Chất lượng dưới tối thiểu,tốt nghiệp cao vì giáo dục thương dân?

06:56, Thứ bảy 17/08/2013

( PHUNUTODAY ) - ĐT Phạm Vũ Luận phải lên tiếng thừa nhận “Giáo dục phổ thông không đảm bảo chất lượng tối thiểu" thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp lại vẫn ở mức cao chót vót.

Chiều 15/8, UB Thường vụ Quốc hội dành thời gian thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về đảm bảo chất lượng và chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Cuộc giám sát được UB Thường vụ tiến hành từ đầu năm 2013, đến nay đã có kết quả cuối cùng.

Trình bày cáo cáo về kết quả giám sát, Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Đào Trọng Thi đi vào từng nội dung rất cụ thể. Một là, quy mô, mạng lưới các cơ sở giáo dục phổ thông, các loại hình cơ sở giáo dục được đánh giá là chưa bám sát định hướng, mục tiêu đề ra và còn bất cập về cơ chế hoạt động, quản lý.

Về tổ chức biên soạn chương trình, sách giáo khoa GDPT, cơ quan giám sát thẳng thắn “phê” quy trình biên soạn ở một số khâu vẫn còn thiếu khoa học. Ngoài ra, việc phân ban không đạt được mục tiêu đề ra, không phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng của học sinh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận:
Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phạm Vũ Luận: "Trên tổng thể giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu".
 
Chủ nhiệm UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng “phê” thẳng, trên thực tế, việc tổ chức chương trình THPT hiện nay gần như không còn là phân ban theo đúng ý nghĩa của nó, mà thực chất là dạy học phân hóa theo các khối thi đại học.
 
Xác nhận nhiều nội dung đánh giá, kết luận của đoàn giám sát, Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận thẳng thắn nhìn nhận, dù đã cải thiện nhiều nhưng trên tổng thể giáo dục phổ thông vẫn không đủ đảm bảo cho chất lượng tối thiểu.
 
Trong khi chất lượng giáo dục đặc biệt là giáo dục phổ thông nước ta còn có rất nhiều vấn đề bất cập, đáng lo ngại đến mức Bộ trưởng GD-ĐT Phạm Vũ Luận phải lên tiếng thừa nhận “Giáo dục phổ thông không đảm bảo chất lượng tối thiểu” thì tỷ lệ đậu tốt nghiệp lại vẫn ở mức cao chót vót.
 
Theo thống kê từ 64 đơn vị gồm Sở Giáo dục Đào tạo các tỉnh, thành phố cả nước và Cục Nhà trường (Bộ Quốc phòng), năm nay tỷ lệ đỗ tốt nghiệp hệ THPT đạt tỷ lệ 97,52%. Tỷ lệ đỗ tốt nghiệp ở hệ giáo dục thường xuyên đạt 78,08%. Năm 20012, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT thậm chí còn cao hơn năm nay, khi đạt mức 98,97%.
 
Việc trong ngành giáo dục tồn tại hiện tượng chất lượng giáo dục ở mức tối thiểu mà tỷ lệ tốt nghiệp lại quá cao đã khiến không ít người cho rằng đó là nghịch lý khó hiểu và không thể chấp nhận. Tuy nhiên nếu chỉ nhìn bề nổi của vấn đề mà quy chụp cho rằng ngành giáo dục có sai phạm thì lại không hề hợp lý. Rất có thể phía sau vấn đề được xem là nghịch lý này lại có nội tình mà nhiều người chưa biết đến.
 
Trong trường hợp này đã có những giả thiết khá hợp lý được đưa ra để lý giải như nguyên nhân của vấn đề trên chính là xuất phát từ tình thương. Có lẽ Bộ Giáo dục thương học sinh đã mất công đi học nếu không cho tốt nghiệp thì rõ ràng là làm khổ các em. Chính vì vậy, tỷ lệ đỗ tốt nghiệp cao được xem là động lực để học sinh cố gắnghọc hết lớp 12 bởi chắc chắn sau khi hoàn thành chương trình học sẽ đậu và sở hữu tấm bằng tốt nghiêp.
 
Hơn nữa, Việt Nam là một trong những đất nước có chỉ số hạnh phúc vào loại cao nhất thế giới, đã là nước hạnh phúc thì việc nhà nhà có học, người người có bằng cũng là chuyện dễ hiểu và vô cùng hợp lý. 
 
Và dường như, đó cũng là một cách để Bộ Giáo dục mang đến niềm vui, sự hạnh phúc cho người dân trong hoàn cảnh khốn đốn hiện nay vì mê hồn trận về giá. Trong khi vật giá leo thang, thuế phí chồng nhau leo cao ngất ngưởng, giá thực phẩm, xăng, điện đều đặn tăng cao... mọi thứ dường như đang tạo ra mê hồn trận bủa vây người dân, nếu ngay cả việc học hành của con em mình cũng không được hanh thông thì rất dễ tạo ra những áp lực vô cùng lớn. Nói không chừng Việt Nam sẽ có thể chuyển từ đất nước hạnh phúc thành đất trầm cảm hàng đầu thế giới.
 
Chính vì vậy, thiết nghĩ, với nhiều người việc chất lượng giáo dục ở mức tối thiểu mà tỷ lệ tốt nghiệp lại quá cao là một nghịch lý nhưng trên thực tế đó chính là những liều thuốc bổ hữu hiệu, tạo động lực giúp người Việt qua cơn khủng hoảng hiện nay.
  • Ngọc Lê (Tổng hợp từ Dân Trí, Phunutoday)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc