Theo Daily Mail, Kenya là một đất nước với phương tiện đi lại chủ yếu là xe máy, xe đạp nên nếu bộ luật này được thông qua, có thể những người phụ nữ Kenya sẽ rơi vào rắc rối, khi bắt buộc phải "khép chân" khi ngồi xe máy.
Được biết, trong thời gian ngắn sắp tới, những người phụ nữ ở phía Tây quốc gia này, sẽ bị cấm ngồi dạng chân sau xe máy hoặc xe đạp. Lí giải cho điều vô lí này, chính quyền cho rằng kiểu ngồi dạng chân sẽ làm mất đi vẻ đẹp truyền thống và nét đẹp văn hóa của Kenya, khi người phụ nữ vốn phải thanh lịch thì nay lại... như đàn ông con trai.
Hiện tại chính quyền thành phố Kisumu đã đưa ra đề xuất, bắt phụ nữ nơi đây phải ngồi lệch người trên mọi phương tiện đi lại. Điều này sẽ gây khó cho nhiều người, vì người dân Kisumu chủ yếu dùng "xe ôm" làm phương tiện đi làm hay đi chơi, vì tiết kiệm được nhiều chi phí.
Sắp tới, phụ nữ Kenya sẽ không được ngồi dạng 2 chân thế này khi đi xe máy |
Một người hành nghề "xe ôm" tiết lộ rằng, bộ luật này sẽ gây khó khăn cho anh. Khi chở một người phụ nữ ngồi lệch, sẽ bất tiện hơn hẳn cho người lái. Đặc biệt khi chở nhiều người. Mặc dù ý kiến về bộ luật "khép chân" đã nhận được hàng loạt ý kiến trái chiều từ người dân, các nhà quản lí luật pháp vẫn giữ nguyên ý định của mình.
Đọc xong quy định này, dư luận Việt Nam cũng phải bật cười và nhớ lại người Việt ta cũng từng hoang mang trước quy định ngực lép, thấp không được lái xe máy.
Năm 2008, Bộ Y tế Việt Nam đã ra quy định mới về sức khỏe, thể trạng của người tham gia giao thông, theo đó, người có vòng đo ngực trung bình dưới 72 cm không được cấp bằng lái hạng A1, tức cũng không được đi xe trên 50 cc.
Quy định này ngay lập tức bị phản ứng. Trong một cuộc trưng cầu ý kiến độc giả, có đến 75.5% những người được hỏi cho rằng quyết định “ngực lép không được lái xe máy” là không phù hợp. Trong khi người Việt đi lại chủ yếu bằng xe gắn máy mà cấm quy định này sẽ có một đội ngũ chuyên săn đo ngực chị em để phạt.
Ngay sau đó, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã vào cuộc, kiểm tra quyết định trên. "Việc đưa ra một loạt các tiêu chuẩn về sức khỏe chưa đảm bảo về tính hợp lý – không thực sự cần thiết, không gắn với yêu cầu đặc định đối với việc điều khiển các phương tiện giao thông khác nhau" - Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật khẳng định trong văn bản gửi Bộ Y tế.
Quy định đã được hủy bỏ nhưng cũng khiến cho dư luận Việt Nam được phen chao đảo, hoang mang vì sự quan tâm thái quá của ngành y.