(Đời sống) - Chiều 16/7, Bộ GD&ĐT công bố thông tư 28, trong đó bãi bỏ diện ưu tiên cộng 2 điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945.
12 ngày sau khi công bố quyết định cộng điểm cho mẹ Việt Nam anh hùng dự thi đại học, Bộ trưởng GD&ĐT Phạm Vũ Luận ban hành thông tư bãi bỏ ưu tiên này. Theo đó, bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 sẽ không thuộc diện đối tượng ưu tiên được cộng 2 điểm khi dự thi đại học nữa. Thông tư 28 có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30/8.
Trước đó, Bộ GD&ĐT vừa ban hành thông tư 24 sửa đổi, bổ sung đối tượng ưu tiên của Quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy. Theo đó, sẽ bổ sung đối tượng 03 (được cộng 2 điểm) đối với bà mẹ Việt Nam anh hùng, người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ ngày 1/1/1945 đến ngày khởi nghĩa tháng Tám năm 1945, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hoá học, người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù, đày, người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc và làm nghĩa vụ quốc tế, người có công giúp đỡ cách mạng.
Bộ GD&ĐT đã nhanh chóng thu hồi thông tư bị "ném đá" dù trước đó đã một mực bảo vệ |
Khi thông tư này được thông báo, dư luận bắt đầu phản đối cho rằng quy định này thiếu thực tế. Một quy định không được tính toán bởi chỉ tính phép cộng thông thường thì nếu bà mẹ Việt Nam anh hùng hoạt động trước và trong cách mạng tháng 8/1945 còn sống thì bây giờ cũng gần 80 tuổi.
Tuy nhiên, Thứ trưởng Giáo dục Bùi Văn Ga trần tình rằng, việc cộng điểm thi đại học cho mẹ Việt Nam anh hùng thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn, tinh thần trách nhiệm của xã hội đối với những người có công. Nghị định này đã quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó giao Bộ Giáo dục "Hướng dẫn thực hiện việc ưu tiên trong tuyển sinh, đào tạo đối với người có công với cách mạng và con của họ tại các cơ sở thuộc hệ thống giáo dục quốc dân".
Chính sách của Bộ GD&ĐT ban hành thể hiện đạo lý uống nước nhớ nguồn nhưng đối tượng thụ hưởng chính sách này lại đã ở tuổi 'sắp rụng về cội'. Chính vì thế trước áp lực của dư luận, Bộ này đã nhanh chóng cắt bỏ quy định thiếu tính thực tế này.
Lật lại những quy định, quy tắc vấp phải sự "ném đá" của người dân thì đây có lẽ được xem như một quy định "đánh nhanh rút nhanh" nhất trong lịch sử soạn thảo văn bản hành chính bởi từ khi ban hành đến khi thu lại chưa đầy 2 tuần (12 ngày). Như thế cũng phần nào thể hiện đặc điểm của Bộ GD&ĐT là bộ mang sứ mệnh "trồng người" nên việc hiểu người bao giờ cũng phải đi đầu so với các bộ ngành khác.
Mới đây nhất là dự thảo quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình của Bộ Công an ban hành lấy ý kiến người dân. Quy định cũng vấp phải sự phản đối của người dân vì tính thiếu thực tế của quy định. Tuy nhiên, cũng phải mất cả tháng Bộ Công an mới thay đổi sửa chữa được dự thảo này và đến nay dự thảo vẫn tiếp tục hứng... đá của dư luận.
Trước đó, nhiều quy định như cấm bán thịt sau 8 giờ khi giết mổ của Bộ NN&PTNT, quy định cấm những người cao dưới 1m45, vòng ngực trung bình dưới 72cm, nặng dưới 40 kg lái xe máy trên 50 phân khối của Bộ Y tế cũng phải gỡ bỏ nhưng thời gian đắn đo và suy tính của những bộ này rất lâu trước sức phản kháng mạnh mẽ từ dư luận.
Những kiểu quy định như này đã làm ‘nóng’ các diễn đàn và blog, với nhiều giả định hài hước như chuyện cảnh sát giao thông sẽ phải kè kè thước đo bên người, sẵn sàng ‘kiểm định’ các cô gái đi xe máy. Người mua thịt sẽ phải trưng thêm giấy thông báo giờ "hóa kiếp" cho lợn... Xét tất cả các quy định đã ban hành, Bộ GD&ĐT xứng đáng được khen bởi biết lắng nghe và hiểu dư luận. Nói phải củ cải cũng nghe nữa là Bộ GD&ĐT.
- PV