẫn phải cắn răng phục vụ chỉ cần sơ sẩy là ảnh hưởng đến bang giao hai nước”.
Trong 2 năm làm vợ của Hô Hàn Tà, Chiêu Quân cũng kịp 2 lần sinh cho vua Hung Nô hai đứa con. Hô Hàn Tà qua đời theo lệ của Hung Nô thì vua mới lên ngôi nạp luôn thiếp của cha và Chiêu Quân lại làm vợ của Phục Chu Luy Nhược Đề. Sự hy sinh của Chiêu Quân giúp nhà Hán được yên ổn ở phía Bắc, khỏi bị Hung Nô đánh trong 60 năm.
Năm 31 TCN, Hô Hàn Tà chết, Chiêu Quân muốn trở về Trung Quốc, nhưng Hán Thành Đế đã buộc nàng phải theo tập quán nối dây của người Hung Nô và Chiêu Quân trở thành phi tần của thiền vu tiếp theo là Phục Chu Luy Nhược Đề, con trai lớn của Hô Hàn Tà. Trong cuộc hôn nhân mới này nàng có hai người con gái.
Về cái chết của Chiêu Quân cũng có nhiều giả thuyết. Có giả thuyết cho rằng, đến Nhạn Môn Quan, Chiêu Quân gieo mình xuống sông tự vẫn. Cũng có giả thuyết khác là Chiêu Quân đến đất Hồ, nàng yêu cầu thiền vu Hồ giết chết gian thần Mao Diên Thọ, rồi sau đó nàng tìm cách tự tử, nhảy xuống sông để xác nàng theo dòng trôi trở về đất Trung Nguyên.
Sau khi chết, Chiêu Quân được táng tại "Thanh Trủng", lăng mộ hiện nay vẫn còn tại phía nam thành Hô Hòa Hạo Đặc, Nội Mông Cổ.