Ngày xưa, trong một thị trấn nọ có một người đàn ông sống cùng vợ của mình. Người đàn ông này rất nóng tính và đã từng đánh vợ trong những lần xảy ra mâu thuẫn.
Không may, có một lần, do không kiềm chế được cơn nóng giận, người chồng đã đánh vợ, và dù không chủ ý, nhưng cú đòn vô tình đã khiến người vợ qua đời.
Quá bàng hoàng và hoảng hốt, người đàn ông vừa hối hận, vừa sợ hãi khi nghĩ đến phản ứng từ phía gia đình nhà vợ. Chỉ cần tưởng tượng ra việc họ sẽ giận dữ và trừng phạt mình ra sao, ông cũng đã cảm thấy rùng mình kinh hãi.
Trong cơn hoảng loạn, ông bỗng gặp lại một người bạn và kể hết sự tình cho anh ta nghe, mong anh ta cho ông một lời khuyên.
Tuy nhiên, thay vì khuyên người chồng hãy đi đầu thú với cảnh sát để hưởng lượng khoan hồng, hoặc trực tiếp đi báo cảnh sát, người bạn này lại nghĩ ra một kế hoạch mà anh ta cho là "diệu kế" để giúp bạn mình thoát tội.
Theo đó, người chồng nên mời một người đàn ông trẻ tuổi tới nhà, rồi bày kế giết chết anh ta và để xác anh ta cạnh thi thể bà vợ kia, sau đó nói với gia đình của vợ rằng khi về nhà, ông ta thấy "đôi gian phu dâm phụ" kia đang ở trên giường. Do quá tức giận nên ông ta đã giết chết họ.
Người đàn ông nghe được "diệu kế" thì mừng lắm, liền trở về nhà thực hiện ngay kế hoạch. Ông ta giấu xác vợ vào phòng mình và ra ngoài.
Khi đang đi lang thang trên phố, ông ta gặp một thanh niên trẻ. Bịa ra một lý do gì đó, ông ta đã thuyết phục được người thanh niên về nhà mình.
Sau khi chuốc cho cậu trai trẻ say rượu, người đàn ông đã giết chết anh ta và đặt xác của anh ta cạnh người vợ tội nghiệp đã bị đánh chết lại phải gánh thêm cái tội tày trời mà mình chằng hề liên quan, đúng như lời người bạn gợi ý.
Sau đó, người chồng gọi gia quyến của vợ tới nhà, kể cho họ câu chuyện ngoại tình bịa đặt của vợ ông. Nghe xong câu chuyện, người thân của vợ dù đau khổ nhưng không thể đổ lỗi cho ông và trở về nhà, khiến kẻ giết người mừng như bắt được vàng.
Nhớ tới người đã giúp mình thoát khỏi rắc rối, ông ta chụp lại bức ảnh 2 thi thể nằm cạnh nhau rồi vội tới nhà "ân nhân" để báo tin rằng kế hoạch đã thành công ngoài mong đợi.
Tuy nhiên, khi đến nơi, người đàn ông ngạc nhiên khi thấy bạn mình trông rất ủ rũ. Anh ta nói đã đi tìm con trai suốt đêm qua nhưng không thấy. Bình thường con trai anh ta chưa bao giờ đi đâu qua đêm mà không báo với gia đình.
Người đàn ông gạt đi, cho rằng con trai đã lớn đi qua đêm là chuyện thường, không có gì cần lo lắng, hãy cùng ông ta ăn mừng vì kế hoạch thành công và cho anh ta xem bức ảnh mình đã chụp về đôi "gian phu dâm phụ".
Thế nhưng, khi nhìn vào bức ảnh, bạn ông ta bỗng xám ngoét mặt khi nhận ra, người thanh niên nằm chết bên cạnh vợ của bạn mình, chính là cậu con trai yêu quý duy nhất, người đã phải chịu một cái chết oan uổng do chính lời khuyên tệ hại của bố mình.
Đây có thể là một câu chuyện có thật hoặc không có thật, song việc đưa ra những "diệu kế" như người bạn nói trên lại rất phổ biến trong cuộc sống.
Để giúp đỡ người thân, bạn bè, nhiều lần ta đã khuyên họ nên làm thế này, thế khác mà không suy nghĩ kỹ xem nó có hại tới người khác hay không, hoặc có thể biết rõ, nhưng cố tình cho qua.
Nhưng nên nhớ rằng trên đời, việc gì cũng có nhân quả, và nhiều khi, quả báo đến sớm hơn bạn tưởng. "Gậy ông đập lưng ông", nếu định đào hố chôn người khác thì coi chừng, có thể bạn sẽ chính là kẻ đầu tiên ngã xuống cái hố đó.
Người chồng trong câu chuyện trên cũng là minh chứng cho tác hại của sự nóng giận không được kiềm chế. Vậy làm sao để kiềm chế cơn giận?
Hãy nhớ: Vào những lúc nóng nảy, tuyệt đối không ra bất cứ quyết định gì!
Sự nho nhã của con người nằm ở việc tự kiểm soát, khống chế cảm xúc của bản thân. Dùng miệng lưỡi làm tổn thương người khác là hành vi ngu xuẩn nhất. Chúng ta không tự do, thông thường là bởi chúng ta bị cảm xúc không tốt từ trong tâm chi phối.
Hãy nhớ: Một người có thể kiếm soát tốt cảm xúc tồi tệ trong lòng luôn mạnh hơn một người có thể di dời cả một tòa thành.
Nước càng sâu càng chảy lặng, nói chậm (nghĩ kỹ trước khi nói) là thước đo độ cao quý của con người. Chúng ta mất 2 năm để học nói song phải mất cả chục năm để học cách giữ im lặng (không nói).
Hãy nhớ: Nói – là một loại khả năng, không nói – là một loại trí tuệ!
Dưới đây là một số gợi ý về phép ứng xử nên thực hành trong các tình huống của cuộc sống, mời quý độc giả cùng đọc và suy ngẫm!
Càng là việc gấp, càng cần phải nói chậm
Khi đối diện với việc gấp, nếu có thể bình tĩnh suy nghĩ một chút, sau đó thong thả trình bày thật rõ về sự việc đó, bạn sẽ để lại ấn tượng tốt về một người chắc chắn, bình tĩnh cho người nghe. Bằng cách này, bạn sẽ khiến đối phương thêm tín nhiệm mình.
Với những chuyện nhỏ, hãy trình bày theo cách hài hước
Đặc biệt là với những lời nhắc nhở đầy thiện ý, dùng một câu nói đùa nói ra quan điểm của mình sẽ không khiến người nghe cảm thấy cứng nhắc, khó chịu, và như thế, họ không chỉ tiếp nhận lời nhắc mà còn gia tăng cảm giác thân mật giữa bạn và đối phương.
Với những việc không nắm rõ, cần thận trọng khi nói ra
Những việc bản thân không nắm rõ, tốt nhất không nên nói ra. Tuy nhiên nếu buộc phải nói, bạn cần phải hết sức thận trọng.
Những việc chưa xảy ra, đừng nói bừa
Con người nói chung hầu hết đều ghét những kẻ hay bày đặt, gièm pha gây chuyện thị phi. Việc bạn không tùy tiện suy đoán hoặc nói bừa về những chuyện không có thật sẽ đem đến cho những người xung quanh một cảm giác, rằng bạn là một người chín chắn, có tu dưỡng, là một người nghiêm túc, có trách nhiệm.
Những việc không làm được, đừng hứa suông
Đừng tùy tiện buông lời hứa với những việc bản thân mình không làm được, nếu không, bạn sẽ bị đánh giá là người không đáng tin cậy và chẳng ai muốn đặt niềm tin lên bạn trong những lần sau.
Không nói những lời làm tổn thương người khác
Dù bạn là ai, cũng nên nhớ đừng dùng lời nói để làm tổn thương người khác, nhất là với những người có quan hệ thân thiết gần gũi với bản thân.
Làm được việc này, bạn sẽ đem đến cho những người xung quanh cảm giác bạn là người lương thiện, dễ thắt chặt tình cảm trong các mối quan hệ dù là khăng khít hay xã giao.