Chìm phà Quảng Nam: Bị nạn vẫn lo cứu người...

17:32, Thứ hai 21/11/2011

( PHUNUTODAY ) - Trong ngôi nhà cấp bốn nhỏ bé nằm sâu trong con hẻm của thôn Thuận An, hai người mẹ ốm yếu khóc cạn nước mắt vì nỗi đau bị mất con gái và con dâu.

(Phunutoday)- Lúc đó em thấy bạn Trần Thị Minh Tuyền (học lớp 11, Trường THPT Núi Thành) bị chìm giữa dòng sông kêu cứu thảm thiết, em bơi nhanh tới cứu bạn ấy và dìu bạn Tuyền đến mấy chiếc ghe làm nghề biển đang thả dây xuống cứu người dân. Cứu xong bạn Tuyền, em tiếp tục bơi lại chỗ chiếc đò bị chìm, thấy một bà già gần 70 tuổi đang bị chìm vẫy tay kêu cứu, em tiếp tục dùng tay dìu bà cụ này tới các chiếc ghe làm nghề biển để đưa lên rồi đưa vào bờ.

[links()]

Bị nạn vẫn cứu người

Võ Văn Mến học sinh lớp 10/C5 của Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Núi Thành, Quảng Nam) cũng là nạn nhân trên chuyến phà cho biết: Lúc phà xuất bến phà Tam Hải, trên chiếc phà có khoảng 15 đến 20 chiếc mô- tô và xe đạp, có rất nhiều học sinh đi học buổi sáng ở Trường THPT Núi Thành và Trường THPT Nguyễn Huệ cả công nhân và người già.

Lúc chiếc phà chở quá tải chòng chành qua lại, cách bờ khoảng 250m thì bị bất ngờ bị nước sông chảy vào ngập phà rất nhanh, thấy vậy những người đi trên đò nhốn nháo chạy qua chạy lại tìm áo phao để mặc. Nhưng chiếc đò bị nước sông chảy vào chìm rất nhanh. Lúc đó em thấy bạn Trần Thị Minh Tuyền (học lớp 11, Trường THPT Núi Thành) bị chìm giữa dòng sông kêu cứu thảm thiết, em bơi nhanh tới cứu bạn ấy và dìu bạn Tuyền đến mấy chiếc ghe làm nghề biển đang thả dây xuống cứu người dân.

Cứu xong bạn Tuyền, em tiếp tục bơi lại chỗ chiếc đò bị chìm, thấy một bà già gần 70 tuổi đang bị chìm vẫy tay kêu cứu, em tiếp tục dùng tay dìu bà cụ này tới các chiếc ghe làm nghề biển để đưa lên rồi đưa vào bờ. Sau đó sức em mệt đã mệt nên được các chú đi làm biển kéo lên ghe chở vào bờ. 

Anh Bùi Văn Long (SN 80, thôn Đông Cùng, xã Tam Hải) đang kể lại vụ việc.

 Cũng như em Mến, em Hoàn Thanh Hiếu (1989, trú thôn 4, xã Tam Hải), công nhân của Cty sản xuất ô tô Trường Hải (đóng tại xã Tam Hiệp, huyện Núi Thành) cũng là hành khách trên chuyến phà gặp nạn cho biết: “Khi phà vô nước và chìm, rất nhiều người không biết bơi nên hoảng loạn. Em đã bức phao trên phà quăng cho những người không biết bơi. Lúc đó, em thầy có 2 bà già (sau này biết một bà tên Niên, trú thôn 4, xã Tam Hải và một người tên Cũng trú thị trấn Núi Thành) đang chới với giữa dòng sông nên bơi ra cứu đưa lên ghe của dân gần đó. Lúc đó, em thấy rất nhiều người bu bám trên vai của anh Thu (tức Bùi Văn Thu, thuyền trưởng) nên bơi trở lại dìu những người đó lên ghe của dân.

Chị Lê Thị Nhung (1980, trú thôn 2, xã Tam Quang, huyện Núi Thành, Quảng Nam), người cứu được một cụ già thoát chết trong dòng nước lạnh của vụ chìm phà cho biết: Lúc ấy tôi nghe tiếng người la hét ngoài sông, đứng trong nhà nhìn ra thấy hàng chục người vớt tay kêu cứu ở giữa sông.

Tôi thấy các cháu học sinh mặc áo trắng trên chiếc đò nhốn nháo chạy qua chạy lại tìm cách thoát thân, một số người còn lại nhanh tay chụp được các chiếc áo phao mặc vội vào. Còn những người già không chụp được áo pháo thì kêu la thảm thiết. Vài giây sau, chiếc phà bị nghiêng qua bên rồi chìm hẳn xuống đáy sông luôn. Ngay lúc đó tôi chèo ghe ra bơi vớt được một cụ già đưa vào bờ. Bên cạnh lúc đó cũng có 3 chiếc ghe của ngư dân xã Tam Tiến, huyện Núi Thành ứng cứu với những người còn lại.

Em Phạm Trần Đắc Mùi (1991, trú thôn 2, xã Tam Hải), một trong những hành khách trên chuyến phà kinh hoàng kể lại: Khi vừa xuất bến phà bị vô nước nên phải quay lại. Sau khi xếp lại xe máy, thuyền trưởng Thu cho phà xuất bến. Khi ra giữa dòng sông, phà vô nước phần mũi vì quá nặng nên nhiều người hoảng loạn dẫn đến phà nghiêng hẳn một bên và chìm.

“Khi phà chìm, em ôm can nhựa loại 20 lít nhảy xuống sông nhưng lúc đó em thấy anh Phạm Trọng Tài - lái xe ô tô tải 92C-012.14 không bơi nổi nên em đưa can lại cứu ảnh, còn em thì bơi bộ lên ghe của dân ra ứng cứu”. Anh Đinh Tấn Tàu (trú thôn 2, xã Tam Hải), chủ ghe máy QNa- 00621 đã tham gia cứu 6 hành khách gặp nạn khỏi miệng Hà Bá kể lại: Tôi đang ở nhà gần bến phà thì nghe người dân la làng, chạy ra thì thấy chiếc phà đang chìm dần. Ngay lập tức tui bay lên ghe nổ máy chạy ra cứu. Lúc đó tui cùng mấy anh em hành khách biết bơi cứu vớt được 6 người.

Nước mắt người ở lại

Khi chúng tôi đến nhà nạn nhân Thẩm, không khí đau thương trùm khắp căn nhà nhỏ. Nỗi đau dâng đầy không thể tiếp xúc với P.V, thông qua người thân, chúng tôi được biết. Sáng ngày 21/11, anh Nguyễn Bá Võ (1982, chồng chị Thẩm) chở vợ đi đến bến phà rồi quay về làm việc, nhưng vừa về đến nhà chưa được 20 phút thì anh Võ hốt hoảng nghe tin chiếc phà chở vợ mình đã bị chìm giữa sông. Vội vã anh Võ trở lại bến đò cùng với người dân trục vớt người bị nạn và tìm kiếm vợ mình. 

Hai người mẹ đau xót trước cái chết của chị Thẩm.

Theo đó từng người bị nạn được người dân đưa lên bờ, tuy nhiên bóng dáng của vợ mình thì anh Võ chẳng thấy đâu. Một tiếng sau, nhóm thợ lặn xã Tam Hải đã lặn xuống và phát hiện thi thể nạn nhân đang nằm bên cạnh con phà chìm. Khi phát hiện thấy thi thể vợ mình, anh Võ đã ôm thi hài vợ vật vã khóc cạn nước mắt. Được biết vợ chồng anh mới cưới nhau vào tháng 9 vừa qua và chị mới mang thai được hơn 2 tháng.

Bà Nguyễn Thị Thoáng (60 tuổi, mẹ chồng chị Thẩm) nghẹn ngào cho biết. Sáng nay nó nói mệt, biết nó mới có thai nên tôi khuyên nó đừng đi làm (được biết chị Thẩm làm công nhân may cho Cty TNHH Như Thành, TT Núi Thành), xin nghỉ ở nhà cho khỏe hôm sau đã đi. Thế nhưng nó không muốn bỏ bê công việc mà ăn vội chén cơm sau đó bảo chồng chở ra bến phà để sang sông đi làm. Ai ngờ nó bỏ chồng, bỏ tôi đi không quay lại. 

Chị Thẩm mới vừa cưới được khoàng 3 tháng và khi tử vong chị đang mang bầu được 2 tháng

Ngồi bên thi thể cháu gái, nước mắt chảy dài, Bà Nguyễn Thị Quyết (55 tuổi) mợ của chị Thẩm cùng đi trên chuyến phà thoát chết kể lại trong nước mắt: Lúc phà gần chìm, Thẩm lấy hai chiếc áo phao và đưa cho tôi một cái, tôi vừa mặc vào xong thì phà đã chìm luôn xuống dưới nước, rồi cuốn tôi ra xa, nhìn lại thì tôi thấy hàng chục người với tay kêu cứu. Lúc đó tôi thấy cháu Thẩm bám theo bà Lê Thị Thái ngoi lên. Tuy nhiên lúc đó vàng trong túi áo bà Thái rơi ra nên bà Thái vội bơi theo nhặt lại gói vàng mà gạt tay Thẩm ra. Sau khi lấy được vàng, bà Thái được người ngư dân vớt được, còn con Thẩm do đuối sức mãi mãi nằm lại đáy sông.

Chính quyền đổ lỗi cho lái tàu?

Theo tìm hiểu, đây là chiếc phà đã sử dụng gần 20 năm nay, có tải trọng khoảng 10 tấn và làm bằng gỗ. Do phà quá củ nát, nhằm đáp ứng nguyện vọng của người dân vùng sông nước để có chuyến phà an toàn khi qua lại đất liền, vừa qua UBND huyện Núi Thành có cấp mới cho UBND xã một chiếc phà mới trị giá 2,5 tỷ đồng. Tuy nhiên chiếc phà này mới hoat động được 2 tháng thì bị hỏng máy.

Và theo quy chế, chiếc phà Qna 0379 chỉ được phép chở khách, thế nhưng bất chấp quy định, người điều khiển vẫn chở xe tải. Về vấn đề này, ông Phan Như Tường – Chủ tịch xã Tam Hải cho biết: Đây là phà thuộc sự quản lý của UBND xã, theo nguyên tắc phà Qna 0379 chở không quá 30 hành khách và không được chở xe tải đi kèm, thế nhưng lái tàu đã không tuân thủ quy định mà chở quá số người và còn kèm theo cả xe tải.

Thế nhưng theo lời khai ban đầu của ông Bùi Văn Thu với các ngành chức năng, chính UBND xã Tam Hải chỉ đạo cho ông được phép chở kèm theo xe tải trên mỗi chuyến phà (?). Và điều đáng nói, bến phà Tam Hải chỉ cách UBND xã Tam Hải chỉ hơn 1km, nhưng hằng ngày chiếc phà trên thường xuyên chở ô-tô tải qua lại chẳng lẽ UBND xã không biết(?) 

Chiếc xe tải 2,5 tấn chở đầy củi đang được trục vớt ra khỏi tàu

Ông Nguyễn Tiến, Bí thư huyện Núi Thành nhận định: Chiếc phà đưa người dân qua sông nối xã Tam Hải với đất liền và ngược lại tuyệt đối không được chở tất cả các loại xe ô tô. UBND xã Tam Hải và UBND xã Tam Quang đã làm biên bản cam kết và lái đò cũng đã ký cam kết không chở xe ô tô các loại. Tuy nhiên, chiếc phà bị chìm này đã chở một chiếc xe ô tô tải dẫn đến quá tải bị chìm là vậy. Trách nhiệm của các bên liên quan và lái phà sẽ được điều tra, xác minh để xử lý đúng theo pháp luật.

Đến 16 giờ chiều cùng ngày, 16 chiếc xe máy, 5 xe đạp cùng chiếc ô tô tải và chiếc phà đã được các ngành chức năng dùng tàu cẩu trọng tải lớn đưa lên khỏi mặt nước để tiến tiếp tục xác minh, làm rõ vụ việc. Bên cạnh, để đáp ứng nhu cầu qua lại của người dân đôi bờ, chiều ngày 21/11 UBND huyện Núi Thành đã điều một chiếc phà khác từ bến phà thôn 6 (Tam Hải) lên để hoạt động tạm thời đưa người dân qua sông. 

Danh sách 40 người trong vụ chìm phà (đây là những người mua vé, còn một số học sinh được miễn phí):1. Hoàng Thanh Hiếu
2. Phạm Hữu Lâm
3. Phạm Hồng Thư (21 tuổi)
4. Võ Thành Được
5. Trần Văn Nam (28 tuổi)
6. Huỳnh Nhất Danh
7. Huỳnh Tấn Lực
8. Phạm Hữu Tài
9. Phạm Văn Tám
10. Lê Thị Thay
11. Võ Văn Mến
12. Lê Thị Thủy
13. Đào Thị Hoàng Yến
14. Trần Thị Hà Quyên
15. Trần Thị Minh Tuyền
16. Trần Thị Mỹ Duyên
17. Nguyễn Đại
18. Bùi Văn Thu (lái đò)
19. Lê Tấn Thấn (bảo vệ, 53 tuổi)
20. Lê Tê Bích
21. Vũ Thị Thiện Thẩm (26 tuổi; chết, đã tìm thấy xác)
22. Phạm Đắc Mùi
23. Nguyễn Ngọc Tân
24. Nguyễn Văn Khánh
25. Huỳnh Thị Kim Vũ
26. Lê Xuân Kiệt
27. Phạm Vinh
28. Trần Minh Phúc
29. Bà Nguyễn Thị Niên
30. Bà Trần Thị Bảy
31. Lê Thị Thái (48 tuổi)
32. Bùi Thị Ly
33. Trần Tấn Thành
34. Nguyễn Đức Việt (52 tuổi)
35. Trịnh Văn Khương (51 tuổi)
36. Mai Văn Quốc (24 tuổi)
37. Nguyễn Lực (51 tuổi)
38. Bùi Văn Long (31 tuổi)
39. Tạ Thị Thu Thanh (16 tuổi)
40. Đỗ Thanh Tuấn (28 tuổi)
  •  Phương Dung
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc