Chồng giết vợ rồi nổ mìn cùng chết

07:22, Chủ nhật 18/03/2012

( PHUNUTODAY ) - Ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ đã tan thành mây khói, lúc này, xác của chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1983) cũng nát vụn theo tiếng nổ.

Tôi trở lại ngôi nhà của bà Nguyễn Thị Cải (thôn 4, xã Thái Sơn, huyện Hàm Yên, Tuyên Quang), nơi đã xảy ra vụ án kinh hoàng (chồng cho nổ mìn giết vợ) cách đây 2 năm trước nhưng cửa khóa im ỉm, không gian lạnh lẽo. Hai năm trước, cũng chính nơi đây, con gái của bà Cải là chị Nguyễn Thị Cúc đã bị chính người chồng sát hại một cách thảm khốc.

Bi kịch cuộc đời

Buổi sáng thanh bình ngày 10.6.2010, khi những người dân tại thôn 4 đang say sưa trong giấc ngủ thì bỗng nghe tiếng kêu cứu thất thanh. Tiếng kêu ấy vừa dứt thì tiếng nổ lớn như rung chuyển đất trời phát ra khiến người dân choàng tỉnh giấc.

 Tiếp sau đó là tiếng la hét, hoảng loạn, khóc lóc thảm thiết của cô em gái chị Nguyễn Thị Cúc là Nguyễn Thị Hoa.

Dân làng bàng hoàng bởi trong phút chốc, ngôi nhà của đôi vợ chồng trẻ đã tan thành mây khói, lúc này, xác của chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1983) cũng nát vụn theo tiếng nổ.

Nhiều người kéo đến xem cũng ngất xỉu ngay tại chỗ. Người chồng vũ phu nổ mìn giết chết vợ để lại nỗi ám ảnh tột cùng, gieo rắc nỗi kinh hoàng cho cả một vùng quê vốn yên bình.

Nói chuyện với chúng tôi, nhiều người dân thôn 4 cho biết, giữa hai gia đình đã có những mâu thuẫn không thể dung hòa.

Trước khi lấy Trần Văn Sự (sinh năm 1979), chị Nguyễn Thị Cúc (sinh năm 1983) là một cô gái xinh xắn, cô được coi là hoa khôi của làng với khuôn mặt tròn bầu bĩnh.

Không ít chàng trai đã phải “trồng cây si” trước nhà Cúc, tuy nhiên, người con gái này lại đem lòng yêu Sự, một công nhân làm nghề khoan đá ở xã Xuân Vân (Yên Sơn, Tuyên Quang).

Khi phát hiện con gái phải lòng một thanh niên huyện khác đến làm thuê, bà Cải tìm mọi cách can ngăn nhưng  đôi bạn trẻ vẫn quyết tâm gắn bó, nguyện cùng nhau đi đến hạnh phúc cho dù gia đình kịch liệt phản đối.

Nỗ lực  thuyết phục bất thành, biết không thể ngăn cản tình yêu mãnh liệt của cô con gái, bà Cải cuối cùng cũng miễn cưỡng chấp nhận.

Năm 2004, đám cưới của Sự và Cúc được tổ chức, ai cũng mừng cho họ, một câu chuyện tình yêu nhiều trắc trở đã đi đến đoạn kết có hậu, đôi bạn trẻ nhận được nhiều lời chúc phúc từ bạn bè, người thân và bà con lối xóm.

Sau ngày lên xe hoa, gia đình Cúc đã mua cho vợ chồng cô mảnh đất, xây căn nhà nhỏ làm tổ ấm cho đôi uyên ương. Để mưu sinh, Cúc mở cửa hàng may, do khéo tay nên khách đến đặt hàng cũng rất đông.

Còn Sự tiếp tục làm nghề cũ của mình là công nhân khai thác đá. Cũng giống như bao cặp vợ chồng son, hàng ngày, Sự dậy sớm đi làm, Cúc ở nhà may vá.

Dù cuộc sống cũng chẳng sung túc gì nhưng đôi vợ chồng trẻ cũng không đến mức thiếu ăn thiếu mặc. Thấy chàng rể chịu khó, chăm chỉ làm ăn nên gia đình Cúc cũng thay đổi quan điểm, yêu quý Sự hơn trước.

Những tưởng cuộc sống của Cúc từ đây sẽ tràn ngập niềm vui nhưng chẳng bao lâu, Cúc mang thai đứa con trai đầu lòng thì Sự sinh tật cờ bạc, rượu chè lại thêm thói vũ phu. Cứ hết tiền hắn lại quay ra đánh đập vợ. Dù chị Cúc khuyên bảo chồng nhiều lần nhưng Sự đều bỏ ngoài tai. Không chịu nổi người chồng bội bạc, tình yêu trong Cúc biến thành nỗi sợ hãi.

Hiện trường vụ án, nơi
Hiện trường vụ án, nới chồng sát hại vợ rồi cho mìn nổ tung hai thân xác


Ngày hạ sinh bé trai, Cúc vật vã trong đau đớn, còn Sự ung dung ngồi bên chiếu bạc trong khi người nhà Cúc chạy đôn chạy đáo lo cho mẹ con cô. Con giun xéo mãi cũng quằn, khi bé trai được gần 3 năm thì Cúc chán chường mà bỏ nhà ra đi.

Sự lùng sục khắp hang cùng ngõ hẻm, chỗ nào hắn cũng mò đến nhưng tin tức về Cúc vẫn bặt vô âm tín. Có người nói Cúc vào Nam làm công nhân giày da, có người lại bảo Cúc đã bỏ đi biệt xứ ở Miền Trung. …

Tuy nhiên, không ai biết Cúc đi đâu, kể cả gia đình cô. Con gái đột nhiên biến mất, bà Cải ra sức chửi bới, nhiếc móc con rể khiến Sự uất ức tuyên bố: “Nếu tìm thấy Cúc, hắn sẽ giết chết tại chỗ”.

Buổi sáng định mệnh…

Mùa thu năm 2010, sau một năm biệt tích, Cúc từ xa trở về ttrong sự vui mừng của người mẹ đẻ và bà con láng giềng.

Tuy nhiên, đứng trước gia đình, Cúc đau khổ nói: “Anh Sự sẽ không tha cho con, đằng nào con cũng chết, thà chết ở nhà còn hơn nơi đất khách”.

Hốt hoảng trước lời nói của con gái, bà Cải đã giấu Cúc trong nhà, không cho gặp bất cứ ai. Suốt mấy tháng trời, Cúc giam mình trong căn gác nhỏ nơi tầng hai, sống lặng lẽ như một cái bóng mà không ai hay.

Biết không thể trốn mãi, Cúc bàn với gia đình tìm cách đối phó với chồng. Cuối cùng thì cả nhà bà Cải quyết định, Cúc sẽ lộ diện bằng cách viết đơn xin ly hôn gửi ra tòa.

Tuy nhiên, chàng rể nhất quyết không đồng ý ký vào tờ đơn ly dị. Lo sợ điều bất trắc xảy đến với Cúc, gia đình bà Cải đã thay nhau canh gác không để cho Sự gặp Cúc.

Sự trở về quê nội nhưng chỉ vài ngày sau khi nghe tin Cúc trở về hắn đã mò lên với lỉnh kỉnh một bao tải đồ không ai biết trong đó đựng gì.

 Trước hôm xảy ra vụ án, Sự đem tiền đi trả nợ hết những ai hắn đã vay, không thiếu một xu. Bị gia đình Cúc cấm cửa, Sự âm thầm lên kế hoạch trả thù.

Thế rồi, buổi tối ngày 10.6.2010, Sự loay hoay tìm đường vào nhà. Đến nửa đêm, hắn trèo lên lò sấy chè, tháo tấm bờ lu trên mái bếp trèo vào, lợi dụng sơ hở, Cúc không khóa cửa nhà chính nên Sự lẻn vào trong một cách dễ dàng.

Theo lời chị Trần Thị Phượng, hàng xóm gần nhà chị Cúc cho biết, Sự mở được cửa liền chạy thẳng lên gác tìm bố mẹ vợ nhưng chỉ có em gái Cúc ở đó. Không thấy mẹ vợ, Sự vòng xuống tìm Cúc, lúc này Cúc đang ngủ dưới tầng một.

 Thấy Sự hùng hổ xông tới, Cúc biết trước điều xấu xảy đến với mình nên hô em gái: “Chạy đi Hoa ơi”. Em gái Cúc hoảng sợ nên vội trèo qua lò sấy chè, chạy thoát thân. Thấy vậy, Cúc cố vùng vẫy chạy theo. Thoát khỏi tay gã chồng độc ác.

Tảng sáng, em gái Cúc đã kịp thời báo chính quyền xã và trưởng công an xã Thái Sơn là ông Trần Văn Thơm cùng vài cán bộ khác. Tuy nhiên, khi Cúc vừa thò đầu ra thì Sự đứng trên tầng hai nhìn xuống, hắn lao như con thiêu thân đuổi bắt vợ.

Cúc hoảng loạn chạy vào nhà người hàng xóm, cửa chưa kịp sập lại thì Sự tóm được Cúc, hắn lôi Cúc ra sân đâm tới tấp nhiều nhát vào người khiến cô chỉ kịp ú ớ một câu: “Nếu mày thương con thì đừng giết tao”.

 Mặc kệ, Sự  nhất định không tha cho vợ. Hàng xóm toan chạy tới can ngăn thì hắn hô to: “Trên người tôi có mìn, ai tới gần sẽ chết hết”. Dứt lời, hắn giơ tay vẫy chào mọi người. Trong nháy mắt, hai con người đã biến thành mây khói.

Bà Nguyễn Thị Nguyên, một hàng xóm của bà Cải chia sẻ : “Tôi đang ngủ thì bỗng nghe tiếng kêu cứu, vừa mở cửa bước ra tôi thấy thằng Sự đang đâm liên tiếp vào Cúc, nước mắt tôi cứ trào ra, tôi thét lên kêu cứu…”

Nỗi đau người ở lại

Sau cái chết thương tâm của vợ chồng Cúc, nhiều người vẫn chưa hết hoảng loạn. Chị Trần Thị Thảo, người  bạn thân nhất của chị Cúc cho biết: Nguyên nhân sâu xa là do bà Cải phản đối chàng rể, gia đình Sự cảm thấy bị xỉ nhục, tự ái vì những lời lẽ không hay của bà Cải nên ôm hận trong lòng.

Tuy là mẹ vợ, con rể nhưng không mấy khi hỏi thăm nhau. Về phía Sự, hắn từng nhiều lần dọa giết Cúc.

Ý định của hắn là giết cả nhà Cúc rồi tự tử nhưng may mắn hôm đó, bố mẹ Cúc không có nhà, cậu em trai út đi thăm họ hàng ở xa không về, em gái trốn thoát nên hắn chỉ ra tay được với một mình Cúc.

 Chị Thảo bàng hoàng nhớ lại cái giây phút quả mìn đã cướp đi hai mạng sống của vợ chồng Cúc: “Sáng hôm đó, vợ chồng tôi đang ngủ thì có tiếng đập cửa kêu cứu, chồng tôi vừa ra mở cửa thì Cúc khuôn mặt tái nhợt chạy vào.

Tuy nhiên, khi chồng tôi chưa kịp đóng cửa thì Sự bắt kịp nên giết Cúc tại sân nhà tôi. Lúc ấy, tôi chưa kịp định thần lại thì Sự cho nổ mìn, may mắn gia đình tôi kịp chạy cửa sau nên thoát chết…”.

Được biết, vợ chồng chị Thảo vì quá sợ đã phải chuyển đi nơi khác chứ không dám sống ở nhà cũ nữa. Chị không thể quên hình ảnh ngôi nhà mình tan tành, thân xác của hai con người đó vương vãi khắp nơi.

Hiện tại, hiện trường vụ án, giờ chỉ còn lại mảnh đất hoang, cỏ mọc um tùm mà không ai dám bén bảng tới. Con gái chị vì thế mà mất ăn mất ngủ nhiều ngày, cứ chiều đến là bám chặt lấy mẹ khóc thét, không rời nửa bước.

Có lẽ quá đau xót trước sự ra đi của con gái nên gia đình bà Cải đã bỏ xứ mà đi. Mỗi năm đi tảo mộ, họ đều thấy nấm mồ của Cúc cỏ mọc dày bốn bên, nằm chơ vơ một góc. Những người hàng xóm tốt bụng đã đặt lên mộ Cúc gói bánh, thẻ hương cho tâm hồn cô gái được siêu thoát, bớt lạnh lẽo.

Đã hơn 2 năm trôi qua nhưng khi kể lại, những người hàng xóm của Cúc vẫn không ngớt đau buồn, họ còn nhớ rất rõ mình đã phải gắp từng mảnh vụn thân xác của họ bỏ vào 2 chiếc quan tài mà không biết, đâu là thân xác của Cúc, đâu là của Sự.

Gần một năm trời, ban đêm người dân thôn 4 Thái Bình không không dám bước chân ra ngoài, điều khủng khiếp ấy luôn hiện hữu trong từng bữa ăn, giấc ngủ của người dân. Nhưng nỗi đau lớn nhất bây giờ là đứa trẻ mới 6 tuổi đã mất cả cha lẫn mẹ, nương tựa vào ông bà nội già yếu.

Cái chết của Cúc để lại bài học cho rất nhiều người, cảnh tỉnh những gia đình đã và đang có những khúc mắc chưa thể tháo gỡ, hãy cư xử khôn ngoan, khéo léo giải quyết những mâu thuẫn và hơn bao giờ hết, mỗi người biết lắng nghe, thấu hiểu, chịu nhìn nhận và sửa chữa những sai xót nhỏ của mình thì sẽ không có những sự việc đau lòng như trên xảy ra.

  • Hoa Liên

[links()]

chia sẻ bài viết
Theo:  giaitri.thoibaovhnt.vn copy link
Tác giả:
Từ khóa:
Tin nên đọc