Các lợi khuẩn và vitamin có trong sữa chua có thể mang lại những tác dụng tốt không ngờ cho cơ thể. Vì thế, bạn ăn sữa chua đúng cách và lựa chọn đúng loại sữa chua sẽ giúp bạn khỏe đẹp từ trong ra ngoài.
Nên ăn khi nào?
Chỉ nên ăn sữa chua sau bữa ăn bởi các vi khuẩn có lợi trong sữa chua tồn tại ở điều kiện độ pH lớn hơn hoặc bằng 4,5. Khi đói, độ pH trong dạ dày chỉ bằng 2, do đó, nếu ăn sữa chua lúc này thì các vi khuẩn có lợi trong sữa chua bị tiêu diệt. Hơn nữa, protein có trong sữa chua sẽ khiến bạn dễ bị no và mất đi cảm giác ngon miệng khi ăn.
Sau khi ăn, dạ dày co bóp mạnh, độ pH tăng lên, đó chính là môi trường tuyệt vời để các vi khuẩn có lợi trong sữa chua hoạt động tốt. Thời điểm tốt nhất để ăn sữa chua chính là sau bữa trưa. Khoảng 1 - 2 giờ đồng hồ sau khi ăn, bạn có thể bắt đầu ăn sữa chua. Thời điểm này, dịch acid trong dạ dày đã được pha loãng, đồng thời cả nồng độ acid trong dạ dày lúc này cũng phù hợp để acid lactic phát triển.
Sau khi tập luyện và thực hiện các bài tập thể lực, các cơ của bạn sẽ có cảm giác đau nhức. Điều này xảy ra do cơ bắp thường bị căng sức sau quá trình luyện tập. Lý tưởng nhất là bạn nên có một bữa ăn nhẹ kết hợp giữa carbohydrate và protein để nạp lại năng lượng.
Sữa chua là lựa chọn tuyệt vời nhờ chứa protein, carbohydrate kết hợp với các lợi khuẩn, đặc biệt là canxi. Bạn có thể kết hợp sữa chua nguyên chất với trái cây tươi hoặc đông lạnh để có thêm nhiều chất dinh dưỡng quan trọng và tăng thêm hương vị.
Buổi tối, bạn nên chọn ăn các loại thức ăn chứa lượng calo thấp để tránh nguy cơ tăng cân không mong muốn.
Với một khẩu phần ăn 227g sữa chua, lượng calo nạp vào cơ thể chỉ vào khoảng 180 calo. Protein có trong sữa chua cũng có thể giúp bạn phát triển cơ bắp hiệu quả. Với khẩu phần 227g sữa chua trước khi đi ngủ, bạn có thể nhận được tới 11g protein - lượng cần thiết để nuôi dưỡng cơ bắp trong thời gian ngủ.
Những lưu ý trước khi mua sữa chua
Trước khi mua sữa chua, bạn nên lưu ý những điều sau đây:
1. Cẩn trọng với các chất phụ gia
Sữa chua vị trái cây thường có lượng đường thêm vào khá nhiều. Trung bình, một hộp sữa chua vị trái cây 170g có chứa khoảng 26g đường. Một số loại sữa chua thông thường cũng có thể chứa chất làm đặc, chất ổn định, chất gôm hoặc chất tạo màu nhân tạo mà các chất này hoàn toàn không tốt cho sức khỏe.
Bạn nên mua các loại sữa chua không đường và hạn chế chọn sữa chua trái cây để tránh lượng đường thêm vào.
2. Tìm hiểu thông tin về các lợi khuẩn
Hai chủng vi khuẩn có lợi mà bạn cần tìm kiếm là Lactobacillus bulgaricus và Streptococcus thermophilus, giúp chuyển đổi sữa tiệt trùng thành sữa chua trong quá trình lên men.
Nhiều nghiên cứu vẫn đang tiếp tục tìm hiểu xem liệu các lợi khuẩn trong sữa chua có tác động nhất định nào tới sức khỏe không. Tuy nhiên, rõ ràng là sữa chua có ít đường lactose hơn kem và sữa. Điều này là do sữa chua có vi khuẩn giúp tiêu hóa lactose.
Những người không dung nạp lactose ăn sữa chua đúng cách vẫn có thể thưởng thức sữa chua mà không bị các triệu chứng khó chịu như tiêu chảy, đầy hơi hoặc đau quặn bụng.