Công dụng của cà chua
Theo Đông y, cà chua có tác dụng thanh nhiệt, tiêu thực, chỉ khát, kiện vị. Thường được dùng trong các trường hợp như sốt, nóng, mất nước, thiếu máu, huyết áp cao, thậm chí là suy nhược cơ thể.
Lượng nước trong cà chua chiếm đến 94%, tương đương như dưa hấu; hàm lượng vitamin A và C cao, lượng đường thấp nên rất thích hợp với bệnh nhân tiểu đường hoặc béo phì.
Không chỉ vậy gần đây, một nghiên cứu đã phát hiện trong cà chua có các yếu tố chống ung thư và chống lão suy (glutathione...); giúp giảm cholesterol trong máu và hạ huyết áp đối với những người mắc bệnh huyết áp cao.
Một số món ăn "thuốc" làm từ cà chua
- Canh bí đao cà chua: bí đao 250g, cà chua 200g, hành 10g, thêm gia vị nấu canh ăn. Dùng tốt cho người tỳ vị hư, ăn kém, đầy bụng, trướng hơi, phù thận, tiểu ít, tiểu rắt.
- Canh gan lợn cà chua: cà chua 250g, gan lợn 100g, thêm gia vị nấu canh. Thích hợp cho người thiếu máu, quáng gà giảm thị lực.
- Canh trứng gà cà chua: cà chua 250g, trứng gà 2 quả, nấu canh hoặc xào nước. Dùng tốt cho người suy nhược cơ thể sau bệnh dài ngày, ăn uống kém.
- Cà chua ướp đường: cà chua chín 250g, rửa sạch thái lát, rắc đường trắng để khoảng 30 phút, hoặc để tủ lạnh càng tốt. Dùng làm món ăn giải khát giải nhiệt mùa hè.
- Nước ép dưa hấu cà chua: cà chua, dưa hấu, liều lượng tuỳ ý, ép riêng từng thứ lấy nước, trộn đều uống. Dùng làm nước giải khát mùa hè, giúp ăn ngon miệng.
Trị mụn trứng cá, vết côn trùng đốt hoặc cắn từ cà chua
- Chữa trứng cá: cắt lát cà chua chấm vào chỗ trứng cá; ngày hôm sau chấm lại bằng lá chút chít. Mỗi lần chấm giữ lâu khoảng nửa giờ, sau đó rửa bằng nước sạch và mát.
- Côn trùng đốt: vò lá cà chua xát vào chỗ côn trùng cắn
Lưu ý: người tỳ vị hư hàn, tiêu chảy không nên ăn cà chua sống. Đặc biệt không nên sử dụng cà chua xanh vì có hàm lượng tomatin cao, có độc tính.