Bộ y tế trình Thủ tướng đề án cảnh báo nhanh

09:45, Thứ ba 21/06/2011

( PHUNUTODAY ) - GS.TS Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục An toàn vệ sinh thực phẩm trả lời báo chí về vấn đề nhiều thực phẩm bị nhiễm độc tố DEHP trong thời gian vừa qua.

thực phẩm trả lời báo chí về vấn đề nhiều thực phẩm bị nhiễm độc tố DEHP trong thời gian vừa qua.

Hôm qua (20/6), Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm Nguyễn Công Khẩn đã có cuộc trao đổi với phóng viên báo chí xoay quanh vấn đề các thực phẩm trong và ngoài nước nhiễm độc tố DEHP trong thời gian vừa qua.

Mô tả ảnh.
GS.TS Nguyễn Công Khẩn - Cục trưởng cục An toàn vệ sinh thực phẩm

PV: - Thưa ông, DEHP là chất gì và ảnh hưởng sức khỏe của nó thế nào? 
 
GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - DEHP là tên viết tắt của diethyl hexyl phtalate - một chất hữu cơ. Công thức hóa học của DEHP là C6H4(C8H17COO)2. DEHP là chất lỏng không màu, không mùi, chỉ tan trong dầu, không tan trong nước nên tạo đục trong sản phẩm chứa nước. Nhiều hoá chất khác có cấu trúc tương tự DEHP tạo thành nhóm các dẫn chất phtalate như: monobutyl phtalate (MBP), dibutyl phtalate (DBP), benzylbutyl phtalate (BZBP), monomethyl phtalate (MMP)…
 
DEHP được sử dụng rộng rãi trong công nghiệp nhựa để tạo độ dẻo. Các loại nhựa, chất dẻo để sản xuất đồ dùng giả da, áo mưa, giày dép, bao bì nhựa; DEHP còn được dùng như chất lỏng thủy lực và chất cách điện.
 
Tác hại DEHP với sức khỏe phụ thuộc vào mức độ chất DEHP đưa vào cơ thể. Khi nhiễm cấp tính với liều lượng 5-10g có thể gây ức chế hệ tiêu hóa ở người. Trên động vật thí nghiệm gây nhiễm liều cao qua đường tiêu hóa tác động xấu lên gan, thận và tăng trưởng. Khi nhiễm DEHP ở liều nhất định và kéo dài có thể gây tăng sinh tế bào gan, phổi ở động vật thí nghiệm; gây dị tật bẩm sinh; giảm khả năng sinh sản, ảnh hưởng đến thụ thai, teo tinh hoàn; làm xáo trộn nội tiết gây dậy thì sớm trước tuổi. Tuy chưa có các minh chứng cụ thể nhưng một số nghiên cứu còn cho thấy DEHP có thể là một chất có nguy cơ ung thư.
 
DEHP là chất không được phép đưa vào thực phẩm. DEHP có thể ô nhiễm từ không khí, môi trường, bao gói song ở giới hạn thấp, không nguy hại cho sức khỏe.
 
PV: - Thưa ông, lý do gì mà nhà sản xuất lại sử dụng chất này trong thực phẩm
 
GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - Tháng 5/2011, tại Đài Loan, Công ty phụ gia thực phẩm Dục Thân có trụ sở tại Đài Bắc đã bị phanh phui do đưa chất DEHP trái phép vào trong phụ gia tạo đục. Sản phẩm này đã được xuất khẩu sang nhiều quốc gia. Đồng thời chất tạo đục có chứa DEHP đã được dùng trong sản xuất các loại nước giải khát, nước ép hoa quả tại Đài Loan.
 
Nhà sản xuất gian dối dựa vào đặc tính tạo đục của chất này để tăng độ huyền phù, giữ hương vị và màu thay vì phải dùng tinh chất dầu cọ hoặc dầu mè vốn đắt hơn nhiều lần. Đây là hành vi gian dối có chủ đích.
 
PV: - Hiện nay đã có gần bốn chục sản phẩm thực phẩm chứa chất DEHP đã được thu hồi, các sản phẩm này đều có sử dụng chất phụ gia có xuất xứ từ Đài loan, ông có thể cho biết, cục VSATTP có còn tiếp tục rà soát hay không? 
 
 GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - Đến nay đã có gần 40 sản phẩm thực phẩm có chất DEHP bị thu hồi. Các sản phẩm trên đều liên quan tới sử dụng chất phụ gia tạo đục xuất xứ từ Đài loan đã được mạng lưới INFOSAN và cơ quan y tế Đài loan. Phía INFOSAN và Đài loan cảnh báo và xác nhận. Đây là đợt truy xuất nguồn gốc nhanh chóng và phối hợp chặt chẽ nhất với phía Bạn từ trước tới nay. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi thông tin và cập nhật việc truy xuất nguồn gốc. Trong thời gian tới, Cục an toàn vệ sinh thực phẩm sẽ đề xuất việc đưa DEHP là chỉ tiêu theo dõi đối với phụ gia thực phẩm và một số mặt hàng có sử dụng phụ gia tạo đục và thực hiện kiểm tra chặt đối với hàng nhập khẩu. Do đó, việc giám sát vẫn sẽ tiếp tục. 
 
PV:- Sau Melamine chúng ta lại phát hiện chất DEHP, tuy nhiên việc phát hiện này đều do các nước thông báo cho chúng ta sau khi họ phát hiện ra ở nước họ. Vậy vấn đề ở đây là gì?
 
 GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - Melamine là chất mà nhà sản xuất Tam  Lộc ở Trung quốc gian dối đưa vào sữa để tăng giả độ đạm, DEHP là chất mà nhà sản xuất Dục thân ở Đài loan gian dối đưa vào phụ gia để giảm giá thành. Các sự cố trên xuất phát từ nước ngoài như chúng ta đã biết. Việt nam ngày càng hội nhập kinh tế sâu với Thế giới và khu vực. Hội nhập WTO đặt ra tất yếu các giao lưu thương mại, trong đó có thực phẩm. Hơn nữa, thực phẩm lưu thông trên thị trường thế giới qua công nghệ chế biến ngày càng phổ biến.
 
Tuy nhiên, điều này không có nghĩa là các gian dối, gian lận thương mại không xảy ra. Hàng tuần các bạn đã nhận thấy các thông tin này. Rõ ràng là cảnh báo chủ động của chúng ta còn hạn chế. Bộ Y tế đang chuẩn bị Đề án cảnh báo nhanh trình Thủ tướng sắp tới cũng không ngoài mục đích này. Mặt khác, trong bối cảnh chung về an toàn thực phẩm toàn cầu, hệ thống thu hồi, hệ thống truy xuất nguồn gốc cần được xây dựng, củng cố nhằm nhanh chóng loại trừ các de dọa mất ATTP trong tình trạng khẩn cấp ở các quốc gia có lưu thông buôn bán thực phẩm với nước ta.
 
PV: - Theo ông các sản phẩm thực phẩm không sử dụng chất phụ gia có xuất xứ từ Đài loan thì người tiêu dùng có yên tâm không?
 
GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - Đến thời điểm này có thể yên tâm. Chúng tôi đã cho khảo sát trên thị trường các sản phẩm thạch, nước giải khát của một số nhà sản xuất trong nước không dùng phụ gia có xuất xứ từ Đài loan thì chưa phát hiện có chứa DEHP. Chúng tôi đã cho công bố thông tin rộng rãi trên các báo và trang thông tin của Cục để người tiêu dùng yên tâm. Chúng tôi vẩn tiếp tục giám sát và liên tục cập nhật thông tin về vấn đề này.
 
PV: - Ông có những khuyến cáo gì đối với người dân về các hiểu biết an toàn vệ sinh thực phẩm trong khi nhiều sự cố khó lường có thể xảy ra? 
 
 GS.TS. Nguyễn Công Khẩn: - Người dân không những cần phải nắm được các hướng dẫn thông thường (nhãn mác) thực phẩm mà còn phải nắm chính xác các thông tin cảnh báo của các nhà chức trách về các đe dọa đối với an toàn thực phẩm. Trong tương lai, các cảnh báo có thể sẽ ngày càng nhiều và khó lường. Vì vậy, trong giai đoạn có yêu cầu chú ý đặc biệt đối với người tiêu dùng như “truy xuất nguồn gốc sản phẩm, “thu hồi sản phẩm” thì các cơ quan báo chí, truyền thông cần đưa tin đúng mức, chính xác, đúng các thông điệp mà các nhà quản lý đưa ra để giải quyết các sự cố khẩn cấp vế ATTP, tránh các thông tin, bình luận tạo tâm lý nghi ngờ, dễ hoang mang và cản trở hiệu quả của các giải pháp giải quyết. Đây là các giai đoạn “truyền thông nguy cơ”.
 
Người tiêu dùng cần tiếp nhận thông tin có chọn lọc, chính xác và có sự phối hợp nhanh chóng của các doanh nghiệp, các đại lý phân phối trong việc thu hồi sản phẩm, truy xuất nguồn gốc các sản phẩm có nguy cơ mất an toàn như vụ việc thực phẩm có sử dụng chất tạo đục nhiễm DEHP xuất xứ từ Đài loan đang được giải quyết. Đây là một ví dụ về thực hiện quản lý an toàn thực phẩm trong trường hợp xảy ra sự cố khẩn cấp. 
 
Xin cảm ơn ông! 
  • Duyên Duyên
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc