Cắn răng chịu đòn vì chồng là tổ trưởng hòa giải

09:44, Thứ bảy 24/12/2011

( PHUNUTODAY ) - Lúc thì anh đấm, lúc thì đá, hoặc rút thắt lưng ra vụt, thậm chí anh P. còn dùng dao nhằm thẳng chị T. mà phi.

(Phunutoday) - Là người hiểu biết, có uy tín nên anh P. được bầu làm tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Hễ nhà ai có mâu thuẫn là anh có mặt. Những lần nhà nào đó có anh em hiềm khích nhau, hàng xóm xích mích, cãi nhau do va chạm giao thông… có sự xuất hiện của anh P. là mọi mâu thuẫn được giải tỏa. Uy tín là thế nhưng ngay trong chính ngôi nhà của mình, anh P. lại không thể giữ thuận hòa.

[links()]

 Với người vợ đầu gối tay ấp, P. tỏ rõ là kẻ vũ phu. Anh ta lao vào đánh, đấm vợ túi bụi mỗi khi bực tức. Chẳng cần lý do anh ta cũng đánh vợ, hết đấm đá anh ta dùng thắt lưng vụt vào người rồi phi dao vào vợ. Chẳng ai ở vùng quê ấy có thể hòa giải, hàn gắn những rạn nứt trong cuộc sống hôn nhân của ông tổ trưởng tổ hòa giải đó.

Người hòa giải hai mặt

Ở vùng quê ấy, anh Trần Quang P. (SN 1966, tại Chiêm Hóa, Tuyên Quang) được tiếng là người điềm đạm nên từng được bầu là tổ trưởng tổ hòa giải của thôn. Chị vợ anh P. là Nguyễn Thị T. cũng mở mày mở mặt với xóm làng khi có người chồng hiểu biết, có uy tín trước mọi người.

Nhà nào đó có anh em cãi chửi nhau, hàng xóm xích mích, người đi đường to tiếng vì va chạm giao thông… tất cả những vụ việc ấy, anh P. đều có mặt kịp thời để hòa giải. Nhờ những phân tích thấu tình đạt lý của anh P. mà những mâu thuẫn ấy được xoa dịu, ngăn chặn thành công những vụ xung đột, động thủ bằng chân tay.

Quê chị T. ở Thái Bình còn anh P. quê ở Tuyên Quang. Xa xôi là thế nhưng anh chị gặp nhau như duyên trời định. Mẹ kế của anh P. là người cùng quê với chị T. Thấy chị T. là người hiền lành, tốt nết nên bà ta đã chấm chị cho đứa con trai riêng của chồng. Nhân chuyến anh P. về quê người mẹ kế chơi, bà ấy đã giới thiệu chị T. cho anh.

 Thời điểm ấy, chị T. có biết bao trai làng để ý, bao người đánh tiếng, mai mối nhưng chị chẳng ưng ai. Chẳng hiểu trời xui đất khiến thế nào, gặp anh P., chị lại thuận ngay. Anh P. khi đó bị đám trai làng quê chị T. ghét lắm, nhiều lần họ gây sự, dằn mặt anh P. vì dám yêu gái làng.

Sĩ diện đàn ông nổi lên, anh P. càng quyết yêu và lấy cho được chị T. Và rồi, được họ hàng hai bên vun vén nên từ lúc yêu đến thời điểm chị T. về làm vợ anh P. chỉ diễn ra trong vài tháng. Những tưởng cuộc hôn nhân sau bao vất vả mới có được ấy, anh P. sẽ trân trọng và thương yêu vợ, nào ngờ, sau ngày hạnh phúc ngắn chẳng tày gang ấy, cuộc sống của chị T. giống như địa ngục.

Sau khi cưới, chị T. được bố mẹ chồng cho ra ở riêng. Vợ chồng chị được bố mẹ cho một ngôi nhà nhỏ trên mảnh đất của tổ tiên để lại. Những năm tháng đầu của cuộc hôn nhân, chị T. sống viên mãn, hạnh phúc. Mãi 5 năm sau ngày cưới, chị T. mới sinh đứa con gái đầu lòng.

Từ khi sinh con, cuộc sống vợ chồng giữa anh P. và chị T. bắt đầu có dấu hiệu rạn nứt. Chị T. do vướng bận con nhỏ nên không còn toàn tâm toàn ý chăm sóc cho chồng nữa, quỹ thời gian cũng như tình cảm của chị phải san sẻ cho cả đứa con nhỏ.

Ngay cả công việc nhà nông trước đây chị cáng đáng hết thì nay, chị buộc phải nhờ anh P. giúp để có thời gian chăm con. Bởi thế nên anh P. sinh cáu bẳn, hậm hực. “Từ lúc vướng bận con cái, anh ta chê tôi chậm chạp, không biết làm ăn… Từ đó, anh ta chẳng coi tôi ra gì. Thời điểm tôi nuôi con nhỏ thì anh ta vẫn đang tham gia công tác xã hội mà” – chị T. cay đắng chia sẻ.

Uy tín là thế nhưng anh P. lại không thể hòa giải ngay trong chính ngôi nhà của mình. Hai vợ chồng lấy nhau được 23 năm, sinh được hai người con, một trai, một gái. Từ hồi mới sinh đứa con đầu, anh P. đã lộ rõ bản chất vũ phu. Nhưng để yên ấm gia đình, chị T. luôn nhẫn nhịn, chẳng dám nói với ai nửa lời.

 “Tôi cứ nhịn thôi, nhịn vì con vì cái, vì gia đình. Tôi hy sinh vì con cái bởi không muốn chúng nó bị ảnh hưởng bởi bố mẹ bất hòa. Nói ra xấu hổ lắm, con tôi cũng lớn rồi, chúng nó cũng ngượng với bạn bè lắm.

Tôi không muốn người ngoài chê cười nên không bới chuyện này ra. Nhưng càng ngày, anh ta càng quá quắt, giờ tôi không thể chịu nổi nữa” - chị T. nói.

Chị T. là người phụ nữ hiền lành, chăm chỉ. Trong cuộc sống, mối quan tâm duy nhất của chị là gia đình, chồng con. Người phụ nữ cả một đời chưa từng biết đến quán nước, chưa một lần dám nghĩ đến việc mua sắm, hưởng thụ cho riêng mình ấy lại bị chồng ngờ vực, ghen tuông bóng gió.

Trong suy nghĩ của anh P., bất cứ ánh nhìn của một người đàn ông nào khác dành cho chị T. đều là do chị T. thiếu đoan trang mà ra; bất cứ câu hỏi thăm xã giao nào của chị T. dành cho người khác giới nào đều là hành động thiếu đứng đắn, đầu mày cuối mắt với đàn ông.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa


Thậm chí, trong làng trong xã, có người đàn bà nào đó vụng trộm, quan hệ ngoài vợ ngoài chồng khiến dư luận ồn ào, lập tức anh P. lại giáo huấn vợ. Mỗi lần như thế, anh P. chửi bới, móc mỉa như thể chính chị T. là người đàn bà gây điều tiếng thị phi.

Biết tính chồng hay ghen, chị T. chẳng bao giờ dám đon đả với ai, chẳng dám ngó ngang nhìn dọc người đàn ông nào, nhưng cơn ghen của anh P. vẫn ngùn ngụt.

Tức tối, bực dọc, anh P. lại lôi chị T. ra đánh đập, chửi bới. Chị T. kể: “Anh ta mà nghe được câu chuyện ngoại tình của người phụ nữ nào khác thì lại cho rằng tôi cũng làm chuyện tương tự như thế…”.
Trốn chạy – quay về

Nói anh P. là kẻ nghiện rượu quả thực không ngoa. Mỗi bữa ăn cơm, dù chẳng có khách khứa, bạn nhậu nào, anh ta cũng phải uống vài chén. Rồi chẳng mấy khi thấy anh P. vắng mặt trong các buổi rượu chè của mấy người đàn ông lười lao động. Khi không có ai mời tụ tập, đàn đúm, anh P. lại nghĩ ra lý do để được mời hoặc lại chèo kéo bạn nhậu về nhà mình “làm vài chén”.

Sau mỗi lần như thế, trở về nhà, vợ con là nơi anh P. giải tỏa những ấm ức, bực dọc. Nhẹ nhàng nhất là những lần anh chửi bới, thóa mạ chị T. Căng thẳng hơn, anh thường thượng cẳng chân, hạ cẳng tay với chị. Lúc thì anh đấm, lúc thì đá, hoặc rút thắt lưng ra vụt, thậm chí anh P. còn dùng dao nhằm thẳng chị T. mà phi.

May mắn là chị T.nhanh chân chạy thoát thân, chưa phải hứng chịu mũi dao oan nghiệt ấy. Nhưng những cú đấm, đá, đòn roi từ dây lưng thì chị T. chẳng kịp tránh, hứng trọn vẹn, đau đớn. “Tôi mà thấy anh ta cầm dao là tôi sợ lắm! Tôi phải chạy chứ! Tranh thủ thời gian anh ta chạy xuống bếp lấy dao là tôi đã chạy rồi.

Còn những cú đấm, cú đá, những đợt mưa dây lưng thì tôi không phòng được, bắt đầu anh ta đánh là tôi bị dính đòn luôn rồi” – chị T. nhớ lại.  

Có một điều khá đặc biệt trong câu chuyện bạo hành gia đình này, đó là người chồng không bao giờ đánh vào mặt vợ.

Chẳng phải anh ta tử tế gì mà đó là một sự thâm hiểm của người chồng. “Anh ta không bao giờ đánh vào mặt tôi, chỉ có đánh vào người thôi. Thế nên, dù hôm trước tôi có bị đánh đập dã man thì hôm sau, người ngoài cũng chẳng thể nào phát hiện ra những đau đớn của tôi” – chị T. nén đau kể lại.

Những lần đánh đập chị T., anh chồng thường chọn thời điểm nửa đêm, khi hàng xóm đã ngủ say. Và thông thường, vì sĩ diện, tự trọng, giữ gìn hình ảnh hạnh phúc của gia đình nên chị T. thường xuyên cắn răng chịu đựng đau đớn mà chẳng dám cầu cứu ai.

Thi thoảng, có lần anh chồng say rượu từ trưa, việc đánh đập lại diễn ra đột xuất, bất thường. Những lần hiếm hoi ấy, hàng xóm nhà chị T. biết được đã xúm lại can ngăn, chị T. may mắn thoát thân.

Nhưng chị T. được yên thân cũng chẳng lâu, sau khi hàng xóm rời khỏi nhà, chị T. lại phải hứng chịu những đòn roi. Rồi sau những trận đòn roi ấy, anh P. lại tỏ ra ân hận, xin chị tha thứ nhưng rồi mọi chuyện vẫn tái diễn như thế, ngày tiếp ngày.

Sau nhiều lần bị hàng xóm can ngăn, nhắc nhở về việc bạo hành vợ, anh P. chẳng còn uy tín trong thôn xóm nữa. Cũng bởi thế nên vị trí tổ trưởng tổ hòa giải của anh P. bị chuyển giao cho người khác. Chẳng còn được đảm nhận công tác xã hội nữa, bản tính cục cằn, thô lỗ của anh P. càng có cơ hội bộc lộ rõ. Đỉnh điểm của mâu thuẫn, chị T. uất ức quá đã bỏ nhà, đến lánh nạn tại nhà của một người họ hàng xa.

“Tôi bỏ đi, anh ta cũng gọi điện và hỏi tôi ở đâu nhưng tuyệt nhiên không bảo tôi về mà còn đe dọa, nếu tìm được tôi sẽ đánh tôi què luôn. Tôi chẳng nói rõ ở đâu cả, tôi muốn lánh đi một thời gian, để anh ta có thời gian suy nghĩ lại xem có thay đổi được gì không.

 Hai đứa con tôi cũng hưởng ứng việc làm này của tôi. Chúng nó lớn rồi và chúng nó hiểu bố mẹ là người như thế nào. Nếu cứ thế này chắc phải mỗi người một nơi thôi chứ sống cả cuộc đời trong đánh đập, tôi không chịu nổi” - chị T. quả quyết.

Đây là lần đầu tiên trong cuộc đời, người phụ nữ yếu đuối ấy dám đưa ra một quyết định cứng rắn để chống lại thói vũ phu của chồng. Tôi cũng thầm mong, hành động của chị sẽ có kết quả tích cực.

Bẵng đi một thời gian, tôi có dịp trở lại Tuyên Quang và hỏi thăm về chị T. Sau lần bỏ nhà ra đi để “dằn mặt” chồng của chị T., anh chồng đã “xuống nước” gọi chị quay trở về. Nghe nói lần ấy, họ hàng bên nội đã họp lại, giáo huấn anh P. một trận về thói vũ phu. Anh P. hối hận và hứa sửa chữa.

Tuệ Nhi

Tên nhân vật đã được thay đổi
 

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc