Cải cách tiền lương từ tháng 7/2024, chế độ BHXH sẽ thay đổi thế nào?

20:29, Thứ ba 31/10/2023

( PHUNUTODAY ) - Khi cải cách tiền lương, mức lương cơ sở, hệ số lương sẽ được bãi bỏ và thay bằng bảng lương mới. Vậy chế độ BHXH có thay đổi gì không?

Khi cải cách tiền lương, các khoản trợ cấp BHXH thay đổi thế nào?

Theo phát biểu bế mạc Diễn đàn kinh tế - xã hội Việt Nam 2023 của Chủ tịch Quốc hội, nếu không có gì thay đổi, chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27/NQ-TW năm 2018 sẽ được thực hiện từ 01/07/2024.

Khi cải cách tiền lương được thực hiện, mức lương cơ sở và hệ số lương hiện nay sẽ được bãi bỏ thay vào đó sẽ xây dựng mức lương cơ bản bằng số tiền cụ thể trong bảng lương mới.

Tuy nhiên, theo Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) năm 2014, hiện nay có rất nhiều khoản trợ cấp gắn với lương cơ sở. Các khoản trợ cấp đó bao gồm: Trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau ốm đau; trợ cấp 1 lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi; trợ cấp dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản; trợ cấp mai táng; trợ cấp tuất hằng tháng.

cai-cach-tien-luong-che-do-bhxh-01

Theo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, để không gây xáo trộn về mức hưởng các chế độ so với quy định hiện hành đồng thời và phù hợp với định hướng cải cách chính sách tiền lương tại Nghị quyết số 27-NQ/TW, bảo đảm thuận lợi trong quá trình thực hiện, dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi điều chỉnh các trợ cấp gắn với mức lương cơ sở theo hướng quy định bằng số tiền cụ thể (bằng với mức tuyệt đối của hiện hành).

Mức trợ cấp BHXH dự kiến sau khi thực hiện cải cách tiền lương

Theo dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi, mức trợ cấp BHXH được đề cập đến như sau:

- Mức hưởng dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau khi ốm đau một ngày; dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 540.000 đồng (mức trợ cấp theo quy định hiện hành là bằng 30% mức lương cơ sở).

- Mức trợ cấp một lần khi sinh con, nhận nuôi con nuôi cho mỗi con được quy định là 3.600.000 đồng (mức trợ cấp theo quy định hiện hành là 2 tháng lương cơ sở).

- Mức trợ cấp tuất hằng tháng đối với mỗi thân nhân là 900.000 đồng (mức trợ cấp theo quy định hiện hành là 50% mức lương cơ sở như quy định hiện hành); trường hợp thân nhân không có người trực tiếp nuôi dưỡng thì mức trợ cấp tuất hằng tháng là 1.260.000 đồng (mức trợ cấp theo quy định hiện hành là 70% mức lương cơ sở).

Mức đóng BHXH và lương hưu thay đổi thế nào khi cải cách tiền lương?

cai-cach-tien-luong-che-do-bhxh-02

Lương hưu đang được tính dựa trên số năm đóng BHXH và khoản tiền lương đóng BHXH hằng tháng.

Theo Mục 2 Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018, chính xáchcải cách tiền lương sẽ điều chỉnh, thay đổi cơ cấu tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; người lao động trong doanh nghiệp. Theo đó, kết cấu tiền lương mới bao gồm các khoản: Lương cơ bản (chiếm khoảng 70% tổng quỹ lương) và các khoản phụ cấp (chiếm khoảng 30% tổng quỹ lương). Bổ sung tiền thưởng (quỹ tiền thưởng bằng khoảng 10% tổng quỹ tiền lương của năm, không bao gồm phụ cấp).

Hệ thống bảng lương mới tính theo vị trí việc làm, chức danh và chức vụ lãnh đạo sẽ được xây dựng để thay thế hệ thống bảng lương hiện hành. Việc chuyển sang áp dụng bảng lương mới vẫn phải bảo đảm tiền lương không thấp hơn tiền lương hiện hưởng.

Mục tiêu của chính sách cải cách tiền lương là đến năm 2025 đảm bảo lương công chức thấp nhất phải cao hơn lương thấp nhất bình quân các vùng của khu vực doanh nghiệp; đến năm 2030, lương công chức bằng hoặc cao hơn mức lương thấp nhất của vùng cao nhất trong khu vực doanh nghiệp.

Như vậy, khi thực hiện chính cải cách tiền lương năm 2024, lương của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong doanh nghiệp nhà nước có thể sẽ tăng. Nếu lương tăng thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cũng sẽ tăng. Khi đó, nếu người tham gia BHXH nghỉ hưu sau thời điểm cải cách tiền lương và trước đó đã được hưởng mức lương mới thì khi nghỉ hưu, mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH hằng tháng tăng thì mức lương hưu cũng sẽ tăng.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.com.vn copy link
Tác giả: Thanh Huyền