Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (3)

21:53, Thứ ba 29/11/2011

( PHUNUTODAY ) - “Tóc” là một ám ảnh đặc biệt trong thơ Châu thổ: nó được diễn tả ở mọi cấp độ mà càng về sau càng huyền ảo, lung linh; “tóc” được kết hợp với “đầy”, “dòng”, “dài bất tận”, “chói sáng”, so sánh với “đám rong biển”, với “vỡ xối xả”,…

(Phunutoday) - Chức năng của “bóng tối” ở đây còn mang tính chất đối lập với “ánh sáng”, đồng thời vươn tới ánh sáng: “Đường bay của ánh sáng vang tiếng vỗ cánh bóng tối” là sứ mệnh của nhà thơ. Các hình thức “vỗ cánh bóng tối” hay sự “chuyển động” của bầy sên trong “đêm trăng” đều như hướng tới ý thức về một thực tại khác. Ngày nay, thơ hiện đại đã bất chấp đề tài (con “ốc sên” vẫn có thể “bò” được vào thơ), như Jacobson ví với lão già Karamazov “Không có đàn bà xấu”. Vấn đề là “tính thơ” (poécité), – yếu tố thể loại đặc thù của thơ (“sui generis”),“một yếu tố không thể hòa tan một cách cơ giới vào những yếu tố khác”.

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều
Nói cách khác, một tác phẩm có tính thơ là một tác phẩm thơ. Nhưng tính thơ được biểu hiện thế nào? Jacobson đã hỏi và tự trả lời: “Trong đó, từ được cảm nhận như từ mà không phải giản đơn là cái thay thế vật được gọi tên cũng không phải là sự bùng nổ của cảm xúc. Trong đó, các từ và cú pháp, ý nghĩa, hình thái bên ngoài và bên trong của chúng không phải là những biểu thị vô tình về hiện thực, mà chúng có trọng lượng và giá trị đặc thù của chúng”.
 
Từ lí thuyết thơ, xét vào trường hợp Nguyễn Quang Thiều, “tính thơ” (từ ngữ, cú pháp, những giá trị đặc thù,…) trong thơ anh đã đương nhiên được công nhận, chỉ có điều nó “lạ” và tương đối khó thưởng thức, liên quan đến “tầm đón đợi”, - đây là khái niệm hạt nhân trong lí thuyết tiếp nhận của H.R.Jauss trong Về một mĩ học tiếp nhận- tức là, khi chưa cầm cuốn sách lên người đọc đã có sẵn một “tầm đón đợi” (kinh nghiệm, ý thức hệ, truyền thống, lịch sử, vốn văn hóa, tri thức thẩm mĩ,…) của thời đại rồi.
 
Thơ Châu thổ mang chủ yếu xoay quanh đề tài về làng quê, dòng sông, gieo cấy với những số phận con người ở đó, nhưng nó vẫn khó tiếp nhận, vẫn nằm ngoài “tầm đón đợi” bởi tác giả đã chủ tâm từ bỏ “chiếc áo” hình thức, tức là cái vỏ thanh âm về vần luật, mà đi vào nhịp điệu ẩn giấu của nhịp thở xuất phát từ nhịp của hình ảnh, liên tưởng, những đối thoại,…; và những câu thơ dài triền miên, “mộng mị”, những “ảo giác”,….
 
Chủ âm luân phiên của “bóng tối” trong đời sống nghệ thuật, đời sống của thơ mà tôi lấy làm đề từ: “Tôi phải chơi thay những nhạc công đã chết / Và những cây kèn bị lãng quên trong bóng tối cánh đồng” (Hồi tưởng, Hồi tưởng tháng tư). (Ta hay gặp những ẩn dụ cho thơ qua “cánh đồng”, “gieo hạt”, “bài ca”, “hát lên”,… trong thơ Châu thổ). Và những câu hỏi vừa bi đát, “siêu hình”, vừa “tăm tối”: “Sự cấu tạo trăng, sự cấu tạo côn trùng, sự cấu tạo người / Sự cấu tạo nào nhiều máu hơn, sự cấu tạo nào nhiều bóng tối hơn” mang tính triết học về bản chất của sinh tồn ngay ở sự vật vô tri (“trăng”). Chức năng triết lí của “bóng tối” hay nhờ/qua “bóng tối” mà triết lí về thơ, về đời sống hiện diện khá nhiều trong thơ Châu thổ.
 
Gaston Bachelard, nhà triết học, nhà phê bình phân tâm học nổi tiếng, trong Thi pháp về không gian, đã viết: “Hình ảnh không phải là tiếng vang của quá khứ. Đúng ra là ngược lại: qua sự chói lọi của hình ảnh, cái quá khứ xa xôi vọng lại tiếng vang”( ). Những dòng thơ “chói lọi” về “giấc mơ” từ trong “bóng tối” làm vang lên niềm vui “chan hoà” giữa thiên nhiên, đồng ruộng:

“Dậy lên cơn mơ, đằm thắm giấc ngủ / Nụ cười đổi ngôi lướt trên môi tối / Bóng đêm thay mùa vọng tiếng sột soạt ấm áp và quen thuộc / Và bình minh sang trọng đang phơi tóc trong bóng tối / Những mí mắt cổ, héo khô được tưới tắm, non tươi và ứ nhựa / Và cái nhìn không biết chớp nổ tung những vỏ mắt dày / Trong những hốc tối khổng lồ chúng tôi ngửa mặt / Nhìn con đường của Người, và chúng tôi đẹp chan hoà” (Nhịp điệu châu thổ mới, Chương năm)

Có thể thấy, “bóng tối” từ điểm nhìn của nhà thơ có ba chức năng chính: a. chức năng “xúc tác”; b. chức năng đối lập với “ánh sáng” đồng thời để vươn ra ánh sáng của thơ, của cái đẹp và đời sống con người; c. chức năng triết lí.

4.2. Những người phụ nữ (Người bà; Người mẹ; Thế giới phụ nữ trong “bóng tối”)
 
Cùng với những dòng sông, ban mai, con gà, con chó, con kiến, con ốc sên, con cuốc, cây rơm, cha, mẹ, người đọc còn gặp nhiều số phận “đàn bà” (nhắc đến chức năng nguyên thủy, không uốn lượn, “lịch sự”, được lặp lại đến trên 30 lần trong tập thơ, mà không thấy có “phụ nữ” hay tôi chưa tìm thấy trong thơ Châu thổ? Không rõ trong trường hợp này, việc sử dụng từ thuần Việt của nhà thơ có phải là một định hướng tới bản chất, cội rễ của đời sống bên cạnh việc gọi tên đích danh của con người, sự vật?)
 
Người bà nội của nhà thơ trong Châu thổ có những nét của cổ tích: nhân hậu nhưng huyền ảo với mái tóc thật dài và một giọng nói như từ thế giới khác vọng về. “Có lần tôi đã nói rằng, bà tôi - một nông dân không biết chữ - là nhà văn đầu tiên và vĩ đại của tuổi thơ tôi” như Nguyễn Quang Thiều đã viết trong “thay lời tựa”. (Trong Đi tìm thời gian đã mất của Proust, người kể chuyện cũng có người bà nội, người mẹ thật tuyệt vời, giống như người bà, người mẹ của Nguyễn Quang Thiều).
 
Từ những lời “tự thuật” trong “thay lời tựa” đến thơ anh, rất gần, “mái tóc” của bà nội được người mẹ của nhà thơ đặt từ mép giường để gội “chảy xuống đầy chiếc chậu thau đồng” dưới đất, trong hồi ức hiện về. Những lời thơ đẹp và buồn:
 
“Trong bóng tối ấu thơ, tôi cần giọng nói / Từ góc buồng ẩm mốc của bà tôi / Cây đèn của kí ức ốm đau cạn dầu và sợi bấc / Bò đến sát tai tôi, nức nở nguyện cầu / Đó là tháng bà tôi đòi cắt tóc / Cha tôi mang tóc bà tôi chôn xuống cánh đồng / Cỏ mộ tóc tốt tươi trong bóng tối / Tôi trốn bà ra khóc tóc bà tôi” (Hồi tưởng, Hồi tưởng tháng Hai).

“Trong bóng tối ấu thơ” thì không hẳn tuổi “ấu thơ” đã ngập tràn “bóng tối” khổ đau, bởi đứa trẻ, dù trong túp lều hay trong lâu đài, ít nhiều đều có một “thiên đường tuổi thơ” do chưa phải nghĩ ngợi. (Con người đau khổ phần nhiều do nghĩ ngợi). Theo tôi, “bóng tối” ở đây có thể mang nét nghĩa của không gian vật chất (căn buồng); cũng có thể một ấu thơ ít niềm vui trước người bà ốm đau mà đứa trẻ có cái nhìn u ám trước tuổi đồng nghĩa với tình thương yêu thiêng liêng đối với “nhà văn đầu tiên và vĩ đại của tuổi thơ tôi”. “Cây đèn của kí ức ốm đau cạn dầu và sợi bấc” mang nhiều ý nghĩa thương cảm.
 
Nó được “nén” trong những con chữ chen chúc và “mất trật tự”: “Cây đèn (…) cạn dầu và sợi bấc” ẩn dụ cho tuổi già, “liên văn bản” với ý thức cộng đồng (“chuối chín cây”; “ngọn đèn trước gió”), nhưng “ký ức ốm đau” chen vào giữa đã “gánh” cả hai chiều chủ thể và đối tượng, - “ký ức” của cả người ở lại và người đã ra đi. Qua đó diễn đạt tình cảm của nhân vật trữ tình đối với người bà.
 
Trong Từ điển biểu tượng văn hoá thế giới, “Cắt tóc không chỉ tương ứng với sự hi sinh, mà còn cả với sự đầu hàng: đó là sự chối từ - tự nguyện hay bị bắt buộc - một số năng lực, một số đặc quyền và cuối cùng là tư cách cá nhân của mình”( ). Ở đây là một sự “đầu hàng” tự nguyện của người bà nội của nhà thơ trước định mệnh – sự tất yếu của tuổi già. Cũng trong Từ điển trên, “tóc còn được xem như nơi trú ngụ của linh hồn”, có lẽ bởi vậy mà cái “thế giới tóc” ấy sẽ ám ảnh nhà thơ tương lai từ khi mới 8 tuổi cho đến tận lúc trưởng thành. Phê bình tiểu sử và phê bình phân tâm học cho thấy: ấn tượng tuổi thơ trở thành một ám ảnh vô thức sẽ theo nhà thơ trong suốt cuộc đời.
 
Đó là một thế giới tóc với nhiều cấp độ khác nhau: tình yêu: “Em đã thiếp ngủ / Trên một thế giới đầy tóc. (…) Và trên một thế giới đầy tóc / Tôi đã lặng im” (Lúc ba giờ sáng); mộng mị, hư ảo: “Tôi dứt tóc xanh nhai trong miệng đắng / Trong cơn mê tôi ăn hết tóc mình” (Trong tiếng súng bắn tỉa); “uống chầm chậm những dòng tóc” (Nhịp điệu châu thổ mới); huyền thoại: “Đứa bé ngủ…, và tóc nó đẹp làm sao.
 
Mái tóc rập rờn như lá cây trong gió” (Nhân chứng của một cái chết, Khúc mười bảy); “Lily mở cửa lớn lên, tóc dài bất tận trong ký ức” (Món quà cuối cùng của Giáng sinh); “Một thiếu nữ Achill đi trên sườn đồi, nàng tạc bằng đá hoa cương trắng / Mắt nàng là hai viên ngọc xanh, tóc nàng như một đám rong biển dập dờn, tâm hồn nàng là sao mai” (Bài ca ban mai trên những quả đồi Achill); hiện thực mà vẫn hư ảo: “Những bối tóc goá bụa xổ tung cười ngất” (Dưới trăng và một bậc cửa); “Những bối tóc vỡ xối xả trên lưng áo mềm và ướt” (Những người đàn bà gánh nước sông) (“bối tóc” là ẩn dụ cho người “đàn bà”, nhưng “cười ngất” cho cả chủ thể và cho cả ẩn dụ); cả những giả trang:
 
“Một nữ diễn viên…, giờ đang tháo mái tóc giả và lau son phấn” (Nhân chứng…, Khúc mười lăm); và những hiện thực huyền ảo: “Những người đàn bà già của làng đồng phục màu nâu / (…) / Tóc họ chói sáng, tung những tia sáng vô tận / Mắt họ mở một vũ trụ tối đến trong vắt, sáng đến u huyền / Họ ngồi xuống trong vòm sáng vang vang của nến” (Nhịp điệu châu thổ mới, Ch. 4); v.v. (Tiện thể, nói thêm về những kết hợp lạ: “vòm sáng vang vang của nến”, ánh sáng mang âm thanh. Ở một chỗ khác, “bóng tối mê man”, “ánh sáng đầm đìa” (Nhịp điệu Châu thổ mới, Ch. 6) hay gần như một nghịch dụ (oxymore): “tối đến trong vắt, sáng đến u huyền”).
 
“Tóc” là một ám ảnh đặc biệt trong thơ Châu thổ: nó được diễn tả ở mọi cấp độ mà càng về sau càng huyền ảo, lung linh; “tóc” được kết hợp với “đầy”, “dòng”, “dài bất tận”, “chói sáng”, so sánh với “đám rong biển”, với “vỡ xối xả”,… tất cả đều thuộc sở hữu của người nữ; còn hành động ăn “tóc xanh” gần như ẩn dụ cho sự tiếc nuối tuổi trẻ và cả điên rồ.
 
“Thế giới đầy tóc” trong thơ Nguyễn Quang Thiều nếu nghiên cứu kĩ hơn về các cấp độ hình ảnh, ẩn dụ có lẽ sẽ rút ra được những điều thú vị hơn nữa. Nhưng tính chất linh thiêng, huyền bí, “nơi trú ngụ của linh hồn” của tóc đã làm nên một tài năng thơ thì lại là điều đáng lưu ý. Bên cạnh đó, những hình ảnh thuộc thể “lỏng”: “nước”, “mưa”, “sông”, “sương”, “khóc” mà trong biểu tượng văn hoá thế giới nói đến ba chủ đề chính: nguồn sống, phương tiện thanh tẩy và trung tâm tái sinh, lại là những ám ảnh khác xuất hiện nhiều trong thơ Nguyễn Quang Thiều.
 
Chúng gắn với phần âm, thuộc tính nữ. Tâm phân học Jung cho biết “tính nữ” là một phương diện của vô thức gọi là animage, nó “hiện thân của tất cả những khuynh hướng tâm lí nữ tính của tâm hồn con người, ví dụ như những tình cảm, những tâm trạng mơ hồ, những trực giác tiên đoán, tính nhạy cảm về sự phi lí, năng lực tình yêu cá nhân, tình cảm đối với thiên nhiên và sau cùng, - nhưng không phải là kém hơn, là những mối liên hệ với vô thức”. Đó cũng là một đề tài thú vị mà có thể vào dịp khác tôi sẽ đề cập đến.
 
 
Cấu trúc thơ Châu thổ của Nguyễn Quang Thiều (Thơ tuyển lần thứ nhất)
 
 
  • Đào Duy Hiệp
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc