Câu chuyện về những đôi mắt buồn vời vợi

06:02, Thứ ba 30/10/2012

( PHUNUTODAY ) - Đám ma chú vắng hoe. Đám ma của một người nhiễm H. Hai đứa trẻ, đứa chống gậy đi lùi, đứa lụi cụi nhỏ thó lê từng bước nặng nhọc bên cạnh chiếc xe tang, tột cùng cám cảnh.

“Vì mắt quá trong nên mắt nói quá nhiều…”

Tôi đã từng rất sợ hãi mỗi khi nhìn vào đôi mắt hai đứa trẻ con nhà dì tôi. Vì quá thương. Đôi mắt trong trẻo, ngần sáng như giọt sương buổi sớm đậu trên ngọn cỏ bị đánh đổi bằng ánh nhìn u uẩn và nhiều phiền não. Ánh nhìn đau đáu ấy, đáng lẽ không dành cho đứa trẻ lên 8 và đứa trẻ 14 tuổi. Nhưng, có lẽ, vì số phận không mỉm cười với chúng ngay từ tấm bé, nên thật khó khăn để tìm thấy một niềm vui nho nhỏ trong những giọt sương mỏng manh ấy.

[links()]

Hai đứa trẻ con nhà dì, thằng anh lớn được gọi là Tí, và đứa nhỏ là Tít. Chúng là món quà lớn lao mà thượng đế trao tặng cho một người phụ nữ vốn phải chịu quá nhiều bất hạnh trong cuộc sống hôn nhân như dì.

Dì tôi vốn là một người đàn bà có nhan sắc. Bà ngoại và mẹ tôi vẫn thường kể lại, dì ngày xưa đẹp nhất làng. Cứ chập tối, mấy chú chó nhà ngoại lại cắn râm ran bởi tiếng í ới, nhí nhéo vang lên ở đầu cổng của mấy anh trai làng tới trồng cây si.

Dì đẹp lắm. Suối tóc ướp hương bưởi, óng mượt, đen nhánh khẽ lướt qua đã phảng phất hương thơm dìu dịu, thanh khiết. Đôi môi dì căng đỏ, chúm chím như trái nhót chín, ắt hẳn không ít chàng trai ngây dại trước cặp môi đỏ tựa nhót chín mới hình dung đã kịp tứa nước miếng nơi đầu lưỡi đó.

Nhưng, mẹ bảo, dì tôi đẹp nhất ở đôi mắt. Đôi mắt trong vắt, sóng sánh như nước giếng đầu làng. Đôi mắt ấy từng là điểm dừng chân của biết bao ánh nhìn la đà, say ngất của những chàng trai đang lớn ở quê.

Nhưng, mắt dì buồn lắm. Lúc nào cũng như đang khóc, bởi nó quá long lanh, nó quá ướt át. Người ta bảo, ai có đôi mắt ấy, ắt hẳn số phận không được thuận chiều mát mái như người thường. Hồng nhan thói thường bạc mệnh…Dì cười lý lắc, suối tóc lại đu đưa, chao nghiêng sau bờ vai mảnh dẻ…

Không biết đến bao giờ, những đôi mắt trong ấy thôi buồn vời vợi?
Không biết đến bao giờ, những đôi mắt trong ấy thôi buồn vời vợi?

Mẹ tôi bảo, ngày dì đưa bạn trai về ra mắt, cả nhà phản đối quyết liệt. Bà ngoại đứng bên bà thờ ông, vừa lau nước mắt, vừa sụt sùi khuyên dì nên tỉnh táo nhìn nhận lại mối quan hệ tình cảm này. Bác cả và mẹ tôi cũng một mực khuyên can.

Bởi, bác lập lá số tử vi cho dì và người đàn ông kia. Mệnh của hai người xung khắc quyết liệt, thậm chí gây lụn bại cho nhau. Còn mẹ tôi – một người phụ nữ không học nhiều, không biết xem mệnh, nhìn tử vi, nhưng bằng trực quan một người phụ nữ từng trải đi qua không ít sóng gió, mẹ linh cảm người đàn ông kia không thể là chỗ dựa vững chãi cho cuộc sống của dì.

Nhưng, dường như mọi can ngăn của gia đình chỉ càng thổi bùng lên ngọn lửa tình yêu thiêu đốt, có sức cuốn phăng tất cả mọi rào cản của dì và chú ấy. Rốt cuộc, dì lấy chú ấy.

Đám cưới dì, cả nhà khoác lên người bộ mặt vui vẻ, hân hoan, nhưng trong lòng phập phồng dự cảm lo âu về tương lai, số phận phía trước của dì. Còn đám trai làng, ngẩn ngơ đứng lúp xúp dưới luỹ tre, đau đáu nhìn xác pháo hồng tả tơi trong gió.

Thời gian đầu, dì và chú chung sống với nhau vô cùng hạnh phúc. Dường như, đó là cách dì chọn lựa để trả lời với cả thế giới từng hoài nghi cuộc sống hôn nhân của dì. Gia đình ngoại run rẩy mừng vui.

Mấy bận mẹ tới thăm dì, thấy em gái út vốn xinh đẹp, quen được chiều chuộng, chẳng bao giờ phải chạm tay tới công việc nhà trở thành một người phụ nữ tảo tần, lam lũ của gia đình, mẹ thương tới ứa nước mắt.

Đến mẹ - người gần gũi và hay nhỏ to tâm sự với dì cũng không thể hiểu, vì sao dì có quyết định táo bạo, liều lĩnh và mù quáng đó. Biết bao chàng trai si mê dì, sẵn sàng bao bọc, dâng tặng cho dì một cuộc sống đủ đầy, sung sướng, nhưng dì lại chọn kiếp buôn thúng bán bưng, lê la từ đầu chợ sáng tới cuối chợ tối.

Dì gấp gọn những tấm áo lụa được bà ngoại dành tặng từ thuở con gái dưới đáy tủ, vì sợ mùi cá tanh, mùi khăm khẳm của phân gà ám vào hỏng mất tà áo đẹp. Suối tóc ngày xưa thay thế bằng búi củ tỏi trên chỏm đầu, chẳng mấy khi không thấy bết bát mồ hôi lẳng lặng rịn ra túa vòng quanh tóc.

Nhưng, kỳ lạ lắm, thứ hương thơm nhè nhẹ, mùi đồng nội toả ra từ cơ thể dì chẳng thay đổi, dù áo dì mặc có ám mùi nhọc nhằn, lam lũ. Cái mùi tinh dầu đặc biệt ấy vẫn khiến tôi mê mẩn, dúi mái tóc rễ tre cứng đơ vào lòng dì, rồi căng cái mũi hếch hít lấy hít để cho no đầy lồng ngực. Sinh hai con xong, dì càng đẹp. Cái đẹp mặn mà, nồng nàn, chín rực mang màu lam lũ.

Chồng dì không có công ăn việc làm ổn định. Ngày thường ra bãi làm lúa, lên nương làm sắn, còn ngày tháng nông nhàn chơi dài từ nhà bạn nọ tới nhà bạn kia. Dì chiều chồng, chẳng thấy đó làm phiền lòng, lúc nào cũng tự nhủ thầm “tranh thủ làm rốn một loáng là xong”.

Nhưng, chính sự chiều chồng ấy đã khiến chú sa đà vào những thú vui chết người và người gánh chịu hậu quả khủng khiếp nhất lại chính là dì. Chú lao vào cờ bạc. Bao nhiêu của nả trong nhà lần lượt đội nón ra đi.

Từ chiếc ti vi, cho tới đàn lợn sữa, đàn gà chưa kịp chắc tay bị chú nướng vào chiếu bạc.  Dì làm ra bao nhiêu, chú phá tán bấy nhiêu. Chỉ tội hai đứa trẻ, thằng Tí, thằng Tít ngơ ngác nhìn những trận xung đột, cãi vã nặng nề từ cha mẹ trong ngôi nhà lụp sụp vài ba mét vuông.

Tệ nạn này chưa cai, tệ nạn khác đã kịp nối tiếp. Chú theo đám bạn bè xấu, tập hút chích heroin. Đối với dì và hai đứa trẻ, đó chẳng khác gì bản án chung thân dành cho mẹ con dì.

9 lần cai nghiện cho chồng, là 9 lần hi vọng sống, niềm tin sống của dì dành cho người đàn ông dì bất chấp tất cả, quay lưng lại với gia đình, dư luận để song hành cũng là ngần ấy lần dì sống đi chết lại trong nỗi thất vọng, tuyệt vọng.

Tí và Tít nhiều lần đùm núm quần áo cùng bố mẹ vào nhà bà ngoại, ở nhờ nhà bà và cùng gia đình bà ngoại cai nghiện cho bố. Ngày ấy, thằng Tít – đứa con thứ hai của dì vẫn còn phải ẵm ngửa đã rong ruổi cùng mẹ tới các trung tâm cai nghiện thăm bố.

Còn thằng Tí, anh cả, biết nhận thức từ tấm bé về cuộc sống bi đát của gia đình. Vô hình chung, tuổi thơ của Tí cũng bị đánh cắp bởi những lần xê dịch ấy. Ngày xưa, chỉ có mình thằng Tí vụng về, không biết giấu nỗi buồn trong ánh mắt. Sau này, có thêm thằng Tít. Hai đứa trẻ, hai anh em chúng chẳng bao giờ vô tư cười nói hồn nhiên như tụi trẻ con cùng trang lứa.

Để cứu cuộc đời chính mình và số phận hai đứa con, sau quá nhiều nỗi buồn chán, đấu tranh, dì quyết định ly hôn, nhưng người chồng nghiện ngập không chịu buông tha cho dì. Chú hành hạ dì và tra tấn hai đứa trẻ bằng những lời nhiếc móc, miệt thị tức tưởi.

Bần cùng, dì chọn con đường xuất khẩu lao động sang Malaysia, gửi hai đứa trẻ nhờ ông bà nội chăm sóc. Phần để kiếm chút vốn lo liệu cho tương lai hai con, và phần lớn để chạy trốn khỏi người chồng bạo ngược, sa đoạ.

Tôi lớn dần, thi thoảng nhận điện thoại dì gọi về cho mẹ. Giọng dì buồn thê thiết như gió mùa thu đi lạc trên phố. Dì đau đáu nhớ hai đứa con. Tôi biết dì khóc. Rất nhiều.

Quãng thời gian dì đi vắng, chồng dì ở nhà bị bắt đi trại cải tạo, trại cai nghiện khá nhiều lần vì tội trộm cắp tài sản. Chú chẳng khác gì một thây ma lang thang trong đêm đi tìm chút le lói tồn tại bằng con đường trộm cắp vặt.

Không ít lần chú trộm gà, trộm vịt và bị người ta đánh cho tím đầu, bầm má, nhưng chú vẫn chẳng chừa. Hai đứa trẻ bước chân ra đường đón nhận ánh mắt giễu cợt, khinh thường của tụi bạn cùng xóm bởi cái mác “con thằng ăn trộm”. Hai giếng nước ấy lại càng sâu thăm thẳm.

Chẳng biết chú nhiễm HIV từ khi nào. Ở bên xứ người có hay tin, dì lại điện về cho mẹ. Lại thổn thức vì xót thương, vì cả niềm uất hận từ lâu chôn giấu. Vì cái tình, cái nghĩa từng có, dì gửi tiền về cho chú chữa bệnh, dù ai cũng thừa hiểu kết cục bi đát của căn bệnh thế kỉ đó.

Vào một sáng tháng 7, nắng vẫn còn như đổ lửa, hai đứa trẻ con dì tôi chết lặng không thốt nên lời khi nhìn thấy bố thắt cổ tự vẫn tự lúc nào. Tiếng khóc lạc giọng của hai đứa trẻ kéo những người hàng xóm tới nhà.

Đám ma chú vắng hoe. Đám ma của một người nhiễm H. Hai đứa trẻ, đứa chống gậy đi lùi, đứa lụi cụi nhỏ thó lê từng bước nặng nhọc bên cạnh chiếc xe tang, tột cùng cám cảnh.

Không biết ai đó báo tin cho dì, căn bệnh tim của dì tưởng như đã thôi hành hạ bỗng tái phát. Dì đi viện cấp cứu ở một phương trời rất xa xôi. Tỉnh dậy giữa chừng vẫn ú ớ gọi tên người đàn ông dì rất mực nặng lòng, nặng nợ. Đôi mắt dì chưa bao giờ thôi ướt.  

Mẹ tôi bảo, cuối năm nay dì về quê đoàn tụ với các con. Nghe đâu đặt sẵn vé máy bay từ bây giờ, giảm được đồng nào hay đồng ấy. Còn hai đứa trẻ, kể từ sau cái chết của bố, chúng vốn dễ buồn, dễ mủi lòng lại càng buồn rầu, mênh mang hơn trước.

Nhưng, khi ai hỏi chúng về bố, chúng vẫn kể say mê về bố với tất cả niềm yêu thương và kính trọng; về những lần bố kiệu chúng lên vai và dẫn đi chơi khắp thôn xóm trong những ngày dại bé. Về những lần chúng được bố kết cho chiếc tàu vũ trụ (tên bố tự đặt) được làm bằng cọng lá sắn tươi. Và lần nào, sau mỗi câu kể, đôi mắt chúng lại ươn ướt.

Ai đó từng nói rằng, con người ta không bao giờ có quyền lựa chọn hai thứ trong cuộc đời này. Đó là nơi sinh ra cha mẹ. Tuổi thơ của chúng quá nhiều bất hạnh, nhưng chưa bao giờ chúng thôi trân trọng, thương yêu những đấng sinh thành, cho dù sự yêu thương ấy đi liền với nỗi đau và những vết chai sạn nhức nhối trong những tâm hồn non nớt.

Không biết đến bao giờ, những đôi mắt trong ấy thôi buồn vời vợi?

  • Như Huyền (Phú Thọ)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc