Mới đây, nhóm kỹ sư Đại học Bách khoa Hà Nội và Viện Sức khỏe nghề nghiệp, môi trường đã chế tạo thành công buồng khử khuẩn sử dụng muối ion có khả năng diệt khuẩn 99,99%.
Đây là một tin vui trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang diễn biến phức tạp, Việt Nam liên tục phát hiện ca nhiễm mới trong những ngày qua nâng tổng số người mắc bệnh lên con số 47.
Nhóm kỹ sư chia sẻ rằng, ý tưởng về buồng khử khuẩn nảy ra từ đầu tháng 2/2020 - thời điểm Việt Nam ghi nhận trường hợp nhiễm Covid-19 đầu tiên.
Sau hơn một tháng nghiên cứu, sản phẩm đã ra đời. Sau quá trình thử nghiệm, Phòng Thí nghiệm Vi sinh, Viện Sức khỏe nghề nghiệp và Môi trường đánh giá buồng khử có khả năng diệt khuẩn đến 99,99%.
Hai buồng khử khuẩn gồm buồng khô và buồng ướt. Buồng khô sử dụng tia UV và nhiệt độ (>40 độ C), buồng ướt sử dụng khí ozone và hơi nước muối sát khuẩn để vô hiệu hóa phần lớn vi khuẩn, virus bám trên bề mặt quần áo của người dùng.
Buồn khử khuẩn hoạt động theo cơ chế tử động. Khi đèn tín hiệu bật màu xanh, người dùng bước vào bên trong. Hệ thống phun sương khử khuẩn sẽ thực hiện 2 lần trong 15 giây, đèn báo chuyển sang màu đỏ. Dung dịch sát khuẩn được sử dụng là muối ion hóa dáng sương để tránh nguy cơ gây kích ứng da. Khi hít vào, loại sương này có thể sát khuẩn trực tiếp mũi và họng mà không gây khó chịu với người dùng.
Trưởng nhóm nghiên cứu TS Nguyễn Thành Nhân cho biết, nhóm đã chủ động lên kế hoạch chế tạo buồng khử khuẩn toàn thân chỉ sau 1 tháng khi ca bệnh đầu tiên xuất hiện tại việt nam. Hiện buồng khử khuẩn đang trong giai đoạn thử nghiệm, đáp ứng công suất lên tới 1.000 người/ngày.
Từ sáng ngày 12/3, buồng khử khuẩn toàn thân đã đi vào hoạt động tại Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường. Tất cả các cán bộ, công nhân viên tại đây sẽ thực hiện việc khử khuẩn toàn thân vào buổi sáng trước khi vào làm việc.
Nhóm nghiên cứu dự định nhân rộng mô hình buồng khử khuẩn tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, các khu cách ly và địa điểm công cộng để công tác khử khuẩn, phòng chống dịch được đẩy mạnh.
Sản phẩm buồng khử khuẩn có ưu điểm dễ lắp đặt và sử dụng. Mô hình này sẽ còn được nghiên cứu cải tiến để mang lại hiệu quả cao sau quá trình vận hành thử nghiệm.