Chưa đầy một tháng, hai cái tang chồng chất trong căn nhà nhỏ, mẹ theo cha chết đi, hai anh em cậu bé mới vào học lớp 9 ôm nhau run rẩy, trên đầu vành tang trắng phất phơ bay… còn nỗi đau nào hơn thế? Tương lai nào cho hai đứa trẻ mồ côi tuyệt vọng ấy?
Chuyện buồn của ngôi nhà nhỏ
Chúng tôi theo con đường nhựa mới làm đến Trung tâm xã Tam An (Phú Ninh, Quảng Nam) để hỏi thăm đường vào thôn An Hòa, nơi hai anh em mồ côi vừa phải chịu tang cha chưa đầy một tháng, đã lại phải chịu thêm cái tang mẹ.
Hai anh em cậu bé Võ Chí Trung (14 tuổi) ôm nhau đứng lặng bên hiên nhà. Trong dòng nước mắt chảy dài trên khuôn mặt ngây thơ tội nghiệp của hai đứa trẻ, chị Nguyễn Thị Yến (dì ruột của Trung) bắt đầu kể cho chúng tôi nghe câu chuyện đau lòng ấy…
Ông Võ Tấn Trưng (54 tuổi), là thương binh hạng 2/4. Trước đây ông Trưng từng tham gia quân ngũ, tưng bị thương trên đầu nên não bị chấn thương. Nhưng do gia cảnh nghèo khó nên ông Trưng cứ để bệnh vậy mà không chạy chữa gì.
Đến năm hơn 40 tuổi, ông mới gặp và kết hôn cùng với bà Nguyễn Thị Nhạn (46 tuổi) trong hoàn cảnh kinh tế vô cùng khó khăn.
Hai anh em cậu bé Trung bên ban thờ cha mẹ |
Chị Yến cho biết, hai bên gia đình nội ngoại ở xa, vả lại cũng đều khó khăn cả nên sự giúp đỡ cũng không được nhiều. Thời gian gần đây ông Trưng thấy đau nhức khắp người, đi khám bệnh mới phát hiện bị ung thư gan giai đoạn cuối.
Thấy chồng thường xuyên đau nhức, bà Nhạn cắn răng bán hết đồ đạc trong nhà lấy tiền cho chồng đi chạy chữa. Nhưng căn bệnh ung thư gan quái ác đã quật ngã người thương binh ấy.
Ngày đưa tang cha, hai đứa trẻ cứ ôm mẹ khóc không thành tiếng vì người cha, người chồng, người trụ cột trong gia đình đã mất. Chị Yến kể thêm: “Cả nhà chỉ trông chờ vào số tiền trợ cấp thương tật hàng tháng của anh rể tui. Chị tui thì sức khỏe yếu, cũng bệnh tật nên cũng chẳng làm lụng gì được nhiều!”.
Vài ngày sau khi ông Trưng qua đời, bà Nhạn vì quá đau buồn đã uống 30 viên thuốc an thần và gần một chai dầu lửa để tự tử trong một đêm suy nghĩ quẫn trí.
Tương lai nào cho hai đứa trẻ mồ côi?
Sau ngày cha và mẹ qua đời, Trung như người mất hồn. Cậu bé thường lang thang với mấy đứa trẻ chăn bò cùng xóm. Có đứa hỏi: “Cha mẹ mi chết rồi mi tính răng?!” Trung ứa nước mắt: “Còn biết tính răng nữa! Chắc tao bỏ học mi ơi!”.
Cậu bé Trung đã có ý định bỏ học, vì bây giờ mới lên lớp 9, vào đầu năm học với biết bao thứ tiền phải lo. Em gái Trung cũng vừa vào lớp 6. Đêm nào Trung cũng thức, đi ra đi vào trong ngôi nhà nhỏ đã vắng bóng hai người thân yêu của mình từ đây.
Chị Yến kể: “Có đêm nó thức, cứ đứng trước bàn thờ ba mẹ mà khóc! Nó nói với tui rằng nó thấy cha mẹ nó về, nên nó cố thức để đợi. Có khi nửa đêm tui thức dậy thấy nó ngủ gục bên bàn thờ cha mẹ. Tui thấy mà đau quặn lòng!”.
Nói đến chuyện đi học, Trung cúi mặt buồn buồn: “Chắc em nghỉ học thôi anh ạ! Kiếm gì đó làm để lấy tiền lo cho đứa em thôi! Cha mẹ em mất rồi em không có cách nào khác!”. Một cậu bé mới 14 tuổi thì có thể làm được gì.
Tôi định hỏi câu ấy, nhưng Trung đã nói: “Em sẽ làm tất cả anh ạ! Miễn sao không làm gì xấu là được!”, nói rồi cậu bé lấy tay quệt nước mắt.
Được biết, hai anh em cậu bé Trung học rất giỏi, năm nào cũng được tuyên dương. Trao đổi với chúng tôi, Thầy Võ Minh Phú - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Bỉnh Khiêm (huyện Phú Ninh, Quảng Nam) nơi Trung đang theo học cho biết:
“Mặc dù gia đình Trung lâu nay có hoàn cảnh hết sức khó khăn, nhưng hai anh em Trung vẫn luôn biết vượt qua hoàn cảnh để đạt những thành tích học tập rất đáng nể với 8 năm liền Trung là học sinh giỏi, em gái Trung là Võ Thị Minh Hiếu (SN 2001) năm nay lên lớp 6 cũng đạt thành tích tương tự như anh trai.
Ở lớp, Trung được thầy cô và bạn bè tin tưởng giao trách nhiệm làm lớp trưởng. Khi biết hoàn cảnh gia đình của em Trung, chúng tôi đang vận động Trung không bỏ học, nhà trường sẽ có kế hoạch giúp đỡ hai anh em Trung để có thể đến trường được”.
Còn ông Bùi Văn Toàn, Chủ tịch UBND xã Tam An cho biết gia đình của Trung lâu nay được liệt vào dạng hộ đặc biệt khó khăn của xã. Mấy năm qua xã cũng tạo điều kiện cho gia đình cũng như có các chính sách hỗ trợ thường xuyên.
“Gia đình đã nghèo khó lại gặp phải tai ương như thế thật đáng thương tâm. Đặc biệt là hai con đều học rất giỏi, thế nên cần lắm những tấm lòng hảo tâm, rộng mở của cộng đồng và xã hội dành cho các cháu.
Mỗi sự góp sức chung tay sẽ giúp các cháu vượt qua khó khăn, bù đắp những thiệt thòi mà các cháu đã sớm phải gánh chịu. Chúng tôi cũng muốn qua đây kêu gọi các tấm lòng hảo tâm có thể giúp đỡ cho cháu có nguồn vốn nào đó để 2 cháu được tiếp tục đi học! ” - ông Toàn nói.
Đưa chúng tôi ra đến tận cổng, cậu bé Trung buông một câu nhẹ thoảng như nói với chính mình: “Chẳng biết mai này hai anh em sẽ ra sao nữa? Giờ chỉ còn có hai anh em thôi!”.
Tôi hiểu nỗi đau sau câu nói ấy của cậu bé. Dư luận xã hội không ai oán trách gì những người đã mất. Nhưng đằng sau những cái chết nông nổi ấy là nỗi đau của người thân.
Chua xót hơn, với những người làm cha, làm mẹ đằng sau sự giải thoát của họ lại là gánh nặng, là sự thiệt thòi không dễ gì bù đắp cho những đứa con phải chịu cảnh mồ côi.
- Hữu Cường
[links()]