Bộ Giáo dục thấu hiểu nỗi lòng dân nghèo

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Đối với các Sở GD-ĐT, việc may mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng nhà trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh.

Thông tin trên báo Thanh niên cho hay ngày 9/9, Bộ GD&ĐT vừa có văn bản về việc chỉ đạo và triển khai việc mặc đồng phục của học sinh, sinh viên năm học 2013-2014.

Đối với các Sở GD&ĐT, việc may mặc đồng phục trong nhà trường phổ thông phải được sự đồng ý của hội đồng nhà trường và thống nhất với ban đại diện cha mẹ học sinh.

Đối với học sinh phổ thông, không bắt buộc phải mặc đồng phục hằng ngày đến trường. Ở những nơi có điều kiện và ban đại diện cha mẹ học sinh đề nghị thì chỉ cần quy định học sinh mặc đồng phục một buổi/tuần vào ngày phù hợp.

Mẫu đồng phục của nhà trường phải đơn giản, phù hợp lứa tuổi, ổn định, dễ tìm mua hoặc may và phải phù hợp với quy định. Nhà trường tạo điều kiện thuận lợi, cho phép gia đình học sinh tự mua sắm đồng phục học sinh theo mẫu của nhà trường.

Tuyệt đối, không tự ý thay đổi mẫu đồng phục, nếu có thay đổi cần báo trước, được sự đồng thuận của phụ huynh trong trường; không bắt buộc học sinh may đồng phục mới vào đầu năm học.

Đối với các trường đại học, học viện, cao đẳng, TCCN, không bắt buộc học sinh, sinh viên phải mặc đồng phục khi đến trường. Nhà trường ban hành quy định cụ thể về trang phục của học sinh, sinh viên khi đến trường, đảm bảo sự nghiêm túc của môi trường giáo dục nhưng không gò bó, gây khó khăn cho học sinh, sinh viên.

Trước quyết định trên của Bộ GD&ĐT, dư luận tỏ ra vui vì Bộ GD &ĐT đã nói được lòng của người dân. Ơn của Bộ GD & ĐT lại in sâu thêm trong lòng người dân nhất là những người dân nghèo đang ngày đêm khốn khổ với các quy định của nhà trường và đồng phục học sinh.

Bộ đồng phục học sinh gây sốt dư luận của trường Văn Bình, Hà Nội

Cách đây không lâu, khi chuẩn bị cho còn vào năm học mới, hàng chục phụ huynh, học sinh Trường THPT Vị Thủy - Phân hiệu Vĩnh Thuận Tây (xã Vĩnh Thuận Tây, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang) rất bức xúc vì con em họ bị giáo viên tịch thu, cắt dép; trong số đó, nhiều học sinh thuộc diện gia đình nghèo, khó khăn.

Hành động cắt dép của thầy giáo là vì các em học sinh phải mang đồng phục giầy đi học mà gia đình nghèo nên các em chỉ biết xỏ những đôi dép lê cũ kỹ.

Mặc dù nhà trường đã kỷ luật giáo viên  nhưng các em học sinh cũng bị một vết thương trong tâm lý về một môi trường giáo dục không tròn trịa.

Hay như trường hợp của Trường tiểu học Văn Bình (xã Văn Bình, H.Thường Tín, Hà Nội) may đồng phục vest kiểu Hàn Quốc cho học sinh đẹp như chú rể với mức chi phí hơn 600 nghìn đồng làm dư luận được phen mắt tròn mắt dẹt vì Việt Nam nghèo mà ăn chơi chẳng kém gì bạn bè quốc tế. Mặc dù, việc gây sốc của trường Văn Bình đã bỏ nhưng cũng khiến nhiều bậc phụ huynh được phen lao đao. Nhất là dịp năm học mới vừa bắt đầu, các chương trình đóng tiền may đồng phục của các trường đang chuẩn bị rục rịch. Thông báo này một phần nào giảm áp lực chi phí cho phụ huynh học sinh vào đầu năm học mới.

Sau quy định này của Bộ GD&ĐT nhiều bậc phụ huynh đã thầm cảm ơn Bộ GD &ĐT đã kịp thời cứu dân nếu không thì nhiều người còn ngắc ngoải trong khoản lương eo hẹp chống chọi với nạn đồng phục học sinh.

 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn