(Đời sống) Bộ Công an quyết xóa sổ những con đường mang tên "cam dai bay" để giúp đường phố, bến xe sẽ trong sạch hơn thực hiện ước mơ biến môi trường Việt Nam thành bản sao của Singapore.
Dự thảo Nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Công an đang lấy ý kiến người dân có quy định phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 300.000 đồng đối với một trong những hành vi tiểu tiện, đại tiện ở đường phố, trên các lối đi chung ở khu công cộng và khu dân cư.
Đây thực sự là một quy định bổ ích nhằm giúp người Việt xóa bỏ nỗi ám ảnh về những con đường mang tên độc nhất thế giới mà trong quỹ tên đường không có đó là "cấm đái bậy". Thực trạng nạn đái bậy ở nước ta khiến người nước ngoài cũng phải sợ.
Chuyện kể có một anh chàng tây ba lô sang Việt Nam du lịch. Một buổi chiều nọ anh lang thang trên con đường Trần Quang Khải. Anh thấy lạ khi những bức tường, chân cột điện mấy người xe ôm cứ tự nhiên vào đó xả khiến chiếc chân cột điện bị ăn mòn. Không những thế, mùi hương nồng nặc tỏa ra khiến người khách tây này lạ lắm.
Khi đến một góc khuất sâu sau ngõ Nhà Thờ, anh nhìn thấy đôi trai gái đứng ở một góc rất khuất để hôn nhau. Người khách thấy lạ tự hỏi "tại sao ở Việt nam con người ta lạ thật. Cái hôn đẹp như thế mà họ cho vào sâu bên trong ngõ ngách còn đái bậy xấu hổ lắm họ lại vô tư làm ở nơi đông người". Câu chuyện của người khách tây này không phải hiếm gặp.
Sẽ lắp camera phạt đái bậy |
Trước đây, đã có một vài văn bản quy định hình phạt đối với hành vi đái bậy. Tuy nhiên đến nay vẫn chưa có một báo cáo nào thông báo kết quả xử lý được bao nhiêu đối tượng mắc bệnh 'đái đường'. Có lẽ, căn bệnh này nó cũng khó chữa như tiểu đường tuyp 2 vậy. Chính vì thế, Bộ Công an cũng muốn ra tay giúp các cơ quan khác cải thiện vi cảnh đường phố Việt Nam.
Nhưng đây là một quy định khó khả thi và thiếu thực tế. Bởi Việt Nam có biết bao con đường gánh thêm chiếc biển cấm đái bậy. Không chỉ đường mà bến xe, nhà ga, ngõ ngách, cột điện nhiều khi cũng trở thành nơi "giải quyết nỗi buồn". Với người Việt ta không quan trọng chỗ đái bậy mà quan trọng là buồn tiểu ở chỗ nào.
Đặt trường hợp quy định này đi vào thực tế thật thì Bộ Công an sẽ làm thế nào để có thể thu được khoản phí này? Khoản này xem ra cũng lớn lắm. Phải chăng, chúng ta nên đề xuất Bộ Công an sắm thêm thiết bị camera ở những điểm nóng về đái bậy để ghi hình và bắt phạt những người vi phạm. Biện pháp này được xem là khả thi nhất. Bởi nếu ra bắt trực tiếp thì hơi nhạy cảm vì lúc đó người ta đang sung sướng dở không lẽ bắt giữa chừng sẽ nhiều người mắc thêm bệnh thận. Thôi thì ta cứ theo dõi camera và bắt sau cũng chưa muộn. Hình ảnh đó ít người cãi lại được lắm.
Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này, Bộ Công an cũng khó nhằn vì người Việt mình cũng hay có tính tắt mắt. Đồ để trong nhà người ta còn không ngần ngại cắt khóa lấy trộm huống chi camera cài giữa phố. Lúc này, sẽ phải mất thêm một lực lượng nhân công để trông nom và chăm sóc camera kẻo bị kẻ gian lấy trộm cũng như người vi phạm tức giận tháo gỡ camera.
Xem ra, để đầu tư hệ thống camera trên các tỉnh thành xong thu lại từ khoản phí phạt đái bậy này cũng khá mạo hiểm.
- Ngọc Yến