1. Con luôn nhớ có bố mẹ đứng sau con, giúp đỡ con
Một đứa trẻ cảm thấy an toàn, có cha mẹ chống lưng thường sẽ tự tin và mạnh mẽ hơn. Cha mẹ hãy để con tin tưởng, dựa dẫm, cho con biết có cha mẹ luôn ở phía sau, sẵn sàng giúp đỡ con, bảo vệ con.
Một khi con là đứa trẻ tự tin, mạnh mẽ thì cũng sẽ hạn chế những nguy cơ bị bắt nạt, vì kẻ bắt nạt thường chỉ nhắm đến những đứa trẻ có vẻ yếu đuối, sợ sệt.
2. Dặn con phải biết tự bảo vệ mình, không sợ hãi
Đây là nguyên tắc chủ yếu phải dạy con từ thuở còn thơ, đó là dặn dò con phải học cách tự bảo vệ mình.
Cha mẹ đừng yêu cầu con phải nhún nhường, phải chịu đựng khi ai đó bắt nạt con, sống hòa nhã, yêu thương phải đúng đối tượng.
Khi người khác làm điều sai với con, đánh con, ăn hiếp con, con cần kịp thời báo lại cho cô giáo, phụ huynh hoặc có những phản ứng nhất định như đẩy bạn ra, hét lớn, phản kháng kịp thời để tình trạng bắt nạt không kéo dài và leo thang.
Nếu con co người lại, thu mình đi khi bị bắt nạt, phản ứng yếu ớt thì sau này bản thân con sẽ luôn đối diện với việc bị bắt nạt.
Chưa kể đến việc con không dám nói ra mình bị bắt nạt, tự chịu đựng, lâu dần biến thành sự ức chế, sợ hãi, tổn thương tâm lý.
3. Dám nói “không” khi cần thiết
Dạy con không gây sự, không đánh nhau nhưng không có nghĩa là con không được phản ứng lại khi có rắc rối.
Những đứa trẻ dễ bị bắt nạt là những đứa trẻ hay thỏa hiệp, chấp nhận những yêu cầu vô lý, khiến đối phương được nước lấn tới.
Vì vậy con không nên trở thành kẻ bắt nạt nhưng cũng đừng thỏa thuận dễ dàng với những kẻ bắt nạt.
Một khi đáp ứng dễ dàng những yêu cầu kẻ bắt nạt đưa ra, chỉ cần có lần đầu sẽ có lần sau. Dạy con kiên quyết nói không khi cần thiết là điều tốt để kẻ bắt nạt không có cơ hội điều khiển con, yêu cầu vô lý với con.
Dạy cho con sự quyết đoán, mạnh mẽ là một cách để con tự bảo vệ mình trước kẻ bắt nạt. Bên cạnh đó, cha mẹ cũng nên rèn luyện thể chất cho con. Một đứa trẻ khỏe mạnh mới đủ tự tin bảo vệ bản thân mình.