Cha mẹ làm ngơ cận thị: con có thể hỏng mắt!

10:10, Thứ sáu 22/01/2016

( PHUNUTODAY ) - (Phunutoday) - Cận thị là một trong những tật khúc xạ phổ biến nhất hiện nay, đặc biệt ở lứa tuổi học đường

Bởi vậy, nhiều bậc phụ huynh còn xem nhẹ tác hại của chúng, thậm chí “tiếp tay” cho các cửa hàng kính kém chất lượng, dẫn tới nhiều biến chứng nguy hiểm cho trẻ. 

Hậu quả cua việc coi thường tật cận thị?

Cận thị là tật khúc xạ quen thuộc và trở thành hiện tượng phổ biến, đặc biệt ở trẻ em trong lứa tuổi học đường. Một số nguyên nhân gây ra cận thị ở lứa tuổi này là do không gian học tập không đủ ánh sáng, bàn ghế không phù hợp với tầm vóc, tư thế khi ngồi học không chuẩn, chương trình học tập quá tải khiến mắt phải làm việc với tần suất dày đặc, gây căng thẳng. Đặc biệt, các em nhỏ thường xuyên đọc truyện hay sử dụng các thiết bị như tivi, máy tính, điện thoại di động, máy tính bảng… đều có nguy cơ mắc tật khúc xạ cao hơn.

Tại Việt Nam hiện nay, số lượng trẻ em từ 6 – 15 tuổi mắc các tật khúc xạ như cận thị, loạn thị là khoảng hơn 3 triệu người. Con số này sẽ càng tăng nhanh nếu như chính các em không thay đổi thói quen sinh hoạt, học tập của mình và các bậc phụ huynh không quan tâm đúng mức tới đôi mắt của trẻ.

Số lượng trẻ em mắc tật khúc xạ ngày càng nhiều

Theo các chuyên gia về mắt, việc cung cấp kính đúng độ là một trong những can thiệp hiệu quả và hợp lý nhất, góp phần giảm tỷ lệ các bệnh mù lòa có thể phòng tránh được. Tuy nhiên, trên thực tế, yêu cầu này vẫn thường bị các bậc phụ huynh xem nhẹ vì quan niệm cận thị không nguy hiểm khiến tật khúc xạ học đường đang diễn biến theo chiều hướng phức tạp, nhiều đôi mắt của các em học sinh có nguy cơ từ “tật” thành “bệnh”.

Ở lứa tuổi này, mắt chịu tác động nhiều của các hoạt động nhìn gần và cấu trúc nhãn cầu còn thay đổi theo môi trường sống, do vậy vẫn xảy ra hiện tượng tăng độ cận. Nếu để cận thị biến chứng nặng, trẻ có thể bị thoái hóa võng mạc, bong võng mạc, từ đó dẫn tới nguy cơ mù lòa, có khả năng di truyền sang cả các thế hệ sau. Ngoài ra, cận thị nặng cũng sẽ làm ảnh hưởng đến sự phát triển trí tuệ của trẻ, gây bất lợi trong sinh hoạt và học tập.

Mắt bị cận thị

Mua kính như đi chợ, phụ huynh đang hại con

Hiện nay, tại các thành phố lớn, các cửa hàng kính thuốc đang mọc lên như nấm sau mưa. Các phụ huynh vẫn thường tự chẩn đoán bệnh cho con rồi đưa chúng tới các hiệu kính đo mắt, và chắc chắn 100% con em được đo mắt đều được các chủ cửa hàng chỉ định phải đeo kính. Trên thực tế, không phải ai bị cận cũng cần đeo kính. Trẻ cận dưới 0,75D có thể được hướng dẫn các bài tập cho mắt và các chế độ nghỉ ngơi thay vì sử dụng kính thuốc. Tuy nhiên, vì lợi ích kinh tế mà vô hình chung, các cửa hàng đã góp phần khiến đôi mắt khách hàng phải chịu nhiều mệt mỏi và suy giảm thị lực.

Một số nghiên cứu trong nước chỉ ra rằng có tới 80% số lượng kính thuốc hiện nay không đạt tiêu chuẩn và thường mắc phải các lỗi như sai khoảng cách đồng tử, lệch tâm, sai độ, quá rộng hoặc quá hẹp so với khuôn mặt… Trong khi các bậc phụ huynh phó mặc hết cho các cửa hàng thì hậu quả mà các em phải gánh chịu khi đeo phải kính kém chất lượng là hiện tượng nhức mỏi mắt, rối loạn điều tiết, dẫn đến thị lực ngày càng giảm sút, thậm chí là các biến chứng nghiêm trọng như đã nêu ở trên.

Bác sĩ đo tâm mắt để kỹ thuật viên lắp tâm kính trùng với tâm mắt

Bác sĩ Trần Thị Dung (Phòng khám chuyên khoa mắt Skymond – Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: “Trong quá trình thăm khám, bản thân tôi và các đồng nghiệp đã gặp không ít trường hợp bị biến chứng không thể phục hồi và suy giảm thị lực trầm trọng do đeo kính cận, kính viễn sai số. Có những bé đeo kính gọng rộng, trễ xuống mũi nên mỗi khi nhìn đều phải rướn mắt, có bé lại đeo mắt kính áp sát vào mắt. Đây đều là những loại kính không đúng và gây ảnh hưởng nhiều đến tầm nhìn. Một cặp kính thuốc không chỉ cần phải đo về độ cận, mà còn phải đảm bảo chiều rộng của gọng, chiều dài của càng kính. Mắt kính đúng độ, đúng tâm trục thị giác. Tuy nhiên, không phải ở cửa hàng kính nào cũng có kỹ thuật viên nắm được những điều cơ bản này, vì vậy nhiều người bị tật khúc xạ nhưng đeo kính lại nhìn hình méo, gây nhức, mỏi mắt”

Thị trường kính thuốc tại các thành phố lớn đang ngày càng trở nên “bát nháo”. Chủ cửa hàng thường kiêm luôn vai trò của bác sĩ, y tá, kỹ thuật viên, nhân viên tư vấn và kết quả phụ thuộc hoàn toàn vào máy đo độ khúc xạ tự động. Thế nhưng, sự thật là loại máy này chỉ hỗ trợ từ 30 – 40%, số còn lại cần có sự can thiệp của các y bác sĩ – những người có chuyên môn sâu về nhãn khoa để đảm bảo kết luận đúng tình trạng của mắt.

Các cửa hàng kính chất lượng phải có phòng khám mắt chuyên khoa được chấp phép hoạt động và có nhân viên tư vấn riêng để giúp khách hàng lựa chọn kính phù hợp với giải phẫu vùng tai mũi

Chính vì vậy, các bậc phụ huynh nên tìm hiểu kỹ và biết cách quan tâm, chăm sóc đôi mắt của con mình. Khi phát hiện con có vấn đề về mắt, đặc biệt là dấu hiệu cho thấy suy giảm thị lực, bạn nên đưa con tới các cơ sở y tế hoặc các cửa hàng kính có phòng khám chuyên khoa đã được cấp phép hoạt động để kiểm tra, cắt kính điều chỉnh khúc xạ và tái khám sau từ 6 tháng đến 1 năm.

Ngoài ra, để phòng tránh tật cận thị, bạn cũng nên đưa con đi kiểm tra mắt thường xuyên để đảm bảo “cửa sổ tâm hồn” của con luôn khỏe mạnh.

Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tin nên đọc