Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (2)

13:18, Thứ ba 29/11/2011

( PHUNUTODAY ) - nát hoàng hôn biển; Trong quán rượu rắn; Bài hát về cố hương; Bài hát; Nhân chứng của một cái chết; Nhà thơ; Nhà thơ 2;… là những bài như thế.

(Phunutoday) - 4. Thế giới của “bóng tối” trong thơ Châu thổ

Có lẽ trong thơ hiện đại ít người còn viết về “sứ mệnh” hay “thiên chức” của nhà thơ. Hugo đã từng ví nhà thơ với “nhà tiên tri” (prophète) và vai trò của thơ là mang lại hiểu biết cho con người khiến họ hành động theo lẽ phải; Rimbaud tương tự, coi nhà thơ là “kẻ thấu thị” (voyant) nhìn thấu thế giới cả trong tương lai.
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Trong thơ Châu thổ, không ít lần, cuộc đối thoại, độc thoại gay gắt của cái “tôi” hoặc cái “nó” (“chàng thi sĩ”), - một hoá thân của “tôi”, với chính mình và với thế giới. Xô-nát hoàng hôn biển; Trong quán rượu rắn; Bài hát về cố hương; Bài hát; Nhân chứng của một cái chết; Nhà thơ; Nhà thơ 2;… là những bài như thế.
 
Trong tập thơ, một số bài ở giai đoạn đầu, xưng “ta” chưa hẳn là phát ngôn đứng ở vai trò của nhà thơ, nhưng hết thảy những cái “ta”, cái “tôi”, “chúng ta”, “chúng tôi”, “anh” (ngôi thứ nhất) đều là những dạng nhân xưng của một nhân vật trữ tình đang trên đường kiếm tìm, đào bới cái đẹp thông qua đau khổ, nếm trải. Một yêu cầu nhún nhường mang tâm thế băn khoăn: “Phải chăng chúng ta cần một đôi mắt không biết chớp của bầy cá. Hay chúng ta cần một đôi vây lớn của tâm hồn” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc một).
 
Những điểm nhìn tự sự đó thống nhất trong một giọng kể. Trong lí thuyết trần thuật “giọng điệu (voice) chỉ thâm nhập vào trong tác phẩm thông qua tri giác tưởng tượng của người đọc” và là “một cấu trúc hướng đến độc giả”. Ở đây “tri giác tưởng tượng của người đọc” cho ta một kinh nghiệm về giọng kể từ một cái “tôi” đàn ông, nam tính, trải nghiệm, “lăn lóc”, “bụi”, nhưng thẩm mĩ ngầm.
 
Nó trầm, “gầm gừ”, âm vang, mạnh mẽ, thường gọi ra bản chất của sự vật, (khác đương nhiên với giọng nữ tính, nhẹ nhàng, trong trẻo, buồn sang trọng, dịu dàng, - lấy giọng thơ “hạt dẻ” của Tuyết Nga làm ví dụ). Cái “tôi-nhà thơ” đang đi tìm bản chất đích thực của sự vật qua cái nhìn “không biết chớp” của cá và khát vọng ngụp lặn của “đôi vây lớn của tâm hồn” và anh băn khoăn kêu gọi. Đương nhiên, tất cả những “dụng cụ” đó chỉ là những ẩn dụ thơ.
 
Những phát ngôn mang tính chất trách nhiệm, vai trò của nhà thơ đã khiến thơ Nguyễn Quang Thiều mang nội dung “cổ điển”. Đây chính là điểm đầu tiên cho thấy thơ anh không “khó đọc” như cái cách mà chúng ta hay bị “vô thức cộng đồng” chi phối!
 
Tôi bắt đầu từ điểm nhìn tự sự trong thơ Châu thổ. Nhân vật trữ tình (nhân vật trữ tình trong thơ khác với nhân vật trong thơ trữ tình: “em” trong Lời kỹ nữ là loại đầu; cô gái trong Tiếng hát sông Hương là loại sau) thường mang giọng nói day dứt, trăn trở trong “bóng tối” không gian, thời gian, có thể còn là ẩn dụ cho con đường lần mò, tìm kiếm.

“Chàng trở thành kẻ điên khùng của thế giới câm ngọng / Và luôn luôn mang gương mặt của đứa trẻ đau ốm / Nhưng đêm đêm đầu chàng lắc lư một quả chuông lớn / Tiếng nó làm rung những vòm cây và những ngọn đồi (Nhà thơ) và “Không là ma quỉ, không là thánh thần / Cháy một ngọn lửa rực rỡ nhưng không giấu đất đá và củi rác phía dưới / Các ngươi nghi ngờ phần ánh sáng và nguyền rủa phần bóng tối”  (Nhà thơ 2).

Hai phát ngôn không trực tiếp ở ngôi “tôi”, điểm nhìn ở ngôi thứ ba hoặc là “chàng” hoặc vô nhân xưng, nhưng đó chính là cái nhìn của một cái “tôi” ở ngôi thứ 3 vào thế giới “câm ngọng”, thế giới của những kẻ “nghi ngờ phần ánh sáng và nguyền rủa phần bóng tối” -, nghĩa là một thế giới không hoàn hảo. Trước một thế giới như vậy, “đêm đêm” nhà thơ phải phát ra âm thanh của “quả chuông lớn” và ánh sáng của “ngọn lửa rực rỡ”. Cả âm thanh, cả ánh sáng được phát khởi từ nhà thơ trong một “thế giới câm ngọng” đương nhiên đã là phát ngôn sứ mệnh.
 
Chúng ta sẽ gặp “đêm đêm”, - xảy lặp (itératif), - nói một lần cái điều xảy ra nhiều lần, - thường trực những đau khổ, tự vấn trong Cây Ánh sáng. Cấu trúc của toàn bài Cây Ánh sáng là sự đan xen nhịp nhàng giữa các ngôi kể của “người kể chuyện” và nhân vật trữ tình: khổ 1 kể ở ngôi thứ 3 “Ngồi sâu trong bóng tối bệnh tật, một thi sỹ…” (A); khổ 2, ngôi thứ nhất: “Hỡi Chúa Trời, con quỳ dưới chân người…” (B); khổ 3, trở lại ngôi thứ 3: “Bóng đêm vẫn vây bọc chàng mỗi lúc một dày…” (A); khổ 4, ngôi thứ 1 và lặp lại: “Hỡi Chúa Trời, xin cho con được quỳ dưới chân người” (B); khổ cuối cùng, trở lại ngôi thứ 3: “Và lúc này chàng nghe thấy tiếng chân…” (A).
 
Cấu trúc luân phiên nhịp nhàng của 2 ngôi trần thuật:
 
A – B – A – B – A
 
Khổ cuối cùng A trở lại gặp khổ đầu tiên A là nguyên lí song song của thơ, chưa kể sự lặp lại cả đoạn thơ “Hỡi Chúa Trời,…” vọng từ khổ 2 xuống khổ 4; “bóng đêm” vọng từ khổ 1 xuống khổ 3.
 
Đây chính là bước đầu tiên để nhận diện bài thơ. Giữa thơ văn xuôi và văn xuôi khác nhau chính là ở điểm “lệch chuẩn” này: sự luân phiên lặp lại của nhịp, của hình ảnh, của ngôi kể mà văn xuôi thường không cần biết đến. Thơ mang hình thức của “múa” là vì vậy. “Thơ là “múa”, truyện kể là “đi” ” (Valéry). Nó quay vòng trở lại cái bước khởi phát.
 
Jean Cohen trong Cấu trúc ngôn ngữ thơ đã chỉ ra tính chất hiện diện trong mọi bài thơ và vắng mặt trong văn xuôi: “Vì văn xuôi là ngôn ngữ thông thường, người ta có thể lấy nó làm quy phạm và xem xét bài thơ như một sự sai trật qua mối quan hệ với nó”( ). Ông cũng lưu ý: “một số sai trật mang tính thẩm mĩ còn số khác thì không”. (Ý sau là cảnh báo đối với các nhà thơ không nắm vững ngữ pháp thơ, nhân danh “thơ tự do”, bất chấp vần luật, thì sự sai trật đó lại không mang tính thẩm mĩ).
 
Sự “sai trật” mang tính thẩm mĩ trong Cây Ánh sáng là ở chỗ lặp lại dưới hình thái xưng tụng gần với thi pháp của Thánh kinh, không chỉ ở hình tượng Chúa, bên cạnh cấu trúc rất vững A – B – A ,… mà tôi vừa phân tích bên trên. Câu thơ miên man, vô tận, phù chú: “Người đã cho con ngôn từ để con cất lên trong cả những câu thơ chưa kịp làm lễ đặt tên đã biến mất / Con đã sinh ra trên thế gian này con đã uống sữa thơm và mật ngọt của người…”, v.v. mà có thể ta hình dung sau đấy là “Amen!”. Nhạc thơ ở đây xen kẽ giữa các vần bằng trắc, lên xuống theo nhịp của hơi thở.
 
Xét về “trường ngữ nghĩa” (“champ sémantique”), tính chất tự vấn, đối thoại và giác ngộ được diễn đạt dưới hình thức đối thoại ở khổ 3 giữa “chàng ánh sáng” và “chàng bóng tối” hay “người ngoài gương” và “người trong gương”. Cả bài thơ là một sự dằn vặt, chiêm nghiệm, đau khổ của nhân vật trữ tình trong “bóng tối” và một thứ “ánh sáng” thiêng liêng, thần bí, màu nhiệm, thiên khải (illumination) đã đột ngột chiếu rọi sứ mệnh của nhà thơ vào hồi cuối.
 
Đoạn kết bài thơ (tôi gạch chân):

“Chàng quỳ xuống và ngước lên Cây Ánh Sáng vĩ đại nhất đang tỏa mãi tán lá ban mai khổng lồ
 
Miệng chàng mở những cánh đồng hoa rực rỡ và giọng nói chàng cất lên
 
Hoà cùng giọng nói của côn trùng, của sói, của đại bàng, của lạc đà… trong cùng ngôn ngữ
 
Và lúc này dù chàng là côn trùng, là con sói cô đơn, là đại bàng, là lạc đà, là quỷ dữ…
 
Thì tất cả đều đến được miền đất ngập tràn ánh sáng, tất cả được hoà làm một
 
Trong một ánh sáng ấy, một âm nhạc ấy, một ngôn ngữ ấy, trong một bầu trời ấy
 
Và Người đã biến chàng trở thành một chiếc lá nhỏ
 
không bao giờ tàn úa
 
trên cành của tán lá ban mai kỳ vĩ trong vũ trụ ngập tràn”.

Đối lập (“bóng tối” / “ánh sáng”) gần như triệt để với đoạn mở đầu của bài thơ:

“Ngồi sâu trong bóng tối bệnh tật, một thi sỹ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên của số phận bất trắc và ái tình, trái tim chàng nhiễm trùng sưng tấy (…) / Chàng ngồi đó suốt đêm trống rỗng như lồng ngực không có tim, đôi lúc sợ hãi không dám cất lời đối thoại / Với cả một con kiến bò lang thang vô định trên chiếc bàn rộng trong đêm / Đôi lúc chàng không dám cầm trái tim mình đặt vào chỗ cũ trong lồng ngực tối đen / Bởi chàng sợ những đau đớn, những tuyệt vọng và cả những cơn mơ (…) / Chàng muốn ra đi khỏi thế gian này trong đêm tối khi tất cả còn đang say ngủ / Nhưng lần nào cũng vậy chàng không thể rời khỏi chiếc ghế hành hình lương tâm do chính chàng đặt trong căn phòng mà chàng sẽ tự nguyện ngồi vào đó đêm đêm / Khi chàng đủ can đảm đứng lên thì ban mai lại đến với chàng sớm hơn thần chết một bước chân”.

Kể ở ngôi thứ ba - “chàng”, cái “tôi” ở ngôi thứ 3 đang phân thân nhìn vào cái “nó”: “Ngồi sâu trong bóng tối bệnh tật, một thi sỹ trong thị xã bé bỏng bị trúng mũi tên…” thì “bệnh tật” là của “bóng tối” hay của chàng “thi sỹ”? Vế sau cho ta thấy là của cả hai, đều đang “đau khổ”. Thế giới nội tâm của nhà thơ được diễn đạt qua sự “sai trật” ngữ pháp xét trong mối quan hệ với quy tắc điển phạm của văn xuôi. Trong suốt cả 7 câu trích cách quãng trên, thì có đến 6 câu là những “bóng tối”, “suốt đêm”, “trong đêm”,… và cả xảy lặp “đêm đêm”- nói đến sự “trường kì” của đau khổ, suy tư, chiêm nghiệm, để cuối cùng là “ban mai lại đến sớm”.
 
Ở đây, “bóng tối” mang chức năng “xúc tác”, điều kiện để nhà thơ suy tưởng, chiêm nghiệm và sáng tạo. “Bóng tối” “chủ âm” là tiêu điểm, nó “làm lớn mạnh lên lực cố kết của cấu trúc” qua sự tăng trưởng dần từ thì hiện tại đến thì tương lai.
 
Trở lại với cấp độ ngữ nghĩa, nhân vật “chàng” làm chủ thể trung tâm đang đối thoại “câm” với nội tâm mình qua “mũi tên của số phận”, “ái tình”, “trái tim”, “lồng ngực”, “tuyệt vọng”, “cơn mơ”, trên “chiếc ghế hành hình lương tâm”. “Chàng thi sỹ”, dù ở ngôi thứ ba, nhưng vẫn là nhân vật trữ tình trong thơ ở dạng phân thân tách ra khỏi chủ thể trữ tình “tôi”, “ta” quen thuộc. Đây là một nét hiện đại trong phong cách tự sự của thơ Châu thổ, khiến nó rời khỏi địa hạt trữ tình, diễn xướng cái tâm sự “não nùng” của cá nhân, lấy mình làm trung tâm cảm thán: đọc bài thơ “tâm tình” kiểu đó người đọc sẽ nắm dễ dàng được “lí lịch trích ngang” của nhà thơ.
 
(Trong Tống biệt hành cũng có sự phân thân thành ngôi thứ ba “Người đi! Ừ nhỉ,…”. Nó biểu diễn một thế giằng xé, mâu thuẫn nội tâm giữa chủ thể với khách thể. Tính chất phân thân, lắp ghép (montage), ngổn ngang, cắt dán theo kĩ thuật của điện ảnh, hội họa hiện đại, trỏ cái hiện thực chưa hoàn hảo cũng như nỗi cô đơn của con người: “con người là mảnh vụn cô đơn bị văng ra từ một “vụ nổ” lớn của thiên-hà-đời sống đã từng ổn định trong vũ trụ thi ca với nhịp thở và ánh sáng êm ái”( ) vốn đã quen thuộc).
 
Nhân vật trữ tình trong “đêm”, “bóng tối”, “tối”, “trăng”, “đen”… của Nguyễn Quang Thiều có tham dự phần nào vào sự “văng ra” đó không?
 
Cây Ánh sáng mang tiếng nói tiên tri về sứ mệnh của nhà thơ bước ra từ “bóng tối” lao động, cô đơn, đau khổ,… đến với “ánh sáng” và vinh dự được làm “chiếc lá nhỏ / không bao giờ tàn úa” để hát lên tình yêu, cái đẹp và cả sự khổ đau của con người.

“– Chúng ta gieo hạt. Chúng ta gieo hạt / Sứ mệnh của chúng ta, sứ mệnh không bao giờ được nói trước / Chúng ta gieo hạt, những ngôi sao đổi ngôi / Đường bay của ánh sáng vang tiếng vỗ cánh bóng tối” (Nhịp điệu châu thổ mới, Chương sáu)
 
 
Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (Thơ tuyển lần thứ nhất)
 
 
  • Đào Duy Hiệp
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc