Lâu dần, những loại đồ dùng này sẽ gia tăng lượng vi khuẩn tích tụ, từ đó chúng sẽ xâm nhập vào người qua đường tiếp xúc, ăn uống... có thể gây nên những căn bệnh nguy hiểm. Bạn hãy chú ý đến những vật dụng sau để bảo quản và làm sạch chúng thường xuyên, đảm bảo sức khỏe cho cả gia đình.
Mút rửa bát có thể nhiễm khuẩn Ecoli gây viêm màng não
Độ ẩm và thức ăn thừa bám trên mút rửa bát là môi trường vô cùng thuận lợi cho vi khuẩn trú ngụ. Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng mút rửa bát chứa nhiều vi khuẩn nguy hiểm như khuẩn Ecoli, khuẩn Samonella, tụ cầu khuẩn… gây bệnh đường ruột, nhiễm trùng da, viêm tủy xương, viêm màng não…
Thảm lau chân
Thảm lau chân cũng là đồ vật chứa vi khuẩn, thậm chí là rất nhiều vi khuẩn trong nhà chúng ta. Do bàn chân, giày dép chúng ta tha hàng tá vi khuẩn rồi lại lau vào thảm. Nếu tấm thảm đó không được vệ sinh thường xuyên thì mỗi lần lau chân như thế lại khiến cho chân bạn bẩn thêm đấy. Đặc biệt sau đó bạn cứ vô tư tha bàn chân bẩn đó lên giường, lên đệm, ghế salông… và vi khuẩn càng có dịp phát tán khắp nơi để gây bệnh.
Hiểm họa từ những thảm lau chân bẩn đã được rất nhiều chuyên gia sức khỏe cảnh báo . Do đó, tốt nhất là bạn nên giặt thảm thường xuyên, không nên để thảm bẩn đó hàng tuần, hàng tháng trời sẽ rước họa vào thân.
Dụng cụ ăn bằng gỗ
Hiện nay có rất nhiều gia đình sử dụng các loại đồ dùng bằng gỗ như thìa, bát, đũa để ăn uống. Nếu không được vệ sinh đúng cách, những vật dụng này sẽ bị mốc và gây ra các vấn đề về tiêu hóa như đau bụng, tiêu chảy. Thêm vào đó, nấm mốc cũng là một trong những tác nhân làm hại gan.
Để tránh tình trạng này, bạn nên chú ý rửa sạch và phơi khô đồ dùng bằng gỗ sau mỗi lần sử dụng. Khi các loại đồ dùng này có dấu hiệu nứt xước, mốc hỏng thì bạn nên mua mới thay vì tiếp tục sử dụng.
Ga trải giường, ghế sofa
Đây là những vị trí mà chúng ta thoải mái nằm ngồi, ăn uống, tụ tập trong sinh hoạt hàng ngày. Chỉ cần một chút đồ ăn vương vãi cũng đã tạo môi trường lý tưởng cho các vi khuẩn sinh sôi nảy nở. Dẫn đến nguy cơ cao lây lan các bệnh về hô hấp, da liễu, phụ khoa... Đối với ga trải giường, chị em nên giặt thường xuyên mỗi tháng một lần, phơi khô dưới nắng.
Thớt
Sử dụng chung 1 cái thớt để chặt, thái thịt sống, các loại rau củ và thịt chín là cách để vi khuẩn dễ dàng hình thành và phát triển nhất. Ngay cả khi bạn đã rửa rất sạch thì vi khuẩn vẫn có thể sót và bám lại, đặc biệt là với thớt gỗ. Nguyên nhân là vi khuẩn có thể ẩn nấp và phát triển trong các vết xước, vết chặt hay kẽ nứt.
Các chuyên gia khuyến cáo mỗi gia đình nên sử dụng ít nhất là 2 bộ thớt và dao thái, dành cho thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã chín và các loại rau củ, hoa quả. Sau mỗi lần dùng thớt thì cần vệ sinh sạch sẽ, với những chiếc thớt và dao thái thịt sống thì cần tưới qua một lần nước nóng hoặc dùng chanh để chà xát.
Điện thoại
Điện thoại là vật bất ly thân được bạn tha đi khắp nơi từ phòng ngủ, nhà bếp, quán ăn, xe buýt… thậm chí mang cả vào nhà vệ sinh nên đủ loại vi khuẩn bám vào.
Các loại vi khuẩn này có thể truyền sang tay và lan sang thức ăn rồi xâm nhập vào cơ thể. Đặc biệt, vi khuẩn còn có thể xâm nhập qua da từ màn hình mỗi lần bạn nghe điện thoại dẫn đến các vấn đề kích ứng, mụn phát sinh.
Do đó, điện thoại nhìn bề ngoài tuy sạch sẽ nhưng là vật dụng bạn cần vệ sinh mỗi ngày. Tránh tình trạng vừa ăn vừa bấm điện thoại, và cũng tuyệt đối không mang điện thoại vào nhà vệ sinh để hạn chế vi khuẩn phát tán mạnh hơn bạn nhé.
Khăn mặt, khăn tắm
Khăn mặt hay khăn tắm đều là những đồ dùng để trong môi trường ẩm ướt. Nếu không thường xuyên làm sạch và phơi khô thì vi khuẩn sẽ dễ tích tụ trên các vật dụng này. Đồng thời tình trạng ẩm ướt cũng khiến các loại khăn dễ bị mốc và không hề có lợi cho da khi sử dụng. Bạn nên chú ý giặt khăn thường xuyên và phơi chúng ở những nơi khô thoáng dưới ánh nắng mặt trời. Những chiếc khăn bị ố màu hay mốc thì nên được loại bỏ để tránh gây hại cho da.
Bàn chải đánh răng
Tuy là dụng cụ làm sạch răng miệng nhưng bàn chải đánh răng lại chính là một “ổ” vi khuẩn mà bạn cần chú ý. Thói quen để bàn chải ở những nơi ẩm ướt hoặc gần phía bồn cầu sẽ khiến vi khuẩn gia tăng. Sử dụng những chiếc bàn chải này sẽ vô tình đưa hàng tá vi khuẩn vào người. Vì thế, bạn sau mỗi lần chải răng, bạn cần rửa sạch bàn chải và phơi chúng ở những nơi khô ráo, tránh xa bồn cầu và nên thay bàn chải đánh răng 3 tháng một lần.
Tủ lạnh
Bạn đừng quên trong nhà bạn còn có một vật dụng quen thuộc khác có thể thành “ổ” vi khuẩn gây hại, đó chính là tủ lạnh. Tủ lạnh là nơi lưu trữ các loại thực phẩm cần thiết. Tuy nhiên, nhiều gia đình để thực phẩm sống và thực phẩm chín gần nhau nên đây là môi trường thuận lợi để các loại vi khuẩn phát triển, gây hại đến sức khỏe. Bạn cần lưu ý không nên bỏ quá nhiều loại thực phẩm cất giữ trong tủ lạnh với thời gian dài. Đồng thời, bạn đừng quên thường xuyên lau dọn, làm sạch tủ lạnh, đặc biệt là ở phía tay cầm.
Cốc uống nước
Nhiều gia đình có thói quen sử dụng chung cốc uống nước với nhau vì vậy nếu trong nhà có người bị cảm cúm hay những bệnh truyền nhiễm khác vô tình sẽ để lại virus và lây bệnh cho những người thân xung quanh. Cách giải quyết là mỗi người nên có một cốc uống nước riêng và thường xuyên vệ sinh chúng.
Bút
Virus cúm và cảm lạnh có thể tồn tại trên các bề mặt cứng như nhựa trong nhiều giờ hoặc thậm chí nhiều ngày. Do đó, cây bút viết - đồ vật được cả gia đình sử dụng đều trở thành “điểm nóng” của virus và cần được khử trùng đúng cách.
Đáy túi/mặt dưới của ví
Đây là thứ ít khi được để ý đến nhưng hãy nhớ trong một ngày, bạn từng đặt chúng trên sàn, trên bàn ăn trong các nhà hàng, nhà vệ sinh công cộng, quầy hàng, kệ bếp,… những nơi không sạch sẽ. Vì vậy, bạn hãy lau đáy túi hoặc mặt dưới của ví để loại bỏ vi khuẩn. Ngoài ra, bạn cũng nên đổ rác hàng ngày, cho quần áo bẩn vào giỏ riêng thay vì vứt khắp nhà.