Những triệu chứng trào ngược dạ dày
Ợ nóng, nóng ngực:
Theo ý kiến của các bác sĩ thì đây là triệu chứng giúp chẩn đoán bệnh trào ngược dạ dày chính xác nhất. Ợ nóng được mô tả là cảm giác nóng rát từ dạ dày hay vùng ngực dưới, lan hướng lên cổ, có khi đến tận vùng hạ họng, mang tai, kèm theo vị chua trong miệng. Nguyên nhân là do axit trào lên gây “bỏng” niêm mạc thực quản.
Nếu bạn có triệu chứng này với tần suất ít nhất 2 ngày/tuần thì chắc chắn bạn đã mắc trào ngược dạ dày. Nhưng nếu bạn không có triệu chứng này, bạn vẫn không thể chủ quan với bệnh vì chỉ có 14 – 20% bệnh nhân trào ngược có biểu hiện này. Theo các chuyên gia tiêu hóa, các triệu chứng ợ thường tăng lên sau khi ăn no, đầy bụng khó tiêu, uống rượu, nước chua hoặc khi cúi gập người về phía trước, khi nằm nghỉ.
Những biểu hiện như đau, tức ngực:
Có đến 40 – 45% bệnh nhân trào ngược có triệu chứng này. Người bệnh bị đè ép, thắt ở ngực, xuyên ra lưng và cánh tay nên rất dễ nhầm sang bệnh về tim mạch. Thực chất hiện tượng này là đau phần thực quản đoạn qua ngực do bị axit kích thích vào đầu mút các sợi thần kinh.
Khàn giọng, đau họng, ho, hen:
Bệnh nhân trào ngược có thể là người bị suyễn, ho mạn tính hoặc bị tăng tiết đàm nhầy. Tất cả đều do tính ăn mòn của axit trong dịch dạ dày trào ngược.
Ngoài ra, còn có một số biểu hiện của bệnh trào ngược dạ dày như:
+ Ợ hơi lúc đói:
Quá trình tiêu hóa thức ăn sinh ra hơi trong dạ dày. Sau khi ăn no, dạ dày thường có phản xạ sinh lý ợ bớt hơi để giảm căng tức. Hiện tượng này cũng xảy ra khi bạn uống bia rượu, hoặc nước uống có ga... Tuy nhiên nếu bạn vẫn bị ợ hơi ở thời điểm xa bữa ăn, hay khi không uống bất cứ thứ gì – đó có thể là dấu hiệu của bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
+ Cảm giác trào ngược, buồn nôn, nôn:
Đây là nhóm triệu chứng rất phổ biến. Khi ăn quá no, hoặc nằm ngay sau khi ăn, người bệnh trào ngược có thể nhận thấy một cảm giác như thức ăn và dịch từ dạ dày đang dâng trào lên miệng. Một số khác mô tả nó giống như hiện tượng buồn nôn.
+ Nhiều nước bọt:
Tiết nhiều nước bọt cũng là một triệu chứng đáng chú ý của bệnh trào ngược. Đây là một dạng phản xạ bảo vệ của cơ thể, tăng tiết nước bọt có tính kiềm để rửa trôi và trung hòa bớt axit trào ngược lên.
+ Khó nuốt, nuốt đau:
Niêm mạc thực quản bị axit làm cho phù nề, loét hay chít hẹp đều gây ra hiện tượng khó nuốt, đau khi nuốt.
Một số lời khuyên về chế độ ăn uống
Có rất nhiều các nghiên cứu cho thấy có mối liên hệ giữa chế độ ăn uống của bệnh nhân với triệu chứng của họ. Vì thế, thay đổi chế độ ăn uống và lối sống có thể là một sự hỗ trợ tốt cho điều trị căn bệnh này.
Nghiên cứu cho thấy, có một số thực phẩm có thể làm trầm trọng thêm các triệu chứng trào ngược bao gồm: Những loại thịt đỏ giàu cholesterol và acid béo; thực phẩm giàu chất béo, giàu canxi như sữa, thịt, các sản phẩm từ sữa (phomat, bơ); muối với số lượng cao. Ngoài ra còn có các loại thực phẩm khác nên tránh như: sôcôla, thảo dược, gia vị chứa tinh dầu (bạc hà), đồ uống có ga, đồ uống có tính acid như nước chanh, nước cam, cà phê, thực phẩm có tính acid như sốt cà chua.
Tuy nhiên, lại có những loại thực phẩm có thể cải thiện tình trạng trào ngược, bao gồm: cá ngừ, cá hồi, hạt điều, hạt hạnh nhân, đậu (những thực phẩm cung cấp protein chứa ít cholesterol), ngũ cốc, dâu, táo, dưa hấu, đào, trứng. Các thức ăn giàu chất xơ cũng tốt cho người bệnh trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài những thay đổi chế độ ăn uống, một kế hoạch điều trị tổng thể liên quan đến những cân nhắc khác. Đối với nhiều vấn đề tiêu hóa, việc khôi phục lại sự cân bằng cho hệ vi khuẩn trong ruột với sự trợ giúp của các loại thực phẩm lên men có thể giúp đạt được điều này. Thay đổi lối sống để tạo nên một lối sống lành mạnh như thể dục, giảm cân, ăn, ngủ đúng giờ, điều độ, kê cao gối khi ngủ, không sử dụng rượu bia, thuốc lá sẽ giúp người bệnh trào ngược dạ dày thực quản sớm khỏi bệnh.