Chính phủ đồng ý tiếp tục dùng vắcxin Quinvaxem

07:05, Thứ năm 01/08/2013

( PHUNUTODAY ) - Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục cho sử dụng vắcxin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng.

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo gửi Bộ Y tế về việc tiếp tục cho sử dụng vắcxin Quinvaxem trong Dự án Tiêm chủng mở rộng.

Theo thông báo, xét đề nghị của Bộ Y tế ngày 28/6/2013 về báo cáo hoạt động tiêm chủng trong 10 năm và văn bản số 453/BC-BYT ngày 21 tháng 6 năm 2013 về báo cáo kết quả đánh giá tính an toàn của vắcxin Quinvaxem và xin phép sử dụng vắcxin này trong Dự án Tiêm chủng mở rộng, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân có ý kiến đồng ý với đề nghị này của Bộ Y tế.

Để đảm bảo sức khỏe cho người dân, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân yêu cầu Bộ Y tế tổ chức tuyên truyền về an toàn tiêm chủng để phát hiện sớm, cấp cứu kịp thời nhằm hạn chế thấp nhất nguy hại đến sức khỏe và tính mạng trẻ em bị phản ứng sau tiêm chủng.

Mẫu vắcxin Quinvaxem
Mẫu vắcxin Quinvaxem


Bên cạnh đó, Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xử lý theo thẩm quyền đối với việc cấp kinh phí để tiếp tục sử dụng loại vắcxin đang sử dụng trong tiêm chủng mở rộng, kinh phí nghiên cứu sản xuất vắcxin trong nước trong chương trình sản phẩm quốc gia, kinh phí phát triển hệ thống y tế dự phòng. Nếu vượt thẩm quyền, Bộ có trách nhiệm báo cáo Thủ tướng.

Phó Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ về sản xuất vắcxin đa giá 6 trong 1 của Việt Nam cung cấp cho tiêm chủng mở rộng.

Vắcxin Quinvaxem inj là vắcxin phối hợp 5 thành phần DTwP-HepB-Hib dạng lỏng, do Công ty Berna Biotech Korea Corporation sản xuất.   

Việc Chính phủ đồng ý tiếp tục sử dụng vắcxin Quinvaxem đã khiến nhiều người đặc biệt là các gia đình có trẻ nhỏ không khỏi lo ngại bởi các vụ tai biến sau khi tiêm loại vắc xin này ở nước ta thời gian vừa qua khá cao. Theo đó, từ đầu năm 2010 đến tháng 5/2013 có 43 trường hợp tai biến sau khi tiêm vắc xin trong đó có 27 trường hợp tử vong. Trong khoảng 5 tháng đầu năm 2013, có 5 trường hợp tử vong sau tiêm Quinvaxem.

Chính vì vậy, ngày 4/5, Bộ Y tế đã ra thông báo yêu cầu tạm ngừng ngay việc sử dụng vắcxin Quinvaxem inj của Hàn Quốc trong dự án tiêm chủng mở rộng.  Phó Cục trưởng Cục Quản lý dược Nguyễn Việt Hùng cho biết,  Cục Quản lý dược yêu cầu tạm ngừng ngay việc sử dụng vắcxin Quinvaxem inj  là do gần đây xảy ra một loạt trường hợp tai biến sau khi tiêm vắxin trên.

"Cho đến nay, các cơ quan chức năng vẫn chưa tìm ra nguyên nhân do vắcxin hay do cơ địa của trẻ khi tiêm. Vì vậy, để đảm bảo an toàn cho trẻ em và để tránh xảy ra những trường hợp tử vong đáng tiếc, Cục quyết định yêu cầu tạm dừng sử dụng vắcxin Quinvaxem inj," ông Hùng nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, do chưa tìm ra nguyên nhân xảy ra các hiện tượng trên nên Bộ Y tế đã nhờ WHO đánh giá chất lượng vắc xin và nhân được kết quả cho thấy vắcxin Quinvaxem an toàn. Theo kết quả kiểm định độc lập của Viện Kiểm định chuẩn thức quốc gia vắcxin và sinh phẩm y tế Vương quốc Anh,  mẫu vắcxin Quinvaxem thuộc 3 lô 1453037, 1453074 và 1453127 - các lô vắcxin có nghi ngờ liên quan đến phản ứng nặng sau tiêm tại Việt Nam đã được kiểm định chất lượng tại Phòng Xét nghiệm độc lập thuộc Viện. Kết quả kiểm định ngày 14/6/2013 cho thấy, các lô vắcxin nói trên đạt các yêu cầu về chất lượng.

Chính vì vậy, quyết định mới nhất về loại vắc xin này là Chính phủ đồng ý cho tiếp tục sử dụng.

Nhìn lại vòng luẩn quẩn dùng - cấm - dùng của vắcxin Quinvaxem không ít người đã phải tự hỏi liệu có bước nào sai, giai đoạn nào không đạt chuẩn trong đó mà tại sao trẻ vẫn gặp tai biến, vẫn còn trường hợp tử vong? Phải chăng đây lại là một biểu hiện rõ ràng nữa của tình trạng mọi thứ đều đúng mà kết quả vẫn sai hiện đang bao trùm mọi vấn đề trong xã hội hiện nay? Những câu hỏi thì vẫn để ngỏ vì chưa ai có thể trả lời, chỉ có người dân là có thể chịu thiệt thòi khi sức khỏe của con em họ có nguy cơ tai biến.

  • Nguyệt An (Tổng hợp từ Vietnam Plus, Phunutoday)
chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Tin nên đọc