(Phunutoday) - Cuộc sống gia đình giữa Nguyễn Mạnh Hà (SN 1977, ngụ tại xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai) và vợ là chị Nguyễn Thị Thu Sương thường xuyên mâu thuẫn chuyện tiền bạc. Người vợ cho rằng chồng quá hà tiện, tất cả những đồng tiền làm ra đều bị chồng cầm hết rồi gửi cho mẹ đẻ giữ. Bi kịch gia đình đã đến trong một lần cãi nhau vì miếng ăn, gã chồng tàn ác đã dùng khăn tắm siết cổ vợ đến chết rồi dựng hiện trường giả nhằm che giấu tội lỗi tày đình của mình.
Bi kịch gia đình có người chồng… hà tiện
Đã 1 năm trôi qua, nhưng những người dân ở ấp 2, xã La Ngà, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai vẫn chưa hết bàng hoàng khi nhớ lại vụ án Nguyễn Mạnh Hà sát hại vợ dã man rồi dựng hiện trường giả nhằm đánh lạc hướng cơ quan Công an. Tội ác tày trời của Hà gây ra cũng bắt đầu từ sự hà tiện, keo kiệt của hắn khiến người vợ không thể chịu nổi cảnh sống đó dẫn tới mâu thuẫn. Trong phiên tòa mới đây của TAND tỉnh Đồng Nai, gã chồng tàn ác đó đã trả giá cho tội ác mà hắn đã gây ra.
Bi kịch gia đình có người chồng… hà tiện
Nguyễn Mạnh Hà tại tòa |
Nguyễn Mạnh Hà là công nhân cạo mủ cao su cho nông trường cao su La Ngà ở gần nhà. Tuy làm công nhân, nhưng Hà lập gia đình khá muộn. Đến năm 2007, khi đã 30 tuổi thì gã thanh niên này mới quen biết và có tình cảm yêu đương với một nữ công nhân trẻ đẹp làm cùng nông trường là chị Nguyễn Thị Thu Sương. Tình yêu của họ nhanh chóng tiến tới hôn nhân ngay trong cùng năm. Khi đó, phía hai gia đình, họ hàng và bạn bè đều chúc phúc cho đôi bạn trẻ, và người mừng hơn được vàng là bà Linh, mẹ của Hà khi con mình đã yên bề gia thất.
Được biết, thời gian đầu sau khi cưới nhau, Hà và Sương sống chung với mẹ chồng tại ấp 2, xã La Ngà. Hàng ngày, hai vợ chồng đi làm từ sớm tinh mơ đến khi mặt trời khuất dạng mới về đến nhà, vậy mà mỗi tháng cũng chỉ thu nhập được gần 3 triệu đồng. Mỗi khi có lương, toàn bộ số tiền thu nhập của 2 vợ chồng trong tháng đều do Hà nắm giữ hết và đưa cho mẹ đẻ của mình, tức bà Linh để lo trang trải chi tiêu hàng ngày. Còn Sương chỉ được chồng trích vài ba trăm ngàn tiêu mà theo Hà “thế là thoải mái lắm rồi, đi làm có thời gian đâu mà tiêu tiền”.
Tuy biết rằng khi có gia đình phải tiếp kiệm chi tiêu để nhanh chóng ổn định cuộc sống nhưng cách cư xử theo kiểu “bố thí” của Hà khiến người vợ trẻ cảm thấy mặc cảm và rất khổ tâm vì không được chồng tin tưởng giao tiền để quán xuyến việc gia đình. Nhiều lần, Sương có quá tay đi mua quần áo, đôi dép hết số tiền mà chồng đưa cho. Và khi Sương hỏi thì Hà liền phát cáu: “Cô tiêu gì mà nhanh hết vậy, ăn tiêu hoang phí như vậy làm bao nhiêu cho đủ…”.
Những lần như vậy Sương cảm thấy cuộc sống vô cùng bức bí, ngột ngạt vì khoản tiền vài trăm ngàn hàng tháng chồng đưa không đủ để cô chi tiêu cho bản thân mình những lúc trái nắng trở trời ốm đau, chưa kể còn phải lo những việc cưới hỏi bạn bè. Nhiều lần, Sương cũng góp ý với chồng chuyện này tiền bạc nhưng Hà luôn bảo thủ và những lời chân tình góp ý của Sương đối với Hà như “nước đổ lá khoai”. Chính vì vậy, cuộc sống gia đình thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Sương cho rằng Hà quá coi trọng mẹ của mình và không tôn trọng vợ, coi vợ như kẻ ở và đàn ông nhưng sống hà tiện, khắt khe từng đồng bạc cắc.
Cuộc sống vợ chồng hàng ngày “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt” và mâu thuẫn mẹ chồng - nàng dâu lúc nào cũng căng thẳng, nặng nề. Sương đã không chịu nổi cảnh gia trưởng của chồng nên đã hai lần bỏ nhà vào quận Gò Vấp, T.P. HCM ở nhờ nhà chị họ. Nhưng lúc này, Hà lại nài nỉ xin vợ quay về và hứa sẽ thay đổi tính “hà tiện”. Tuy nhiên, khi Sương trở về thì mọi thứ lại như lúc đầu, hà tiện vẫn là… hà tiện.
Khi Sương có con, hai vợ chồng quyết định ra ngoài thuê trọ để tiện trong việc sinh hoạt. Nhưng khi ra ở riêng thì Hà không gửi tiền để bà Linh giữ hộ nữa mà chính Hà nắm “chìa khóa tay hòm”, quyết định việc chi tiêu mọi việc trong gia đình; kể cả những khi mua sữa, mua tã lót cho con cũng được Hà chi theo kiểu “nhỏ giọt”.
Không chịu được tính “tiết kiệm quá mức” của chồng, chị Sương kiên quyết đòi hỏi Hà phải đưa số tiền ít ỏi mà mình lam lũ, thức khuya dậy sớm kiếm được từ công việc cạo mủ cao su thuê để lo cho con. Tuy nhiên, Hà không đưa vì “cần gì em cứ nói, giữ tiền trong người không tiện”. Chính vì vậy mà những người hàng xóm hàng ngày vẫn nghe thấy tiếng cãi vã của vợ chồng trẻ này. Thời gian vợ mang thai và sinh con, trong giai đoạn phải ở “cữ” thì Hà cũng thường xuyên đi sớm về khuya. Và nhất là mỗi lần Sương hỏi về số tiền hai vợ chồng dành dụm được, thì Hà chỉ giải thích: “Có nhiều việc quan trọng dùng tới tiền, cô biết gì mà hỏi mãi thế?”. Lúc này, chị Sương nghi ngờ chồng chi tiền để cho “bồ nhí”, đánh bạc hoặc đưa cho mẹ.
Tội ác và bản án lương tâm
Bi kịch gia đình của vợ chồng Hà - Sương lên đến đỉnh điểm vào ngày 13/8/2010, Hà đi đám giỗ từ nhà mẹ ruột về và đem thức ăn cho vợ. Nhưng lúc này Sương giận dỗi không ăn, vì vậy mà hai người xảy ra một cuộc đấu khẩu chiến suốt nhiều giờ đồng hồ. Đến khoảng 3h sáng ngày hôm sau (tức 14/8), Hà thức dậy và gọi vợ sửa soạn chuẩn bị đi cạo mủ cao su. Nhưng Sương phản ứng không chịu nghe, mà đòi đưa con về quê ở tỉnh Phú Yên nên dẫn tới vợ chồng tiếp tục cãi nhau.
Tội ác và bản án lương tâm
Nhiều lúc Hà cũng cố gắng đưa vội mắt xuống dưới để nhìn con, nhìn mẹ nhưng chẳng ai muốn nhìn kẻ giết người như hắn. |
Không kiềm chế được bản tính nóng giận, lợi dụng lúc vợ đang ngồi trên giường không để ý, hắn đã dùng chiếc khăn tắm choàng vào cổ chị Sương rồi siết chặt. Gã chồng này như con thú hoang dùng vũ lực đè vợ nằm xuống giường rồi tiếp tục lấy hết sức siết mạnh cho đến lúc thấy Sương nằm bất động mới buông tay. Trong phiên tòa mới đây, Hà thú nhận: “Vì tức giận nên bị cáo siết cổ để dọa, chứ không cố ý giết vợ”
Khi biết vợ đã chết, Hà bình tĩnh đặt chị sang nằm ngay ngắn trên giường, đắp chăn nhằm ngụy tạo hiện trường như chị Sương đang ngủ cùng với đứa con bên cạnh rồi bỏ đi làm. Để chứng minh mình ngoại phạm, vô can đến cái chết của vợ nên Hà cạo mủ cao su đến gần 6 giờ sáng, rồi gọi điện cho chị Võ Thị Ngọc Minh (là chị họ của Sương, ngụ cùng ấp 2, xã La Ngà, huyện Định Quán) nhờ người phụ nữ này sang nhà rủ vợ mình đi chợ sớm.
Vừa tới cổng nhà, chị Minh cất tiếng Sương nhưng không thấy trả lời. Nghĩ Sương mệt không dậy được nên chị Minh đi vào thì bàng hoàng phát hiện Sương đã nằm chết trên giường ngủ. Sau một lúc lấy lại bình tĩnh, chị Minh hô hoán lên mọi người.
Từ kết quả khám nghiệm tử thi, thu thập dấu vết để lại ở hiện trường và lời khai của các nhân chứng, cơ quan điều tra Công an tỉnh Đồng Nai nhận định đây không phải là vụ chết do bệnh tật và loại trừ khả năng một vụ giết người cướp tài sản vì những tài sản đáng giá trong nhà chị Sương, cả ví tiền để trong tủ cũng không bị mất. Khả năng nạn nhân bị cưỡng hiếp sau đó bị sát hại cũng không có cơ sở bởi hiện trường không bị xáo trộn, không có sự giằng co trầy xước của người bị hại với hung thủ.
Về lý do cánh cửa mở trước khi chị Minh bước vào, Hà giải thích mình đi cạo mủ cao su từ lúc 3h sáng nên không biết tại sao cửa lại không đóng dù hàng ngày, mỗi khi Hà mở cửa đi làm sớm, chị Sương sẽ thức dậy đóng cửa cẩn thận rồi mới vào ngủ tiếp.
Những lời khai của các nhân chứng với kết quả khám nghiệm hiện trường, Công an nhận định khả năng Hà liên quan đến cái chết của vợ nên đã mời nghi can về trụ sở để làm việc. Tại đây, Hà tỏ ra bình tĩnh và một mực cho rằng không có lý do gì để anh ta phải giết vợ, giữa hai người không hề có mâu thuẫn tới mức phải chia rẽ nhau. Tuy nhiên, qua những bằng chứng mà Công an thu thập hiện trường và những nhân chứng hàng xóm, cuối cùng gã chồng tàn ác cũng đành phải cúi đầu thú nhận hành vi ra tay giết vợ của mình.
Mới đây, TAND tỉnh Đồng Nai mở phiên xét xử sơ phẩm đối với vụ án giết vợ của Nguyễn Mạnh Hà. Trong suốt thời gian phiên tòa diễn ra, Hà luôn cúi gằm mặt xuống, hai bàn tay nắm chặt lấy chiếc vành móng ngựa có vẻ tỏ ra hối hận. Khi HĐXX vặn hỏi: “Siết cổ người khác cho đến khi chết sao lại cho đó chỉ là dọa và nhất là khi chị Sương ngừng thở bị cáo lại bỏ mặc đi làm. Bị cáo gọi điện thoại cho người thân của nạn nhân đến nhà mình nhằm mục đích gì?”. Bị cáo Hà cuối gầm mặt trả lời ní nhí: “Vì bị cáo lo cho vợ chứ không có ý gì khác!”
Hà cố vớt vát biện minh cho mình là người có trách nhiệm, hiếu thảo với mẹ nên mới tức giận khi Sương không chịu ăn đồ do mẹ Hà làm. Thẩm phán xét xử nhận định, đó là lý lẽ thiếu thuyết phục, rất khó thông cảm, tha thứ cho hành vi tàn ác của Hà; bởi nếu Hà thật sự là người hiếu thảo thì trước hết Hà hãy làm tròn trách nhiệm của người cha người chồng, người cha tốt và một người đàn ông trụ cột trong gia đình, đừng để vợ phải nặng lời trách mắng Hà về tiền bạc, để nên nỗi vợ chồng đã ra ở riêng mà mẹ già vẫn phải bận lòng. Đó chính là những lời biện minh thể hiện rõ tính ích kỷ, hà tiện và vô trách nhiệm với vợ và con của Hà mà thôi.
Suốt giờ nghị án, hắn ngồi cô độc giữa những người mặc sắc phục công an, đầu cúi thấp nhưng gương mặt vẫn bình thản, lầm lì khó tả. Nhiều lúc Hà cũng cố gắng vội đưa mắt xuống dưới để nhìn con, nhìn mẹ nhưng chẳng ai muốn nhìn kẻ giết người như hắn. Vì vậy, suốt phiên tòa hắn chỉ nhìn lên rồi cúi đầu. Sau đó, HĐXX xét hành vi của Hà là nghiêm trọng, phạm tội với động cơ đê hèn, có chủ mưu, chuẩn bị kỹ lưỡng nên tuyên phạt Hà mức án 16 năm tù về tội “giết người”. Tuy nhiên, phía gia đình bị hại cho rằng mức án của HĐXX đưa ra là quá nhẹ, không tương xứng với tội ác mà Hà đã gây ra. Gia đình của chị Sương cho biết sẽ kháng cáo tăng án để đòi công bằng.
Phiên tòa khép lại, Hà lặng lẽ bước đi trong sự áp giải của cảnh sát ra khỏi phiên tòa. Hắn biết tội của mình gây ra “trời không dung, đất không tha” nên cứ cúi đầu bước đi. Có thể là bản án 16 năm tù và có thể là hơn thế nữa, nhưng sau song sắt của nhà tù, Hà sẽ đối diện với một bản án khác - bản án lương tâm. Nó sẽ còn theo mãi đến suốt cuộc đời của Hà và sau này, đứa con của hắn lớn lên biết được tội ác mà cha gây ra đối với mẹ chỉ vì tính hà tiện và sự ích kỷ, thì liệu nó có tha thứ cho người cha như thế hay không?
- Vũ Thái Bình