Phạm Ngọc Tám (tự Tám bò, SN 1987 ngụ xã Bù Nho, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước) là thành phần bất hảo ở địa phương. Năm 2006 Tám bị khởi tố về tội “Gây rối trật tự công cộng” sau đó bỏ trốn nay đây mai đó.
[links()]
Ngày 30/1/2011, Tám về thăm vợ con là Lê Thị Thu Phượng (SN 1990) và con trai (SN 2009) ở xã Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập. Khoảng 19 giờ cùng ngày, sau khi đi nhậu về, Tám về nhà kêu vợ vào phòng ngủ nói chuyện.
Lúc này trong nhà còn có em vợ của Tám là Lê Trung Hiếu (SN 2000) đang ngồi xem tivi trong phòng khách. Trong lúc nói chuyện, Tám nói với vợ rằng Tết này sẽ đưa hai mẹ con Phượng về nhà của mẹ Tám ăn Tết nhưng chị Phượng không đồng ý.
Do nghi ngờ Phượng còn tình cảm với người yêu cũ nên Tám và Phượng cãi nhau. Lúc này vợ Phượng đang ngồi bế con trên giường, Tám liền kêu đưa con nhỏ cho Tám để y đưa về Bù Nho ăn Tết nhưng Phượng không đưa dẫn đến hai vợ chồng giằng co đứa con.
Sau khi giằng co lấy con không được, Tám tức giận tát liền hai, ba cái vào mặt vợ rồi bốc điện thoại lên gọi điện cho mẹ ruột thông báo: “Con sẽ giết vợ con rồi ra đầu thú. Nhờ mẹ chăm sóc con con giùm”.
Cứ tưởng trong lúc nóng giận Tám nói càn, ai ngờ sau khi gọi điện cho mẹ ruột xong, Tám đi thẳng xuống bếp nhà chị Phượng lấy một con dao gọt trái cây (loại dao có 2 lưỡi, sống dao hình răng cưa) đi vào phòng ngủ nói vợ đưa con cho mình, không thì Tám sẽ đâm.
Nghe chồng hù dọa, chị Phượng vẫn cương quyết không đưa con. Liền lúc đó, Tám đâm một nhát trúng vào hông trái của vợ. Đang ngồi bên ngoài xem tivi, thấy vợ chồng chị gái cự cãi nhau rồi xô xát, Hiếu chạy vào căn ngăn.
Bị cáo Phạm Ngọc Tám tại phiên tòa phúc thẩm |
Lúc này chị Phượng cũng đặt con xuống rồi cùng Hiếu giằng co con dao với Tám. Trong lúc giằng co, dù bị Tám cắn, Hiếu vẫn cố giật được con dao, còn Phượng thì bỏ chạy ra ngoài sân. Mất dao, Tám tiếp tục chạy vào bếp lấy một con dao chặt xương đuổi theo vợ.
Do cổng nhà đã bị Tám khóa từ trước nên chị Phượng không chạy ra ngoài được mà chạy vòng quanh trong sân. Vì vậy Tám đuổi kịp và chém một nhát trúng vào đầu vợ khiến chị Phượng ngã lăn xuống đất, hai tay ôm lấy đầu.
Dù thấy vợ không có khả năng chống đỡ, Tám đứng sát bên vợ, một tay cầm dao, một tay túm tóc chị Phượng chém liên tiếp nhiều nhát vào đầu, lưng, tay, hông của vợ. Thấy chị gái bị thương quá nặng, Hiếu trèo tường chạy ra ngoài kêu cứu.
Thấy có người định leo vào cứu Phượng, Tám đe dọa, nếu ai vào sẽ chém chết người đó. Chỉ đến khi thấy vợ đã bất tỉnh, Tám cầm dao chạy ra phía sau nhà vứt vào lô cao su gần đó rồi bỏ trốn.
Đến ngày 5/12/2011, Tám mới đến Công an huyện Bù Gia Mập đầu thú. Còn về phần chị Phượng, sau khi bị Tám chém bị thương rồi bỏ trốn, chị được người dân phá cổng đưa đi cấp cứu nên thoát chết nhưng vẫn bị thương tật 49% vĩnh viễn.
Quá trình điều tra, Phạm Ngọc Tám đã thừa nhận hành vi phạm tội. Về phần trách nhiệm dân sự, người bị hại Lê Thị Thu Phương yêu cầu Tám phải bồi thường 80 triệu đồng tiền chi phí điều trị, tổn hại về sức khỏe và tinh thần. Bà Nguyễn Thị Mai, mẹ ruột Tám đã bồi thường được 5 triệu đồng.
Với hành vi phạm tội như trên, Tám bị truy tố về tội Giết người mang tính chất côn đồ. Tại phiên tòa xét xử sơ thẩm vào tháng 8/2012 tại TAND Tỉnh Bình Phước, đại diện Viện KSND nhận định:
Chỉ vì nghi ngờ vợ còn tình cảm với người yêu cũ và không nghe lời mình mà bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm là con dao chặt thịt chém nhiều nhát vào đầu, cổ chị Phượng nhằm tước đoạt mạng sống của nạn nhân, gây thương tích 49%. Việc chị Phượng không chết là nằm ngoài ý muốn của bị cáo do được đưa đi cấp cứu kịp thời.
Hành vi của bị cáo đã cấu thành tội Giết người có tính chất côn đồ, mặc khác khi chị Phượng bỏ chạy bị cáo tiếp tục lấy dao đuổi theo chém cho đến khi nạn nhân bất tỉnh nên bị cáo phải chịu thêm tình tiết tăng nặng là cố ý thực hiện tội phạm đến cùng.
Ngoài hành vi phạm tội lần này, bị cáo còn có nhân thân xấu là vào tháng 8/2011 đã bị TAND Huyện Bù Gia Mập xử phạt 24 tháng tù về tội gây rối trật tự công cộng.
Ngoài các tình tiết tăng nặng như trên, tuy nhiên, Viện KSND cũng đề nghị HĐXX xem xét bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ như thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, gia đình bị cáo đã khắc phục một phần hậu quả để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo.
Theo đó, Viện KSND đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo mức án từ 14-15 năm tù về tội Giết người và tổng hợp hình phạt với bản án chưa thi hành của TAND huyện Bù Gia Mập.
Bào chữa cho bị cáo tại tòa, luật sư thống nhất với quan điểm của Viện KSND truy trố bị cáo về tội Giết người. Tuy nhiên, vị luật sư cũng đề nghị HĐXX xem xét bị cáo chém chị Phượng 28 nhát dao nhưng người bị hại không chết mà chỉ bị thương tích 49%, như vậy ý thức chủ quan của bị cáo không nhằm tước đoạt mạng sống của bị hại.
Vì vậy, luật sư đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo dưới mức hình phạt mà đại diện Viện KSND đã đề nghị. Căn cứ vào các chứng cứ tài liệu đã được thẩm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh luận trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các chứng cứ, ý kiến của Viện KSND, bị cáo, người bào chữa và những người tham gia tố tụng khác tại phiên tòa, HĐXX cho rằng giữa bị cáo và người bị hại có quan hệ là vợ chồng, chỉ vì nghi ngờ vợ vô căn cứ bị cáo đã dùng hung khí nguy hiểm tấn công bị hại.
Khi thấy bị hại không còn khả năng tự vệ bị cáo vẫn không dừng lại mà cầm dao chém nhiều nhát vào đầu, lưng và hông của nạn nhân, chứng tỏ bị cáo là kẻ côn đồ, hung hãn, coi thường tính mạng của người khác, coi thường pháp luật.
Do đó, Viện KSND Tỉnh Bình Phước truy tố bị cáo về tội Giết người với định tiết định khung tăng nặng “có tính chất côn đồ” là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.
Cân nhắc các tình tiết tăng nặng và giảm nhẹ hình phạt, HĐXX xét thấy bị cáo từng có nhân thân xấu, vào tháng 2/2006 đã có hành vi Gây rối trật tự công cộng và bị TAND Bù Gia Mập đưa ra xét xử nhưng trong quá trình xét xử, bị cáo đã bỏ trốn.
Tại bản án hình sự sơ thẩm TAND huyện Bù Gia Mập xét xử ngày 17/8/2011 đã xét xử vắng mặt bị cáo Tám và đã tuyên phạt 24 tháng tù về tội Gây rối trật tự công cộng, bản án này đã có hiệu lực pháp luật. Vì vậy, cần tổng hợp hai bản án theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa hôm nay, bị cáo khai báo chưa thành khẩn, chưa thực sự ăn năn hối cải, vì vậy cần có mức hình phạt thật nghiêm khắc, cách ly bị cáo một thời gian dài khỏi đời sống xã hội mới có tác dụng răn đe, giáo dục và phòng ngừa chung.
Tuy nhiên, HĐXX cũng xem xét sau khi thực hiện hành vi phạm tội, bị cáo đã ra đầu thú, gia đình bị cáo có công với cách mạng và đã bồi thường một phần cho gia đình bị hại.
Đây chính là những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự được quy định theo pháp luật được HĐXX xem xét để giảm nhẹ một phần hình phạt cho bị cáo là thể hiện sự khoan hồng của pháp luật.
Kết luận của Viện KSND tham gia phiên tòa cho rằng bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối hận là không phù hợp và đề nghị xử phạt bị cáo mức án 14-15 năm tù là nhẹ, chưa tương xứng với tính chất hành vi và hậu quả mà bị cáo gây ra.
Quan điểm của luật sư bào chữa cho rằng bị cáo không có ý định tướt đoạt mạng sống của bị hại và đề nghị HĐXX xử phạt bị cáo mức án nhẹ hơn đề nghị của Viện KSND là không phù hợp với nhận định của HĐXX.
Vì các lẽ trên, HĐXX quyết định tuyên bố bị cáo Phạm Ngọc Tám phạm tội Giết người và xử phạt mức án 18 năm tù, tổng hợp với bản án chưa thi hành là 20 năm tù.
Sau khi xét xử sơ thẩm, bị cáo Tám đã làm đơn kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Viện KSND tỉnh Bình Phước cũng có kháng nghị yêu cầu cấp phúc thẩm xử lại theo hướng giảm án cho bị cáo. Mới đây vụ án được Tòa phúc thẩm TAND Tối cao tại TP.HCM đưa ra xét xử phúc thẩm.
Tại phiên tòa, đại diện Viện KSND tối cao đã rút kháng nghị yêu cầu giảm án của Viện KSND tỉnh Bình Phước. Phiên tòa tiếp tục xét xử nhưng chỉ xem xét đơn kháng cáo của bị cáo. Một lần nữa hành vi phạm tội của bị cáo được làm rõ qua phiên thẩm vấn:
HĐXX: Bị cáo Tám, nội dung vụ án tòa vừa công bố có giống án sơ thẩm bị cáo đã nhận được không?
Phạm Ngọc Tám: Dạ giống.
HĐXX: Bản án sơ thẩm xác định bị cáo có hành vi Giết người có đúng không?
Phạm Ngọc Tám: Dạ bị cáo có nhưng xin tòa xét bị cáo không cố ý tước đoạt mạng sống của vợ bị cáo, xin tòa xem xét.
HĐXX: Cái đó tòa sẽ hỏi sau, bị cáo cho biết tòa sơ thẩm xử bị cáo bao nhiêu năm tù?
Phạm Ngọc Tám: Dạ 18 năm tù.
HĐXX: Bị cáo biết bị cáo bị truy tố ở khung hình phạt cao nhất là tử hình mà xử bị cáo 18 năm tù là còn nhẹ đó. Giữa bị cáo và vợ trước đó có mâu thuẫn gì không?
Phạm Ngọc Tám: Dạ thưa không
HĐXX: Vậy sao bị cáo lại dùng dao chém vợ mình đến 28 nhát?
Phạm Ngọc Tám: Vì hôm đó bị cáo kêu vợ về nhà mẹ ruột bị cáo ăn Tết nhưng vợ bị cáo từ chối. vì vậy, bị cáo nghi ngờ vợ bị cáo hết thương yêu mình và đi lại với người yêu cũ nên bị cáo mới làm vậy.
HĐXX: Đó chỉ là do bị cáo ghen bóng ghen gió, chị Phượng có làm gì để bị cáo phải ghen tuông không?
Phạm Ngọc Tám: Dạ trước đó bị cáo có thấy vợ bị cáo nhắn tin với người yêu cũ.
HĐXX: Chỉ thấy vậy thôi mà bị cáo ghen tuông rồi chém vợ mình hết sức dã man như vậy? Bị cáo thấy mình còn tính người không? Bị cáo ra tay với người vợ mà mình đầu ấp tay gối hàng ngày, bị cáo nghĩ sao.
Bị cáo nói không cố ý tước đoạt mạng sống của vợ, vậy sao lúc chị Phượng không còn khả năng chống đỡ bị cáo vẫn tàn nhẫn ra tay chém hàng chục nhát dao như vậy?
Phạm Ngọc Tám: Dạ bị cáo biết lỗi rồi. Lúc đó vì ghen tuông và có rượu trong người nên bị cáo đã không làm chủ được bản thân.
HĐXX: Ngoài các tình tiết Tòa án cấp sơ thẩm đã xem xét, tại phiên tòa hôm nay bị cáo có tình tiết giảm nhẹ nào mới không?
Phạm Ngọc Tám: Dạ không!
Xét tính chất hậu quả vụ án bị cáo gây ra là đặc biệt nghiêm trọng, bởi lẽ mạng sống con người là vốn quý, bất khả xâm phạm, là khách thể đặc biệt được luật hình sự ưu tiên bảo vệ nhưng với bản tính hung hăn, côn đồ bị cáo đã dùng dao chém bị hại hàng chục nhát vào những vùng nguy hiểm, có thể tước đoạt mạng sống của bị hại. Việc người bị hại không chết là ngoài ý muốn của bị cáo, dù vậy hành vi của bị hại vẫn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, tinh thần của bị hại và gây mất trật tự trị an tại địa phương và bất bình trong quần chúng nhân dân nên HĐXX cấp phúc thẩm đã bác đơn kháng cáo xin giảm án của bị cáo, giữ nguyên mức hình phạt của bản án sơ thẩm tuyên bị cáo 18 năm tù. |
- Thái Hưng