Tại buổi Tọa đàm trực tuyến của Báo Công thương điện tử với chủ đề "Phát triển ngành công nghiệp ô tô trong xu thế hội nhập, diễn ra tại Hà Nội, ông Quân cho hay, mục tiêu giá bán xe hợp lý, phù hợp với túi tiền người Việt Nam chưa đạt được. Giá bán xe ở Việt Nam vẫn ở mức cao so với các nước trong khu vực, chất lượng xe mặc dù cải tiến nhưng vẫn không bằng xe nhập khẩu.
Vì vậy, mặc dù cao hơn 20% so với xe lắp ráp trong nước, xe nhập khẩu vẫn hút khách hơn đối với một bộ phận người tiêu dùng.
Ông Nguyễn Mạnh Quân cho rằng, giá thành sản xuất ô tô ở Việt Nam cao hơn khoảng 20% so với các nước ASEAN là do sản lượng thấp, hầu hết các dây chuyền lắp ráp chỉ hoạt động đến 50% công suất.
Giá xe ô tô chưa hợp lý với túi tiền người Việt. Ảnh minh họa |
Điều ông Quân nói lẽ ra phải được nói sớm hơn vì ai cũng biết các mặt hàng ở Việt Nam đều không hợp với túi tiền của người Việt. Thu nhập bình quân đầu người ở Việt Nam năm 2012 là 1.500 USD/năm khoảng hơn 30 triệu đồng/năm. Trong khi đó, giá mỗi chiếc ô tô hiện nay loại rẻ nhất cũng bằng 10 năm thu nhập của người dân. Người Việt muốn đi ô tô loại xoàng xĩnh nhất thì phải nhịn ăn, nhịn tiêu trong vòng 10 năm. Chính vì thế, thị trường sản xuất ô tô của Việt Nam dù được xác định là trọng tâm cũng khó phát triển. Tỷ lệ nội hóa ô tô cũng chỉ đạt dược 7 đến 10% xe con.
Không chỉ có giá ô tô, mà ngay cả giá xăng dầu, giá vàng ở Việt Nam cũng không hợp với túi tiền người dân. Trong khi mức thu nhập thua xa Singapore thì giá xăng dầu ở Việt Nam luôn ở ngưỡng cao và luôn đòi so sánh với giá các nước Mỹ, Trung Quốc và Singapore. Mặc dù giá cao nhưng khác với ô tô, người Việt không có quyền lựa chọn trong mua bán xăng vì đây liên quan đến phương tiện đi lại nên dù đắt đỏ cũng phải bấm bụng mà mua.
Hay như giá vàng, ở nước ta giá vàng luôn luôn cao hơn thế giới từ 3 đến 5 triệu đồng. Không nói đến tỷ lệ giá vàng vì giá niêm yết chung nhưng chỉ tính riêng khoản phần chênh cũng bằng thu nhập của người nông dân cả năm mới làm được số tiền đó. Vậy không có chuyện giá vàng phù hợp với túi tiền người dân. Điều này thì ai cũng nhìn thấy nhưng chẳng ai lên tiếng mà mặc kệ sự phân loại của thị trường, ai có tiền mua nhiều, người nghèo thì đứng xem giá vàng lên xuống.
Đỉnh cao nhất của mặt hàng không phù hợp với túi tiền người dân có lẽ phải nhắc đến bất động sản. Mặc dù hai năm qua thị trường bất động sản phải chứng kiến những cảnh tượng thê thảm sau một thời hoàng kim nhưng đến hiện tại, giá bất động sản ở Việt Nam vẫn cao ngất ngưởng. Trung bình ở các thành phố lớn, giá cao gấp 25 lần so với thu nhập, trong khi khoảng cách tương đương tại các nước châu Âu là 7 lần, Thái Lan là 6,3 lần và Singapore là 5,2 lần.
Cũng chính vì nghĩ giá bất động sản Việt Nam cao vào bậc nhất và sẽ không có điểm dừng nên nhà nhà, người người lao vào đầu tư bất động sản. Thậm chí, có những doanh nghiệp "tay không bắt giặc" cũng xin xỏ làm dự án vì thấy giá bất động sản ở nước ta quá cao, làm lãi quá nhiều. Có thời điểm, doanh nghiệp làm bất động sản báo doanh thu 50 - 70 %. Một con số không tưởng trên túi tiền eo hẹp của người dân. Chính vì thế, ngân hàng cũng ào theo bất động sản cho vay không tiếc nên mới đẩy lãi suất lên đến hơn 20 %. Dù biết lãi suất cũng chẳng hợp với túi tiền người dân. Chính vì thế mới có câu chuyện giải cứu bất động sản và mua nợ xấu hiện nay.
Điểm lại các mặt hàng ở Việt Nam hợp với túi tiền người dân chắc chỉ có vắc xin. Vắc xin tiêm phòng trong chương trình mở rộng được xếp vào loại rẻ tiền ở khu vực, hợp với đại đa số dân nghèo nên nó rất được ưa chuộng. Lại cộng thêm việc miễn phí nên vắc xin này tiêm xong gây chết người cũng phải chấp nhận vì nó hợp với túi tiền người dân.