Giám sát chế độ ăn uống
Việc giảm cân đối với người bị huyết áp thấp cần phải có sự giám sát chặt chẽ. Nếu người bị huyết áp thấp không có các triệu chứng như hoa mắt, chóng mặt, thở dốc, cơ thể suy nhược thì không cần có chế độ ăn đặc biệt để ổn định huyết áp và có thể ăn kiêng đề giảm cân.
Tuy nhiên với những người bị các biểu hiện lâm sàng thì theo bác sĩ khuyến cáo nên lưu ý các vấn đề như không sử dụng các khẩu phần ăn giảm cân nhanh vì rất dễ bị tụt huyết áp bất ngờ. Ngoài ra trong khẩu phần ăn kiêng vẫn phải đủ 4 nhóm thực phẩm là bột đường, đạm, chất béo, vitamin và khoáng chất. Nên chọn thực phẩm ít năng lượng cho bữa phụ xen kẽ với thực phẩm thường bữa ăn chính vẫn giúp giảm cân và tránh được tình trạng huyết áp thấp sau bữa ăn.
Các nguyên tắc giảm cân cho người huyết áp thấp:
1. Chế độ ăn kiêng
- Thực hiện chế độ ăn từng bữa nhỏ, 5-6 bữa/ngày. Mục đích: Chia nhỏ bữa ăn để năng lượng sản sinh sau khi ăn được đốt cháy tối đa, tránh hiện tượng tích mỡ.
- Hạn chế lượng thực phẩm trong mỗi bữa ăn ở mức thấp nhất có thể. Mỗi bữa bạn giảm dần lượng cơm và thức ăn có nguồn gốc động vật, thay chúng bằng rau hoặc củ cải luộc (1-1,5 miệng bát con/bữa).
- Sau khi ăn cơm, bạn nên ra khỏi nơi đang ăn (ra khỏi phòng ăn và đi ra ngòai, tránh cảm giác thèm ăn).
- Khi đói bạn nên sử dụng các loại sữa ít béo và tăng cường calci (thường là các loại sữa dành cho người già hiện có trên thị trường) hoặc 1 lát bánh mì mỏng hay các loại trái cây có năng lượng thấp như dưa chuột, củ đậu.
- Nên chọn quả chín loại không quá ngọt và không quá chua.
- Hạn chế tối đa những thực phẩm giàu chất béo như lạc, vừng, thịt mỡ, các món xào rán, thực phẩm chế biến sẵn, bánh kẹo, đồ ngọt, các thức uống công nghiệp…
- Nước uống: 1,5 – 2 lít/ngày, uống từng ngụm nhỏ, nhiều lần trong ngày
Người huyết áp thấp muốn giảm cân phải tuân thủ một số nguyên tắc như lượng muối ăn nên tăng hơn người bình thường nhưng được tính toán cụ thể để vừa nâng chỉ số huyết áp vừa không bị thừa natri dễ dẫn đến suy tim, đặc biệt là ở người cao tuổi.
Ăn nhiều ngũ cốc, trái cây, rau, ưu tiên sử dụng thịt nạc gà, cá vì rất có lợi cho người huyết áp thấp. Cà phê và trà dùng trong bữa ăn cũng giúp cải thiện tình trạng huyết áp thấp, nhưng không nên uống quá nhiều.
Những người bị huyết áp thấp do bệnh Parkinson, cao huyết áp, đái tháo đường cần chú ý nằm nghỉ sau bữa ăn, hạn chế sử dụng các thực phẩm giầu chất bột như khoai tây, bánh mỳ, mỳ sợi, mỳ ống. Để giảm cân hiệu quả, người bị huyết áp thấp có thể áp dụng các bài tập phù hợp với tình trạng bệnh. Chế độ tập sẽ không khác người bình thường nếu người bệnh không có triệu chứng lâm sàng.
2. Phương pháp luyện tập
Mỗi ngày, bạn cần tiêu thụ 300-500Kcal từ các hoạt động thể lực. Năng lượng này tương đương đi bộ nhanh (đúng kỹ thuật) 30-60 phút. Ngoài ra, bạn có thể tiêu hao năng lượng bằng các hoạt động khác như leo cầu thang, làm việc nhà, đi bơi...
Tuy nhiên, khi mới bắt đầu, bạn không nên tập quá mạnh mà nên chia từng giai đoạn:
- 3 ngày đầu: Bạn đi bộ mỗi lần khoảng 30 phút, sau đó tăng dần lên 45 phút và 1h
- Sau khoảng 10 ngày: Bạn chuyển sang đi bộ nhanh 10-15 phút rồi đi bộ bình thường 60 phút trong 2-3 ngày
Đối với người có triệu chứng choáng váng, nhức đầu ngất, kém tập trung, nôn, da xanh, tay chân lạnh, thở nhanh, mệt mỏi, suy nhược cơ thể thì nên chọn các môn tập nhẹ nhàng. Thời gian tập ngắn (có thể chia làm nhiều đợt trong ngày, lúc đầu tập khoảng 10 phút sau đó tăng lên 15 – 20 phút/lần), tránh những môn có sự thay đổi tư thế đột ngột.
3. Theo dõi
- Ghi lại số lượng thực phẩm đã sử dụng trong mỗi ngày (kể cả đồ ăn và thức uống) để tự kiểm tra và theo dõi
- Ghi lại thời gian đã luyện tập hoặc số động tác đã thực hiện được để tăng dần theo từng ngày.
- Cân trọng lượng cơ thể 2-3 lần/tuần và ghi nhận lại các chỉ số này. Lưu ý: nên cân vào buổi sáng sau khi ngủ dậy và đã đi vệ sinh với số lượng quần áo trên người tối thiểu để hạn chế sai số.