Cậu bé nhỏ nhất thế giới phải sử dụng phổi nhân tạo
Khi cậu bé Owen Stark mới lên 2 tuổi gục xuống tại một cửa hàng đồ chơi trong trung tâm thành phố khi đi cùng mẹ, chẳng ai ngờ được rằng lúc ấy tim và phổi của cậu bé bé bỏng ấy đã gần như không còn dấu hiệu hoạt động.
Cậu bé được nhanh chóng đưa vào bệnh viện cấp cứu. Các bác sĩ đã làm hết cách để cứu cậu bé. Nhưng dù qua cơn nguy kịch, họ vẫn chỉ còn cách đưa ra kết luận với những cái lắc đầu đáng tiếc: hy vọng sống sót của Owen rất nhỏ nhoi.
Ngay trước đó không lâu, Owen Stark đã được mẹ đưa đến gặp bác sĩ một vài lần. Cậu bé có những dấu hiệu không tốt về sức khỏe. Cậu ăn rất ít và thường có những cơn sốt nhẹ kéo dài. Cha mẹ cậu đã rất lo lắng. Các bác sĩ đã khám cho cậu bé và chẩn đoán rằng cậu bị cảm nặng hoặc rất có thể là bị rối loạn chức năng thận. Nhưng không một ai ngờ rằng bệnh tình của Owen tồi tệ hơn thế rất nhiều lần.
Khi Owen bất tỉnh ở ngay cửa hàng đồ chơi, cậu đã được đưa tới một bệnh viện tại Columbia, sau đó do mức độ nghiêm trọng, cậu bé lại được chuyển lên máy bay tới bệnh viện trẻ em St Louis.
Owen đã mắc một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em gọi là tăng huyết áp vô căn phổi hay cao huyết áp trong phổi. Bệnh tăng áp phổi là hiện tượng rất hiếm gặp khi máu bị ngăn không thể qua phổi bởi các động mạch máu quá hẹp, chính điều đó dẫn đến phần bên phải của tim, nơi bơm máu qua phổi bị ức chế, làm việc nhiều hơn gây nên suy tim.
Thông thường bệnh sẽ được điều trị đầu tiên bằng thuốc, nhưng tình trạng của Owen quá tồi tệ nên cậu bé được nhanh chóng xử lý bằng cách đặt máy thở, đi kèm với máy hỗ trợ phổi và tim, và rồi sau đó là được ghép một máy phổi nhân tạo. Tất cả mọi sự sống của Owen giờ đây nhờ hết vào máy móc, và vô cùng mong manh.
Chị Tonya và anh Justin, chủ một công ty xây dựng choáng váng và đau xót nhìn cậu con trai bé bỏng của mình với rất nhiều thứ dây rợ lằng nhằng nối vào mình. Nhưng dù vô cùng đau đớn trong lòng, họ cũng không còn biết làm cách nào khác là chờ đợi những chuyên gia, bác sỹ tìm cách cứu sống con trai mình. Đồng thời, họ cầu nguyện cho một điều thần kỳ có thể xảy ra bởi tất cả những hy vọng đang dần tắt trước mắt họ.
Các bác sĩ nhận định rằng dù hy vọng không nhiều nhưng điều cần thiết nhất để cứu sống được Owen là cậu cần phải được cấy ghép phổi mới. Nhưng điều đó không dễ dàng gì, để tìm được người hiến phổi phù hợp có thể mất nhiều tháng trời. Điều khó nhất là làm sao duy trì được sự sống cho Owen tới ngày đó.
Họ đặt cho cậu máy hỗ trợ tim và phổi nhưng chỉ duy trì được 2 tuần vì nó gây tổn thương đến các cơ quan khác. Lúc ấy tim của Owen đã có dấu hiệu hồi phục, không cần dựa vào máy móc nhưng phổi của cậu bé vẫn không hoạt động. Khó khăn chồng chất khó khăn, hy vọng sống của Owen ngày một mất dần.
Trước căn bệnh hiếm gặp ở một đứa trẻ nhỏ như Owen, một nhóm chuyên gia đã được thành lập để tìm cách cứu chữa cho cậu bé. Họ đã nhận được giấy phép khẩn cấp từ các cấp chính quyền để nghiên cứu và thiết lập cho Owen một thiết bị phổi nhân tạo. Điều chưa từng có ở Mỹ trước đó và ở bất cứ trẻ em nào nhỏ như Owen trên thế giới.
Thiết bị này được sử dụng tại Anh và Canada. Nhưng ở Mỹ nó chưa được cấp phép sử dụng. Chỉ với trường hợp đặc biệt của Owen, một giấy phép khẩn cấp mới được đặc cách ban hành. Phổi nhân tạo được dùng cho Owen là một thiết bị bên ngoài nhỏ như một chiếc hộp đựng cơm trưa với động mạch phổi chính và tâm nhĩ trái của tim. Nó “thở” ở bên ngoài cơ thể Owen để cung cấp oxy và loại bỏ carbon dioxide ra khỏi máu.
Chiếc phổi nhân tạo giúp Owen duy trì khả năng sống sót cho tới khi tìm được phổi phù hợp để cấy ghép, tuy nhiên cũng không loại bỏ trường hợp cơ thể của cậu thay đổi theo hướng không phù hợp với chiếc phổi nhân tạo. Thỉnh thoảng cậu bé cũng được đưa ra khỏi thiết bị để kiểm tra khả năng của cơ thể, nhưng lần nào huyết áp và nồng độ oxy cũng bị giảm đáng kể. Thiết bị phổi nhân tạo vẫn là thứ duy trì sự sống cho Owen cho tới khi tìm được giải pháp mới.
Điều thần kỳ từ cú đạp chân vô tình
Các chuyên gia liên tục tìm kiếm phổi phù hợp cho Owen nhưng điều đó không phải dễ dàng. Bên cạnh đó, với nhiều thiết bị quanh người, cậu bé suốt ngày phải nằm tại giường bệnh. Việc một đứa trẻ lên 2 nằm im một chỗ cũng là một điều không dễ. Cha mẹ cậu luôn phải để ý để con trai mình không ngó ngoáy làm ảnh hưởng tới chiếc phổi nhân tạo cũng như các máy móc khác. Nó là những thứ quan trọng nhất đối với Owen lúc này.
Nhưng bố mẹ cậu và ngay cả những bác sĩ chuyên gia cũng không ngờ được rằng, dù trông nom cậu cẩn thận cũng không tránh được một hôm cậu đạp chân vào thiết bị phổi nhân tạo được đặt phía dưới chân mình. Dù đã được cha mẹ dặn dò cẩn thận là không được nghịch vào chiếc máy đó, mặc dù cậu bé rất tò mò nhưng hôm đó cậu đã vô tình đạp chân vào.
Nguy hiểm hơn là Owen đã đạp chân vào đúng nút tắt thiết bị. Tất cả mọi người đã rất hốt hoảng. Nhưng điều không ngờ hơn cả đó lại chính là giây phút các bác sĩ phát hiện ra khả năng sống sót của cậu đã tăng cao hơn rất nhiều.
Đó là ngày thứ 23 Owen thở bằng phổi nhân tạo. Cậu vô tình đạp phải chiếc phổi nhân tạo của mình khiến nó không hoạt động giúp cậu trao đổi oxy được nữa. Như tình trạng tách ra khỏi phổi nhân tạo bình thường, cơ thể cậu bé bị thay đổi đột ngột và cần được cấp cứu.
Ấy thế nhưng khi cậu được đưa vào phòng cấp cứu để nối lại thiết bị phổi nhân tạo, các bác sỹ bất ngờ phát hiện ra rằng phổi của Owen đã có những hồi phục đáng kể và chúng đã có khả năng tự thở, cung cấp oxy cho cơ thể mà không cần tới phổi nhân tạo nữa.
Kết luận về sự hồi phục của hai lá phổi trong cơ thể Owen khiến cho cha mẹ cậu mừng rơi nước mắt. Tất nhiên điều đó chưa khẳng định được điều gì nhưng ít ra con trai bé bỏng của họ đã có những bước chuyển biến không ngờ.
Điều tuyệt vời hơn nữa, mà chính các bác sĩ chăm sóc cho Owen nói rằng đó quả là một điều thần kỳ trong y học. Cậu đã hoàn toàn không phải phụ thuộc vào bất cứ thiết bị máy móc nào vài tháng sau đó. Sau khi được theo dõi và chăm sóc ở bệnh viện thêm một vài tháng, cậu đã có thể được trở về nhà của mình và nhận các phương pháp chăm sóc y tế tại nhà.
Cả gia đình Owen không quên được giây phút khi các bác sỹ theo dõi và kết luận rằng cậu cũng không phải cấy ghép phổi nữa trong tình trạng hồi phục hiện nay. Điều đó ngoài sức tưởng tượng của tất cả mọi người.
Khi được đưa vào bệnh viện, cơ hội sống của Owen chỉ tính bằng giờ, rồi được nâng lên thành từng ngày, từng tháng và giờ đã được tính theo năm. Dù hồi phục phần nào nhưng căn bệnh hiếm gặp của cậu bé vẫn cần được theo dõi và tìm những phương pháp điều trị tích cực. Trường hợp của Owen đã mở ra những bước chuyển biến mới trong công việc điều trị các căn bệnh tương tự ở trẻ em.
Ở Mỹ có rất nhiều trẻ em bị mắc các bệnh liên quan tới phổi. Sau trường hợp của Owen, việc dùng thiết bị phổi nhân tạo đang được tất cả các chuyên gia đưa vào nghiên cứu và xem xét.
Cậu bé Owen vẫn còn cả một chặng đường dài đấu tranh với bệnh tật trước mắt. Nhưng chắc chắn trong nhật ký nghiên cứu y tế của các bác sỹ, trường hợp của cậu sẽ được lưu trữ như một sự hồi phục thần kỳ của một căn bệnh hiếm gặp ở trẻ em.