Theo PV báo Tiền Phong, một tháng sau vụ cháy chung cư Carina Plaza, đường Võ Văn Kiệt, phương 16, quận 8, TP HCM, vẫn còn nhiều hộ dân bám trụ ở đây. Dấu hiệu dễ dàng nhất để nhận ra căn hộ có người là những cánh cửa mở toang từ cửa hành lang tới cửa lan can. Một cư dân sống ở tầng 7, block C cho biết: “Cúp điện nước hết rồi, nóng lắm nên nhà có người ở là đều mở cửa cho mát. Nhờ vậy mà mình biết nhà nào có người, nhà nào không”.
Trong vụ cháy vừa qua, block nhà A và B bị nặng nhất nên hầu như cư dân đã chuyển đi gần hết, block C ít ảnh hưởng hơn nhưng đa số cư dân cũng không ai ở lại, chỉ còn vài chục hộ sống rải rác, chủ yếu là người già và thanh niên bám trụ lại. Tuy nhiên, các căn hộ đều không được cấp điện và cấp nước.
“Ngay sau đám cháy điện nước ở tòa tháp này cũng bị cắt hết. Nhưng sau thấy nhiều người ở lại, Ban quản lý cũng bật điện thang máy cho cư dân sử dụng, chứ nhiều người ở tầng 14, leo cầu thang bộ chắc cũng hết hơi”, ông H sống tại tầng 3 cho biết.
Bà T. (block C, tầng 5) đang bê nước từ tầng 1 lên nhà cho hay: “Nhà có 2 vợ chồng già nên bám trụ từ ngày xảy ra cháy đến nay. Ngày nào tôi cũng xách nước cả chục lần lên phòng mình để tắm giặt, vệ sinh cá nhân. Nhà này mình thuê nên không ở đây thì biết đi đâu. May mà lúc xảy ra hỏa hoạn, cả gia đình và căn nhà không bị gì nên vẫn có thể ở được. Trước mắt, mình chỉ biết sống tạm được ngày nào hay ngày nấy, rồi tính tiếp thôi chứ biết sao bây giờ”.
“Sau vụ cháy vợ và con em thì về bên ngoại sống. Em dạy học ở gần đây nên trụ lại, đi lại cho tiện và coi nhà luôn”, anh V sống tại tầng 5 cho biết. Lý giải về việc này anh V nói: "Mình là đàn ông sống sao cũng được. Tháp này không bị ảnh hưởng nhiều chứ các hộ dân ở tháp A họ tội lắm”, anh nói.
Khi được hỏi về khoản trợ cấp 300.000 đồng/hộ/ngày như chủ đầu tư hứa, các cư dân Carina đều gật đầu cho biết đã nhận đủ, mỗi lần nhận một lúc 10 ngày (3 triệu đồng). Có hộ đã nhận được 2 đợt, có hộ nhận 3 đợt. Tuy nhiên, các hộ cho hay, với 300.000 đồng/ngày thì không dám thuê căn hộ khác vì thời gian thuê ngắn nên chủ hộ không đồng ý. Vì vậy, họ dùng số tiền này để mua nước uống, đồ dùng chạy bằng sạc điện và cố gắng sống trong căn hộ của mình.
Cư dân tại block C, ông P cho biết, số tiền hỗ trợ 300 nghìn/ngày ông đưa cho vợ chồng con trai ông ra ngoài thuê phòng ở tạm. Ông và vợ bám trụ lại ở chung cư. “Tại thành phố, thuê một căn nhà cho từng ấy người như nhà tôi cũng phải hơn 4 triệu/ tháng, mà sống chật chội. Cảnh không điện nước cũng bất tiện lắm, nhưng mình sống ở đây quen rồi. Cả đời chúng tôi sống khổ rồi, có thêm vài tháng nữa cũng không sao”, ông P nói.
Mặc dù những người ở lại đều biết việc tòa nhà chưa đủ an toàn để sử dụng, nếu có vấn đề gì trong thời gian này thì họ phải tự chịu trách nhiệm chứ không phải chủ đầu tư. Tuy nhiên họ vẫn quay lại sống bởi “chúng tôi cần nơi ở…”...