Sợ cô vợ xinh xắn bỏ đi, tháng nào Quang cũng viết thư về, thủ thỉ động viên vợ bằng những lời lẽ thống thiết. Hơn 10 năm trôi qua, tình cảm qua thư của anh ta cứ thế theo thời gian dạt dào như không hề có khoảng cách.
Mái ấm trong mơ
Khác với những kẻ có tội khác thường e ngại, né tránh khi tiếp xúc với báo chí, Nguyễn Văn Quang, sinh năm 1971, ở thôn Hạ Thái, Duyên Thái, Thường Tín, Hà Nội, tỏ ra tự tin đến lạ. Đôi mắt như cười và cách ăn nói khá duyên, Quang khiến cho tôi có cảm giác đang trò chuyện với một người bạn lâu ngày gặp lại chứ không phải trong thân phận của một kẻ đang mất quyền công dân.
Mở đầu câu chuyện về đời tư của mình, Quang khoe đang rất hạnh phúc bởi người vợ xinh xắn cứ tưởng sẽ bỏ đi lấy người khác khi anh ta phạm tội, giờ vẫn vui vẻ đợi chồng tới ngày mãn hạn tù. Còn một cái Tết nữa là Quang sẽ được về với gia đình và anh ta đang đếm từng ngày ra trại với thái độ hồi hộp.
“Bật mí” về bí quyết giữ vợ của mình, Quang hồn nhiên cho biết, ngoài những lần vợ lên thăm, tháng nào anh ta cũng đều đặn viết thư về cho vợ. Những lời nói có cánh, những hỏi thăm kịp thời, những lời động viên chia sẻ và sự hứa hẹn tiến bộ của Quang đã níu giữ người vợ trẻ, giúp chị vượt qua những trống vắng, đợi ngày đoàn tụ.
Hơn 10 năm trước, với cái tuổi đôi mươi, Quang cũng phong độ. Gia đình có nghề truyền thống làm sơn mài nên Quang không chỉ nối nghiệp bố mẹ mà còn có nhiều sáng kiến để biến những thứ còn mới thành cũ kỹ, biến những đường vân thô ráp thành tinh xảo.
Phạm nhân Nguyễn Văn Quang. |
Thời gian đầu, mọi người chưa biết đến anh, nhưng sau thời gian ra Hà Nội làm thuê, thấy Quang tay nghề cao, nhiều ông chủ buôn đồ cổ trọng dụng bởi tìm được một người cũ hóa những bức phù điêu, tranh sơn mài, hoành phi câu đối, chữ và kể cả những chiếc lọ, nậm, bình… từ vài năm tuổi thành mấy chục năm tuổi, thậm chí hàng trăm năm tuổi, không phải dễ.
Trong khi những thanh niên cùng trang lứa ở làng, mòn đũng quần ở nhà làm tranh sơn mài hay may mặc thì Quang thong dong với những chuyến xe đưa, rước mà tiền công thì khỏi phải nghĩ, nhiều khi chỉ vài ngày là có thể bỏ túi vài chục triệu đồng, tùy theo hợp đồng nhanh chậm chuyển hàng của đối tác.
Nhớ lại thời vàng son, Quang bảo chưa bao giờ nghĩ đời mình lại có lúc được trọng vọng như thế. Xe đưa đón, ăn ở những nơi đầy đủ tiện nghi, Quang còn được các ông chủ đồ cổ trên phố cưng như trứng mỏng bởi chỉ cần làm anh phật ý là thế nào cũng có một món đồ bán không được giá.
Chính trong thời điểm kiếm tiền như nước ấy mà anh chiếm được cảm tình của người vợ bây giờ, lúc đó là một cô thợ may xinh xắn, ngoan hiền. Quang bảo thầm yêu thì từ lâu rồi nhưng thấy nhiều người tán quá nên không dám.
“Nhìn người ta tới chơi bét cũng đi xe máy xịn còn mình chỉ là anh thợ suốt ngày tay dính sơn nên ngại”, Quang nhớ lại. Thế nhưng khi trong túi rủng rỉnh tiền và tiếng tăm về bản thân đã có, anh thử “đánh bạc” một phen và không ngờ giấc mơ thành sự thật.
Quang chia sẻ cảm xúc lúc đó: “Cưới vợ về nhà rồi mà nhiều lúc tự cấu vào mặt xem có phải thật không”.
Vợ làm may, chồng giỏi nghề sơn mài trong lúc cả hai còn rất trẻ là niềm khao khát của rất nhiều cặp trai gái trong làng, bởi chẳng ai mong gì hơn một mái ấm gia đình mà cả hai người đều có việc làm, có thu nhập.
Ngoài công việc làm sơn mài ở nhà với bố mẹ, thi thoảng Quang mới có dịp đi xa nhưng cũng chỉ vài ba ngày là lại về. Là người vợ hiền lành, đảm đang, vợ Quang không chút nghi ngờ mỗi khi chồng vắng nhà vài ngày bởi chị biết anh đi là có việc và khi về thế nào cũng có tiền.
Họ bàn nhau có con sớm và tiền kiếm được sẽ tậu một ngôi nhà khang trang, mặt đường để vợ vừa tranh thủ trông nom gia đình, vừa có mặt tiền để mở hiệu may.
Ông trời chiều lòng đôi vợ chồng trẻ, cho họ một đứa con gái xinh xắn, bụ bẫm nhưng cũng không quên đưa ra một trở ngại để thử lòng người. Vừa bước ra trường đời đã gặt hái thành công, chưa một lần nếm mùi thất bại nên trước một thử thách tưởng như rất nhỏ, Quang đã không vượt qua được.
Vấp ngã đau đớn
Được một ông chủ buôn đồ cổ ở Hà Nội thuê làm cổ hóa những đồ vật ông ta mới gom được từ các nơi về, dự định làm một chuyến hàng bán cho đối tác ở nước ngoài. Công việc bề bộn, kín đáo, tiền công lại cao trong khi phải hoàn thành trong thời gian ngắn nên Quang phải ăn ở ngay tại nơi làm việc, không thể đi về cho dù chỗ làm cách nhà chỉ 20 km.
Vài ba ngày, vợ Quang lại sốt sắng lên chỗ chồng, mang cho Quang vài món đồ ưa thích rồi lượm quần áo bẩn mang về giặt, là. Họ nhẩm tính sẽ có một món tiền đáng kể sau khi kết thúc công việc nên chẳng ai bảo ai đều hào hứng chấp nhận xa cách.
Thế nhưng chuyến hàng đó đã không diễn ra do đối tượng mua hàng là người nước ngoài không may bị tai nạn giao thông. Từ ông chủ buôn đồ cổ, sau một đêm trở thành tay trắng vì có bao nhiêu tiền đã dồn hết vào canh bạc lớn này nên đương nhiên tiền công của Quang không thể thanh toán được.
Không đòi được nợ, Quang về nhà với cái túi rỗng, niềm kiêu hãnh của kẻ chưa khi nào thua thiệt khiến anh mặc cảm với vợ.
Vẫn đi làm nhưng Quang bắt đầu tỏ ra chán chường, bạn rủ là đi nhậu vì chỉ có rượu say, có chiến hữu thì những bức bối trong gan ruột mới được phơi bày, chứ về nhà, trước mặt người vợ xinh hiền của mình, Quang không thể mở lời, không thể chia sẻ những khúc mắc, buồn phiền.
“Lúc nào em cũng sợ mất vợ, chỉ sợ cô ấy nghĩ em kém cỏi rồi không yêu nữa nên cứ phải ra vẻ. Sai lầm của em là từ suy nghĩ đó”, Quang kể.
Rượu chè rồi theo bạn xấu, Quang chơi ma túy và dính nghiện. Thế nhưng dù trong túi không có đồng nào thì anh cũng không bao giờ ngửa tay xin tiền vợ. Với Quang, vợ là một cái gì đó mong manh, phải nâng niu, gìn giữ nhưng cũng thật xa vời, không thể lộ tật xấu.
Quang vẫn đi làm, vẫn kiếm được tiền nhưng chẳng có đồng nào mang về cho vợ bởi đang lún sâu vào nghiện ngập.
Ngày 4/12/2001, được ông bác họ tên Hiểu gọi sang làm cho bộ tranh sơn mài, Quang xách đồ nghề sang nhưng chưa làm được 2 tiếng thì lên cơn nghiện. Thấy túi quần ông Hiểu căng phồng chiếc ví, Quang nảy sinh ý định chiếm đoạt nên rút sợi dây thừng gần đó quàng vào cổ người đàn ông này siết mạnh.
Ông Hiểu tóm chặt hai cổ tay Quang đẩy ra và cả hai cùng ngã xuống chiếc phản kê giữa nhà. Ông Hiểu kêu cứu khiến tên cướp sợ hãi, quơ luôn chiếc búa đinh loại nhỏ có sẵn trên mặt phản, đánh một nhát vào đầu ông Hiểu.
Người chủ nhà liền giả bộ gục xuống khiến Quang tưởng ông chết, liền rút chiếc ví trong túi người bác họ, lục tiền. Đúng lúc Quang định bỏ đi thì ông Hiểu nhỏm dậy tóm chân anh ta, miệng không ngớt la lối.
Quang dùng chân chẹn vào cổ ông Hiểu song là người có sức khỏe nên gia chủ chống cự quyết liệt, kết quả là khi cả hai còn đang giằng co thì mọi người nghe tiếng kêu cứu, chạy tới.
Bị hại được đưa ngay vào bệnh viện Bạch Mai cấp cứu với 3 vết rách sâu trên mặt, trong đó có vết thương suýt làm đứt động mạch. Quang bỏ về nhà đến chiều thì ra cơ quan công an đầu thú. Với hành vi Giết người, Cướp tài sản, Quang bị phạt 16 năm tù, thi hành án ở trại giam Ninh Khánh.
Hứa hẹn ngày hoàn lương
Ngày mới vào trại, Quang bi quan lắm vì cứ nghĩ án mình dài thế, chắc chắn vợ không chờ được, có chung thủy lắm thì cũng chỉ vài năm lên trại thăm nuôi rồi vác đơn ly hôn lên cho chồng ký như đa số những bà vợ có chồng án dài ở trại.
Quang bảo, lúc đầu cũng hy vọng vợ mình là ngoại lệ nhưng rồi cùng buồng giam, có bao nhiêu người án dài thì vợ đều bỏ cả nên anh bắt đầu thấy hoang mang. Theo lời Quang kể, có người vừa chân ướt chân ráo vào trại, còn chưa kịp nhớ đường đi từ chỗ làm về buồng giam, vợ đã vác đơn ly hôn đến trại giam cho chồng ký vào.
Thậm chí có bà vợ còn đưa ra yêu sách muốn được gặp con thì phải ký giấy bán nhà, giao quyền thừa kế tài sản cho người khác, nhưng dù có chấp nhận thì cũng chỉ dây dưa được vài lần lên thăm là thành kẻ mất vợ, mất con.
Chứng kiến cảnh nhiều bạn tù bị vợ bỏ, nhiều đêm không ngủ được, khóc sưng mắt, Quang chợt nghĩ đến thân phận mình, trong lòng cảm thấy bất an.
Vợ họ kẻ quê mùa có, kẻ trí thức cũng có nhưng lại không thủy chung còn vợ Quang còn quá trẻ lại xinh đẹp, liệu có dằn lòng để đợi chồng không, hay lại cũng giống những người đàn bà kia. Nghĩ nhiều mà không biết làm thế nào trong khi bản thân đang tù tội.
“Em cứ đánh bạc với giời thế thôi chứ biết thế nào mà tính trước được”, Quang lại cười khi thành thật về bí quyết giữ vợ của mình. Quang bảo “lực bất tòng tâm”, chỉ còn mỗi “võ miệng” nên vốn từ có bao nhiêu là giở hết ra.
Tháng nào cũng đều đặn viết thư về cho vợ. Quang bảo, bình thường thì không hay nói đâu nhưng đến nước này rồi, muốn giữ vợ phải thể hiện thôi. Trình độ văn hóa có lớp 7 nhưng vì có khiếu, lại được các bạn tù tư vấn, có bao nhiêu hiểu biết, Quang đem hết cả vào trong thư.
Để có một lá thư chứa chan tình cảm gửi về cho vợ, Quang phải viết đi viết lại rất nhiều lần, chỗ nào không được là thêm thắt rồi chép lại cẩn thận, sạch sẽ mới dám gửi.
Chẳng biết có phải vì cảm động trước những lời lẽ chân thành, thắm thiết trong thư của chồng mà vợ Quang đã ở vậy nuôi con, chờ ngày đoàn tụ.
Quang bảo dù rất đều đặn thư về cho vợ, nhận được lời hứa của vợ sẽ thủy chung đợi chờ nhưng anh ta chỉ khẽ thở phào mỗi khi nhận được hồi âm rồi lại âm thầm lo điều bất an xảy ra.
Hơn 10 năm sống trong phấp phỏng lo âu xen lẫn ân hận, Quang luôn làm được những điều đã hứa là tích cực cải tạo để sớm trở về. Nhiều lần được giảm án với tổng thời gian là 4 năm 6 tháng, chỉ còn hơn 1 năm nữa, người đàn ông này sẽ mãn hạn trở về.
Quang tâm sự, sau khi mãn hạn sẽ vẫn theo đuổi nghề cũ, kiếm tiền nuôi vợ con để bù đắp cho người thân của mình những thiệt thòi trong thời gian vắng chồng. Với Quang, không có tài sản nào quý giá bằng người vợ thủy chung và đứa con gái năm nay học lớp 6, ngoan ngoãn, xinh xắn.
- Minh Châu
[links()]