Bò tót quý ở sân bay Phú Bài chết vì... stress

16:06, Thứ tư 25/07/2012

( PHUNUTODAY ) - "Họ đã dùng cách tốt nhất để xử lý con bò chứ các anh nói dùng thuốc mà gây hại đến con bò thì không phải và hơi quá", Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế.

Sáng 25/7, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã có thông cáo về việc con bò tót lạc vào sân bay Phú Bài (Huế) bị chết ngay sau khi gây mê khoảng một giờ. Dư luận đặt câu hỏi bò tót chết do gây mê không đúng hay do suy kiệt?
[links()]
Sau cái chết của con bò tót, Chi cục Kiểm lâm Thừa Thiên - Huế đã mời Công an TX Hương Thủy và Chi cục Thú y Thừa Thiên - Huế cùng các chuyên gia lập hội đồng khám nghiệm để xác định nguyên nhân.

Theo kết luận của hội đồng này, nguyên nhân được xác định là do con bò tót thuộc loài vật hoang dã, rất mẫn cảm với các nhiễu loạn môi trường sống, bị lạc đàn, nhiều ngày phải sống trong sinh cảnh hoàn toàn không phù hợp nên đã suy kiệt rất nghiêm trọng.

Đặc biệt, bò tót là loài rất háo nước, khả năng nhịn nước rất kém, nhất là các con trưởng thành có trọng lượng cơ thể lớn như con bò tót này.

Trong khi đó, khu vực sân bay thiếu nguồn nước, nhiệt độ ngoài trời cao, thời tiết trong thời điểm cứu hộ rất hanh khô, bêtông sân bay hấp thu nhiệt khiến khu vực sân bay càng nóng nhiều hơn; thiếu thức ăn lại bị truy đuổi, không được nghỉ ngơi, bò tót bị stress nghiêm trọng do tiếng ồn của động cơ và có nhiều người hiếu kỳ đứng xem xung quanh hàng rào sân bay, nên khả năng suy kiệt của con vật càng nghiêm trọng hơn.

Các chuyên gia dùng lưới bắt bò
Các chuyên gia dùng lưới bắt bò

Theo kết quả khám nghiệm gồm các chuyên gia, Công an thị xã Hương Thủy, Chi cục Thú y tỉnh Thừa Thiên – Huế, bệnh lý của con bò tót sau khi chết như sau: Phía ngoài da không có vết tích, bụng hơi chướng; dưới da không bị xung huyết; phổi, khí quản có xung huyết; tim xuất huyết và tụ huyết ở cơ tim, vành mở cơ tim; gan, mật bị sưng; ruột non và ruột già xuất huyết và có máu ở bên trong; mạch tràng treo ruột sưng; manh tràng có xuất huyết và trực tràng bị xuất huyết nặng.

Về cái chết của con vật này, ông Nguyễn Viết Hoạch, Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Thừa Thiên – Huế, cho rằng đây là sự việc rất đáng tiếc, ngoài mong muốn.

Ông Hoạch cho rằng lực lượng cứu hộ và cơ quan chức năng đã lựa chọn phương án tối ưu nhất, đã làm hết sức, đúng quy trình nhằm cứu sống con vật này nhưng lực bất tòng tâm.

Còn khả năng con bò bị kiệt sức rồi chết vì lý do chính là tiêm thuốc quá liều, ông Hoạch cho rằng phải chờ kết luận cuối cùng từ việc xét nghiệm của cơ quan thú y.

Hiện cơ quan chức năng tỉnh Thừa Thiên – Huế đã tiến hành đập nát mật bò tót, đồng thời tiến hành chôn cất toàn bộ con bò, riêng phần sọ đã giao cho Đại học Khoa học Huế xử lý tiêu bản làm mẫu vật bảo tàng thiên nhiên.

Khi nhiều báo dẫn thông tin từ lãnh đạo thị xã Hương Thủy đi cùng đoàn kiểm lâm, cứu hộ cho rằng đã có tới 12 mũi tiêm thuốc mê cho con bò tót, ông Nguyễn Viết Hoạch nói "không nhớ rõ. Chúng tôi đã mời chuyên gia về làm, chuyên gia có quyền quyết định về mọi việc như thế nào. Họ yêu cầu chúng tôi làm gì thì chúng tôi theo. Chúng tôi có phải chuyên gia đâu".

Tên của các loại thuốc như thế nào chúng tôi sẽ thông tin đến báo sau để thấy sự cẩn trọng của công tác cứu hộ. Nói tiêm thuốc nhiều là không đúng vấn đề.

Các anh thấy họ (các chuyên gia - PV) đã dùng lưới bao bọc con bò lại cẩn thận sau khi bắn những mũi thuốc đầu tiên (sau lúc bị bọc lưới và tiêm thuốc trợ lực để cho bò khỏe lại thì bò đã vùng chạy, chuyên gia đã bắn tiếp thuốc mê thì một lúc sau bò mới ngã xuống hoàn toàn- PV). Họ đã dùng cách tốt nhất để xử lý con bò chứ các anh nói dùng thuốc mà gây hại đến con bò thì không phải và hơi quá".

Hình ảnh: Công an, quân đội vây sân bay Phú Bài tìm bò tót

 

  • Minh Minh (Tổng hợp)
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc